Báo Guardian (Anh) ngày 5.4 cho biết tàu tuần tra Trung Quốc đe dọa Malaysia, khi các tàu này thường xuyên hiện diện quanh Bãi cạn Luconia trên Biển Đông mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.
Trong 2 tháng đầu năm 2017, có 3 tàu cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra Bãi cạn Luconia, một khu vực đảo và rạn san hô cách Hoa lục những 1.600 km trong khi chỉ cách đảo Borneo của Malaysia khoảng 145 km về phía bắc. Bãi cạn Luconia nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.
3 tàu cảnh sát biển Trung Quốc bị truy vết bởi tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI),một thành phần của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ, và tổ chức phi vụ lợi Trung tâm nghiên cứu quốc phòng hiện đại (C4ADS).
Hai tổ chức Mỹ này nói sự hiện diện hai tháng của tàu Trung Quốc không phải bất thường, mà là một kế hoạch tuần tra luân phiên thường xuyên của 11 tàu tuần tra Trung Quốc, mà hai tổ chức này đã truy vết ở vùng Luconia kể từ cuối năm 2015.
Tàu Trung Quốc có lực lượng vũ trang hộ tống tàu đánh cá nước này từng bị phát hiện quanh Bãi cạn Luconia. Ngư dân Malaysia nói tàu Trung Quốc thường xua đuổi họ khỏi khu vực này.
Năm 2015, Malaysia từ bỏ chủ trương mềm mỏng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, sang sự phản đối điều mà Malaysia gọi là một sự xâm lược.
Tàu Trung Quốc được cho là đã rút về hồi cuối năm 2015, nhưng AMTI và C4ADS nêu “xem ra tàu Trung Quốc quay trở lại lập tức”.
Hồi tháng 3.2016, Malaysia triệu tập Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích tại sao có nhiều tàu mang cờ Trung Quốc trong lãnh hải Malaysia.
Hồi tháng 1 và 2.2017, chỉ có một tàu Malaysia tuần tra Bãi cạn Luconia, theo AMTI và C4ADS, và tàu này đến gần một tàu Trung Quốc để giám sát sự hiện diện của tàu tuần tra Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc thường gắn súng máy, có thể do quân đội điều hành trong thời chiến. Chiếc lớn nhất lởn vởn gần Bãi cạn Luconia là một tàu 5.000 tấn lớp Shuoshi II.
Các dữ liệu theo dõi tàu bè được chia sẻ cho tờ Guardian cho thấy tham vọng quân sự của Bắc Kinh đã tiến xa khỏi biên giới Trung Quốc, làm các nước Đông Nam Á hoang mang và đào sâu một cuộc khủng hoảng ngoại giao nóng với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Việc Trung Quốc có những hành vi hung hăng trên Biển Đông có thể là một chủ đề nói chuyện quan trọng, khi ông Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang Florida trong hai ngày 6 và 7.4.
Việc tuần tra trên Biển Đông, một tuyến hàng hải thương mại quan trọng của thế giới, đã trở nên một vấn đề xung đột quốc tế lớn, với Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, gây lo ngại cho Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Philippines và cả Nhật Bản.
Vài năm qua, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền các bãi san hô, và hồi tháng 3 đã xây xong 3 căn cứ quân sự lớn ở Biển Đông. Các căn cứ này có cơ sở hạ tầng không-hải quân, radar và tên lửa phòng thủ.
Mỹ đã có những cuộc tuần tra Biển Đông bằng tàu chiến và máy bay, để thể hiện quyền tự do hàng hải. Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Mỹ cần chặn Trung Quốc đến các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông.
Qua tháng 2, một máy bay quân sự có cuộc đối đầu không an toàn với một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Trung Quốc đã dàn tên lửa đất đối không HQ-9 trên một đảo nhân tạo xây trái phép, cùng tên lửa hành trình chống hạm, theo AMTI.
Trung Quốc cũng xây nhà chứa máy bay cho khoảng 72 chiến đấu cơ và nhiều máy bay ném bom cỡ lớn.
Kim Hương (theo Guardian)