Theo Phys.org, bây giờ, để đo nhịp tim, chúng ta không cần phải có ống nghe hay thiết bị đo nhịp tim. Giáo sư Jake Gunther ở Đại học Utah, Mỹ, và các đồng nghiệp đã phát minh ra công nghệ cho phép bạn xác định nhịp tim bằng camera video và một chương trình đặc biệt.
Giáo sư Jake Gunther nói: "Khi trái tim đẩy máu qua các động mạch và tĩnh mạch, ánh sáng mà da hấp thụ sẽ thay đổi đáng kể. Mắt thường không thể nhìn thấy điều đó, nhưng khi hệ thống của chúng tôi xử lý hình ảnh nhận được bằng camera, sự thay đổi này trở nên rõ ràng".
Camera ghi lại màu sắc của hình ảnh theo ba kênh, màu đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Màu xanh lá cây cung cấp thông tin cần thiết để xác định nhịp tim, vì hemoglobin trong máu hấp thụ quang phổ xanh tốt nhất. Tức là, khi trái tim đẩy máu dọc theo các động mạch gần da, màu xanh lá cây sẽ phản xạ ít hơn những ánh sáng khác và có thể nhìn thấy trên hình ảnh video.
Nhà nghiên cứu thứ hai, Nate Ruben, giải thích rằng “thay vì nhìn vào ánh sáng đi qua da, chúng tôi nhìn vào ánh sáng được phản chiếu từ da”.
Hệ thống xử lý dữ liệu nhận được từ camera và hiển thị giá trị trung bình của những thay đổi ở những nơi có thể nhìn thấy da như trên mặt, cổ, tay. Đồng thời, người sử dụng (bệnh nhân hoặc trẻ em) có thể cử động và xoay người - điều này không ảnh hưởng đến việc kiểm tra nhịp tim.
Hệ thống không tiếp xúc này có khả năng mở ra một cuộc cách mạng về thiết bị y tế và đồ điện tử tiêu dùng, ví dụ như các thiết bị có màn hình dùng cho trẻ em hoặc các máy theo dõi sức khỏe. Và các phiên bản tiên tiến hơn dành cho các bệnh viện sẽ có thể thay thế thiết bị đo huyết áp và nồng độ oxy trong máu. Vì vậy, 2 ông Gunter và Ruben đã xin cấp bằng sáng chế và thành lập công ty Photorithm Inc. để phổ biến sản phẩm. Ngoài ra, họ đang phát triển thiết bị giám sát Smartbeat, theo dõi hơi thở của trẻ khi ngủ.
Trong khi đó, công ty Somnarus đã phát triển một miếng dán điện tử báo động khi ngừng hô hấp gần như chính xác như chẩn đoán trong phòng thí nghiệm - mức độ chính xác của miếng dán tương đương hơn 87% hiệu quả khi dùng máy đa ký giấc ngủ (polysomnography).
Vũ Trung Hương