Các mạch máu xoắn và uốn gập trong cơ thể người cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết và xử lý chất thải nguy hại để giữ cho các cơ quan hoạt động hoàn hảo. Nhiệm vụ đặt ra cho các nhà khoa học là làm sao tạo ra được các mạch máu nhân tạo có chức năng tương tự.
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học tại Bệnh viện Brigham and Women tại Boston, Hoa Kỳ, đã chế tạo thành công các mạch máu nhờ sử dụng công nghệ in sinh học 3D.
Phương pháp giải quyết vấn đề này liên quan đến việc in các sợi agarose để làm các kênh mạch máu. Nhưng điểm độc đáo ở chỗ, các sợi được tạo ra đủ chắc chắn để không bị phá vỡ khi tạo thành mạch máu và tránh phải bỏ các lớp khuôn mẫu, có thể không tốt cho các tế bào bị kẹt trong gel xung quanh.
Khademhosseini và nhóm của ông đã có thể xây dựng các mạng vi kênh có các tính năng kiến trúc khác nhau. Họ cũng có thể nhúng được các vi kênh chức năng và có thể truyền dịch vào trong một loạt các chất hydrogel thường được sử dụng, chẳng hạn như gelatin methacrylated hoặc hydrogel dựa trên poly (ethylene glycol) ở các nồng độ khác nhau.
Mạch máu là một phần của hệ thống tuần hoàn trong cơ thể chúng ta, giúp lưu thông máu đi khắp cơ thể, cung cấp các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Do vậy, việc chế tạo được các mạch máu nhờ công nghệ in 3D được cho là một bước tiến lớn, vì cho tới hiện nay, mặc dù công nghệ in 3D đã rất phát triển song người ta vẫn chưa thể in được mạch máu.
Theo Khademhosseini, việc ứng dụng công nghệ này trong tương lai có thể giúp thực hiện các ca cấy ghép tùy chỉnh, hoặc phát triển các loại thuốc an toàn và hiệu quả bên ngoài cơ thể.
Gia Minh (theo NASATI)