Chỉ cần nghĩ cảnh dàn Hổ báo kỵ phi như bay trên các thuyền là Tháo chắc là khoái lắm nên vội “bước xuống tạ” liền. Về sau, bao nhiêu quân sư mưu sĩ bài bác kế này nhưng Tháo đều bỏ ngoài tai. Kết quả năm 208, Tháo đại bại tại Xích Bích bởi kế hỏa công của Chu Du.
Tào Tháo là người nổi tiếng đa nghi nên người Việt ta có câu “Đa nghi như Tào Tháo”. Nhưng khi hỏi Tào Tháo bị ám ảnh gì nhất trong đầu thì không phải ai cũng biết, kể cả hạng thuộc làu Tam quốc. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung không có từ nào nói về chuyện Tào Tháo bị ám ảnh về ngựa nhưng các chi tiết mà lão La kể ra thì chỉ đúng phóc ngựa là thứ mà Tháo ngày đêm suy nghĩ.
Tháo luôn nghĩ về việc phải có ngựa ngon có lẽ từ đêm đi hủ hóa thím của Trương Tú rồi bị truy sát. May mà trên đường chạy thì được anh con cả là Tào Ngang nhường cho ngựa tốt nên mới tẩu thoát thành công. Từ đó đi đến đâu Tháo cũng nghĩ đến ngựa, lập cả bộ sưu tập ngựa và cả đội kiêu binh dùng ngựa khè thiên hạ.
Đánh thắng Lã Bố, không thấy nhắc vụ Tháo có bắt Điêu Thuyền hay không nhưng truyện nói rõ về việc Tháo tịch thu con ngựa Xích Thố nhập về kho nhà. Sau Tháo tặng cho Quan Vũ để lấy lòng chiêu hiền. Quan Vũ lại nói dùng ngựa "ngày đi ngàn dặm" này tìm Lưu Bị, Tháo nghe vậy thì hối (truyện không kể vì sao lại hối nhưng chắc Tháo tiếc con ngựa vừa cho).
Quan Vũ về dưới trướng, Tháo dẫn quân đi đánh nhau với Viên Thiệu và chọn núi Bạch Mã là nơi đặt đại bản doanh. Thấy chưa, Tháo khoái ngựa nên chọn đứng trên Bạch Mã chỉ huy ba quân mới oai. Chẳng dè, quân Thiệu vây núi, các tướng Tháo thua sạch nên phải mời Quan Vũ đến giải vây. Cùng Vân Trường ngắm quân Thiệu, Tháo buột miệng khen: “Binh mã Hà Bắc hùng tráng lắm nhỉ”. Đáng nhẽ thấy quân đội Thiệu thì phải khen là “binh sĩ” nhưng Tháo vì bị ám ảnh về ngựa nên nói thành “binh mã” cho thỏa cái khao khát trong lòng.
Hạ được Thiệu, Tháo vẫn mê “binh mã” hùng tráng của Hà Bắc nên lập cho mình đội kỵ cảnh riêng ngày càng đông về lượng, tinh nhuệ về chất, hợp đồng tác chiến cũng giỏi mà dùng thị uy người khác cũng tài. Khi dùng quân đánh trận thì có đội “Hổ báo kỵ” do em trai là Tào Thuần làm đoàn trưởng. Hổ báo kỵ là đội mà Tháo rất cưng dù nuôi đội này rất tốn kém: Ngựa của Hổ báo kỵ toàn khoác da hổ, da báo mà ra trận thì rất ngầu. Kệ, Tháo khoái là được.
Kể thêm chút về thói sính mã của Tào Tháo kể cũng vui.
Khi đánh trận Xích Bích, Bàng Thống là người xúi Tào Tháo buộc thuyền vào nhau. Làm sao Thống xúi được Tháo trùm đa nghi dùng cái kế phiêu lưu này? Thống đánh trúng tâm lý mê kỵ binh của Tháo. Thống nói: “Trong sông lớn này, nước thủy triều khi lên khi xuống, sóng gió liên miên. Người phương bắc không quen ngồi thuyền bị sóng đánh nghiêng ngả mới sinh ra bệnh. Nếu đem thuyền lớn nhỏ, ghép lại thành từng cụm độ ba chục chiếc hoặc năm chục chiếc, đầu đuôi dùng xích sắt ghép liền với nhau, trên thuyền lát ván phẳng phiu, như thế chẳng những người đi lại dễ dàng, mà đến ngựa chạy cũng được. Nên làm ngay lúc này đi, thì còn lo chi thủy triều và sóng gió nữa”.
