Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Khoa học - công nghệ

Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết

Tuyết Nhung 21/11/2024 16:59

Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại diễn đàn Chuyển đổi số ngành công thương năm 2024 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững" diễn ra ngày 21.11.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội.

chuyendoisonganhcongthuonng211124.jpg
Tọa đàm "Thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương" trong khuôn khổ diễn đàn chuyển đổi số ngành công thương năm 2024

Theo báo cáo "Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố ngày 5.11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế internet Việt Nam đạt 36 tỉ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet.

Tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90 - 200 tỉ USD. Đây cũng chính là thời điểm để xây dựng những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết một người tiêu dùng Việt Nam bình quân mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng. Việt Nam có hơn 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ, 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Tuy nhiên, bán buôn, bán lẻ truyền thống sẽ không thể tồn tại do khả năng cạnh tranh thấp, tiếp cận thị trường hạn chế; không cạnh tranh được với các địa phương khác hay các nước xung quanh.

Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế và xã hội số, sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam, dẫn tới hệ lụy nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa, nhiều chợ truyền thống không đủ sức cạnh tranh, dần dần sẽ bị lấn lướt, vì vậy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ rất cấp thiết.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) đã đạt 20,5 tỉ USD, chiếm khoảng 8% doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và thúc đẩy liên kết vùng, logistics, thanh toán...

Hơn nữa, chuyển đổi số đã giúp thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, gia tăng tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 và doanh thu công nghiệp, công nghệ số ước đạt khoảng 118 ti USD, tăng 17,78% so với cùng năm trước.

Riêng lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, theo ông Tuấn, lĩnh vực này sẽ đóng góp vào kinh tế số nhanh nhất, bởi sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam (với tốc độ tăng trưởng 25%/năm).

Ông Trần Minh Tuấn cũng chỉ ra những thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Cụ thể từ khảo sát của liên bộ Công Thương - Thông tin và Truyền thông mới đây tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, với việc chọn mẫu 2.000/10.000 doanh nghiệp, chỉ có 3,5% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ đã có sử dụng các giải pháp công nghệ số. Như vậy còn khoảng 96% doanh nghiệp, cửa hàng, chợ truyền thống chưa sử dụng và là một thị trường rất lớn, do đó nếu không triển khai nhanh thì sẽ mất các thị trường đó vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Ông Tuấn cũng nêu ra thách thức lớn hơn trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó nổi lên như Shein, Temu... của Trung Quốc, có tốc độ giao hàng rất nhanh và thuận tiện... đã thu hút một lượng lớn khách hàng Việt Nam sử dụng sản phẩm thương mại điện tử của nước ngoài, dẫn đến hệ lụy là không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới các cửa hàng bán buôn, bán lẻ phải đóng cửa.

"Đã có nhiều chợ truyền thống của Việt Nam hay các shop bán hàng phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh với hàng bán qua thương mại điện tử, dần dần sẽ bị lấn lướt, vì vậy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ rất cấp thiết", ông Tuấn nói.

Về phía doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết doanh nghiệp đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện các hoạt động trong tập đoàn, trong đó 100% các dịch vụ điện cấp độ 4 đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 99,54% các giao dịch sử dụng điện được thực hiện trên môi trường điện tử; toàn bộ quá trình sử dụng điện đã được số hóa và liên thông với nhau từ yêu cầu sử dụng điện, đến lúc sử dụng điện, giải đáp các yêu cầu sử dụng điện, phát hành hóa đơn, thanh toán hóa đơn... đều được thực hiện trên môi trường điện tử.

EVN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó có: Rà soát các quy trình nội bộ để tối ưu, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, điển hình như quy trình kinh doanh của EVN liên tục được cải tiến, thay đổi 4 lần kể từ năm 2002 đến nay; quy hoạch và từng bước chuyển đổi thiết bị công nghệ mới thay thế cho các thiết bị đã hết hạn sử dụng (công tơ điện tử đo xa thay thế cho công tơ cơ hết hạn sử dụng); thay đổi và phát triển đồng bộ với sự phát triển chung của các nền tảng hạ tầng quốc gia và các cơ chế chính sách của Nhà nước.

Qua thực tế thực hiện chuyển đổi số của EVN, kinh nghiệm cho thấy hình thành văn hóa chấp nhận đổi mới trong doanh nghiệp là bắt buộc đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất. Do đó, công tác truyền thông và đào tạo nhận thức phải được ưu tiên. Phải có lộ trình thay đổi đồng bộ với môi trường xã hội và chính sách quốc gia, triển khai thí điểm, từng bước tháo gỡ các vướng mắc, đánh giá hiệu quả rồi triển khai diện rộng. Cần liên tục cải tiến và tối ưu các nhiệm vụ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và thuận tiện khách hàng.

Bài liên quan
Amazon, Temu thách thức gã khổng lồ thương mại điện tử số 1 Ba Lan bằng chiến thuật khác nhau
Amazon (Mỹ) và Temu (Trung Quốc) đang áp dụng các chiến thuật khác nhau để thách thức Allegro - công ty dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Ba Lan. Trong đó gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ tập trung vào video, còn công ty Trung Quốc nhắm vào thời trang giá rẻ để thu hút khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết