Tại cuộc gặp của Câu lạc bộ giám đốc tiếp thị tuần rồi ở Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định chung được đưa ra là: Tết 2015 này tiểu thương không trữ hàng nhiều như mọi năm.

Tết này tiểu thương không trữ hàng

Một Thế Giới | 31/10/2014, 16:07

Tại cuộc gặp của Câu lạc bộ giám đốc tiếp thị tuần rồi ở Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định chung được đưa ra là: Tết 2015 này tiểu thương không trữ hàng nhiều như mọi năm.

Trưa thứ bảy, ngày 25.10.2014 tại sạp khô Tiên Sa ở khu nhà lồng K, chợ đầu mối Bình Điền. Chị Tiên, con gái của chủ sạp ngán ngẩm cho biết: “Vào khoảng giờ này, thời điểm này của mấy năm trước chợ nườm nượp người mua. Chứ đâu có vắng hoe như vầy!”.
Ế dữ lắm!
Chị Tiên kể, trước đây khách tới mua hàng về chợ lẻ đông đến nỗi tính tiền không kịp. Khách phải đi loanh quanh đâu đó một lát rồi quay lại tính tiền. Bạn hàng ở các chợ lẻ bất kể có quen biết hay không đều phải thanh toán tiền ngay khi nhận hàng. Bởi khi nhập hàng từ các mối lái ở miền Tây, chị Tiên cũng phải thanh toán tiền ngay. 
Một số ít mối lái quen biết lâu năm, có thể du di tiền hàng trong vòng một con nước (từ ngày rằm đến 30 âm lịch). Vì vậy, khi vào mùa tết (khoảng một tháng trước tết) hàng nhập vào tăng 50% so với ngày thường, chị không phải xoay vốn. Tuy nhiên, tiền hàng nợ phải được thanh toán trước tết.
Tương tự, tại sạp khô Thơm ở gần đó, chủ sạp cũng cho biết: “Bán tới đâu đặt mối giao hàng tới đó. Mối lái lúc nào cũng có hàng sẵn nên không cần trữ, ôm hàng, chôn vốn”.
Tại cơ sở nhựa Kim Long (quận 11), chị Nguyễn Thị Thu Vân, chủ cơ sở, vừa phết sơn lên những con số của bộ trò chơi lô tô vừa than: “Đã lâu rồi không có mùa làm hàng tết. Ế dữ lắm!”.
Theo chị Vân, cơ sở của chị chuyên sản xuất các mặt hàng đồ chơi bằng nhựa như domino, cờ tướng, lô tô, cờ cá ngựa, cờ vua… chủ yếu giao ra chợ Bình Tây (quận 6) rồi bán đi các tỉnh. Tuy nhiên, vài năm nay cơ sở Kim Long của chị chỉ sản xuất cầm chừng hai sản phẩm là lô tô và domino. 
Mặc dù đã cho nợ tiền hàng trong vòng một tháng nhưng hàng vẫn bán chậm. Nên hiện nay, những lúc không có đơn hàng gia công, nhằm đảm bảo công nhân có việc làm, chị Vân mới “lôi” hàng tết ra làm rồi… để đó. Đến cuối năm, khi có đơn đặt hàng từ chợ thì mới đem đi giao.
Bà Thái Thị Lộc Thu, chủ sạp bánh kẹo ở chợ Phú Lâm (quận 6) cho biết, mấy năm nay kinh tế đi xuống, người mua giảm hẳn nên không dám trữ hàng. Năm ngoái, bà Thu nhập vào 100 ký mứt me, 200 ký mứt mãng cầu để bán tết. Nhưng, kinh tế đi xuống mọi người tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu, bà Thu phải ôm số hàng trên chịu lỗ. 
“Bán tới đâu đặt mối giao hàng tới đó. Mối lái lúc nào cũng có hàng sẵn nên không cần trữ, ôm hàng, chôn vốn”.
Rút kinh nghiệm, năm nay bán tới đâu bà kêu hàng tới đó vừa đỡ ôm hàng lại không dồn quá nhiều vốn cho dịp cuối năm. Để tránh mắc nợ do tình hình buôn bán thất thường, bà Thu không dám “bắt tay” với ngân hàng hay vay nóng. “Tôi huy động cả gia đình, mỗi người cho vay một ít không tính lãi. Cuối năm bán hết hàng rồi trả luôn”, bà Thu cho biết.
Không mặn mà vay vốn
Theo phản ánh của tiểu thương, thủ tục cho tiểu thương vay của các ngân hàng hiện nay đã đơn giản và nhanh chóng. Khi có nhu cầu vay, tiểu thương chỉ cần làm hồ sơ rồi nộp cho ban quản lý duyệt, chỉ sau vài ngày là nhận tiền. Do đặc thù kinh doanh, tiền vay sẽ được trả góp theo ngày, tuần hoặc tháng dưới hình thức vốn, lãi chia đều. 
Mặc dù vậy, do tình hình buôn bán ế ẩm, tết này tiểu thương không trữ hàng và một số tiểu thương cũng không mặn mà vay vốn ngân hàng. Theo họ, nếu trả góp vốn lẫn lãi mỗi ngày thì coi như vốn “bay” trong khi chưa chắc bán được hết hàng.
Một tiểu thương tên H. cho biết, bà vay số vốn là 70 triệu đồng, trả góp trong 40 tuần. Mỗi tuần bà H. phải góp số tiền vốn lẫn lãi là 3 triệu đồng, trong đó bao gồm thêm số tiền tiết kiệm 30 triệu đồng sẽ được hưởng khi kết thúc hợp đồng vay. Như vậy tổng số tiền bà phải nộp lên đến 120 triệu đồng và chịu mức lãi suất là 28,6% trong 40 tuần, không được tính theo dư nợ giảm dần. Đồng thời, bà H. cũng không được hưởng lãi suất từ số tiền 30 triệu đồng của mình.
Lãi suất như vậy là cao, nhưng vẫn đỡ hơn nhiều trường hợp vay nóng. Như trường hợp của anh Châu, bán trái cây trước cổng chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận). Anh Châu kể, anh đã vay 4,5 triệu đồng trong một tháng để làm vốn buôn bán. Và số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi sau 1 tháng của anh là 6 triệu đồng (33,3%/tháng)! Anh Châu thở dài: “Không có tài sản thế chấp, vay nóng nên phải chấp nhận thôi”.
Tuy nhiên, bà Hồng, chủ sạp vải ở chợ Soái Kình Lâm (quận 5) cho biết: “Tôi có mối quen cho vay lãi suất chỉ 2%/tháng. Khi cần vay vốn nóng, tôi sẽ vay trả lãi suất hàng tháng, cuối năm sau khi thu hồi công nợ, trả luôn một cục tiền. Như vậy, lãi suất nhẹ hơn, lại đỡ phiền phức thủ tục như vay ngân hàng”.
Ngoài ra, tại các chợ vẫn còn một số dịch vụ cá nhân cho vay với lãi suất từ 3-5%/tháng, tiểu thương hay gọi là tiền đứng. Tuy nhiên, hiện nay dù ngân hàng hay cá nhân, đa số các tiểu thương đều ngại vay, trừ những trường hợp thật cần vốn…
Minh Cúc/Thế Giới Tiếp Thị
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết này tiểu thương không trữ hàng