Chỉ cần nghĩ cảnh dàn Hổ báo kỵ phi như bay trên các thuyền là Tháo khoái lắm nên vội “bước xuống tạ” liền. Về sau, bao nhiêu quân sư, mưu sĩ bài bác kế này nhưng Tháo đều bỏ ngoài tai. Kết quả năm 208, Tháo đại bại tại Xích Bích bởi kế hỏa công của Chu Du. Chỉ vì muốn có cảnh khoe kỵ binh trên thuyền trước quân Giang Nam mà Tháo nướng sạch 81 vạn quân.
Năm Kiến An thứ 15 (210) đài Đồng Tước hoàn thành, Tháo hội cả các quan văn võ ở Nghiệp Quận mở tiệc ăn mừng. Có trò thi bắn tên cho các võ tướng. Người đầu trổ tài là "hồng phúc" nhà Ngụy. Tào Hưu phi ngựa dạo đi dạo lại hai ba vòng, rồi rút một mũi tên, giương đẫy sức cung, bắn ra một phát, trúng ngay hồng tâm. Chiêng trống nổi lên, tiếng reo mừng ầm ĩ. Tào Tháo ngồi trên cũng mừng nói rằng: “Đó là ngựa thiên lý của nhà ta đó!”.
Ám ảnh về ngựa, sính về ngựa nên Tháo khi khen cũng phải dùng ngựa ra so sánh thì mới chịu. Sau lời khen đó, sự nghiệp Tào Hưu lên như diều vì ai cũng đinh ninh đó là ngựa thiên lý được Tháo khai kim khẩu khen ngợi. Còn về sau khi Tào Hưu lên đô đốc, ngu dốt đến mức tin Chu Phường trá hàng, dẫn đến thảm bại trước Đông Ngô khiến nhà Ngụy liêu xiêu.
Hay kể thêm chuyện Tào Tháo đem kỵ binh ra khè Trương Tùng – người của Lưu Chương. Tùng vốn định đến dâng Ích Châu cho Tháo. Vậy mà khi tiếp, Tháo bảo kẻ tay chân (Dương Tu) dàn 5 vạn quân và dàn kỵ binh cỡ mấy trung đoàn kỵ binh chuyên phục vụ nghi thức ra rồi hỏi Tùng: “Nước Thục nhà ngươi đã từng được thấy quân mã hùng dũng thế này chưa?”.
Tháo lại nhấn đến việc dùng từ quân mã chứ không nói là quân đội cứ như thể có mấy đội kỵ binh chuyên phục vụ nghi thức là thiên hạ sợ mất mật. Chẳng dè, Tùng nói: “Nước Thục tôi chỉ cốt lấy nhân nghĩa trị người, chớ không thấy binh đao như thế bao giờ”. Kết quả, Tùng bất mãn Tháo, bèn mang địa đồ vào Xuyên dâng cho Lưu Bị, Tháo sau mất bao nhiêu quân cũng không bình được Xuyên. Giá kể như Tháo lúc đó đãi Tùng tốt, đừng vì cái sĩ diện đem dàn kỵ binh làm cảnh của mình đi khè Tùng thì đã sớm có Tây Xuyên để thống nhất thiên hạ.
Không chỉ khi tỉnh mới bị ám ảnh ngựa mà lúc ngủ cũng vậy. Mấy đêm trước khi mất, Tháo nằm mê thấy ba con ngựa cùng ăn chung một máng cỏ. Sáng dậy, Tháo hỏi Giả Hủ rằng: “Cô khi trước đã mơ thấy ba con ngựa cùng ăn một máng, nghi là cha con Mã Đằng làm hại. Nay Mã Đằng chết rồi, đêm qua lại mơ thấy thế, hay dở ra làm sao?”.
Giả Hủ an ủi lấy lệ bởi biết đó là điềm báo xấu. Tháo không ngờ về sau cơ đồ mình gây dựng để tạo ra nhà Ngụy lại rơi vào tay 3 cha con nhà Tư Mã. Người ta chỉ trách Tháo không đề phòng triệt để Tư Mã Ý mà quên chuyện Tháo vì sính mã, mê ngựa kiểng, bỏ lỡ không biết bao nhiêu cơ hội trong đời, tạo mối họa về sau.
Than ôi, chỉ vì khoái kỵ cảnh mà làm hỏng cái mưu to thì không cái dại nào lớn hơn vậy. Liệu đời sau có thấy vậy mà tránh?
Anh Tú