Hôm qua, tại hội thảo "Cải cách thể chế kinh tế VN" do Bộ Kế hoạch – đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN tổ chức, nhiều ý kiến lãnh đạo các ngành, chuyên gia cho rằng để VN tăng trưởng bền vững, cải cách thể chế kinh tế là việc phải làm.

Thách thức lớn của nền kinh tế: Nguy cơ tụt hậu nếu chần chừ

Một Thế Giới | 29/08/2015, 06:12

Hôm qua, tại hội thảo "Cải cách thể chế kinh tế VN" do Bộ Kế hoạch – đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN tổ chức, nhiều ý kiến lãnh đạo các ngành, chuyên gia cho rằng để VN tăng trưởng bền vững, cải cách thể chế kinh tế là việc phải làm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của VN giai đoạn 1990 - 2014 đạt trung bình 6,9%/năm nhưng tốc độ tăng đang chậm lại trong khi quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Mặc dù VN đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng còn kém xa nhiều nước trong khối ASEAN và đáng nói, VN đang đối mặt với nhiều vấn đề: bội chi ngân sách, nợ công tăng; năng suất lao động giảm sút...

Không để kinh tế tập trung "lãnh đạo" kinh tế thị trường

Theo ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, một trong những điểm lúng túng nhất hiện nay là vẫn chưa xác định được việc chuyển đổi mô hình kinh tế như thế nào nên rất khó cho việc xây dựng chính sách. “Chúng ta mất 3 kỳ đại hội, nhưng nền kinh tế vẫn chưa phải kinh tế thị trường vì sợ lệch hướng. Con đường ta đi còn chưa được rõ ràng”, ông Thắng nói. Ông nhận xét giai đoạn tới, VN cần phải xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, thực sự mở cửa và hội nhập, thu hút được các nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát triển bền bững.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhận xét giai đoạn tới, VN cần phải hoàn thành quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Nếu giữ nguyên bộ máy kinh tế tập trung để lãnh đạo kinh tế thị trường là cản trở sự phát triển. Ta phải làm sao, miễn là đi đến một nền kinh tế phát triển tốt nhất.

Nguy cơ tụt hậu nếu chần chừ

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung đánh giá với yêu cầu phát triển quốc gia thì không thể chần chừ cải cách kinh tế được nữa vì còn chần chừ, nguy cơ tụt hậu sẽ xa so với các nước trong khu vực.

“Hiện nay, cho dù tăng trưởng kinh tế của ta có phục hồi nhưng phục hồi chậm, tiềm năng tăng trưởng không như giai đoạn trước mà có xu hướng giảm xuống từ 2015. Có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại: ngân sách tăng thu chậm hơn tăng chi, tốc độ tăng chi đầu tư hơn tốc độ tăng chi thường xuyên. Nợ công tăng, nhưng áp lực chi vẫn lớn... Đây là một thực tế có hại cho tăng trưởng kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông còn nhận xét: “Chúng ta tự hào về tăng trưởng bình quân 7% nhưng từ 2008 trở lại nay chỉ còn hơn 5%. Nguy cơ tụt hậu của VN rất lớn nếu không thay đổi. Nếu chỉ tăng 5% thì đến 2035 mới bằng 75% của Thái Lan hiện nay. Nếu tăng 7% may ra mới đuổi kịp được”. Vì thế, ông cho rằng phải cải cách sâu và rộng, cải cách thể chế kinh tế để phát triển. “Chúng ta không có con đường nào khác, không có con đường lùi: cải cách thể chế, vai trò của nhà nước... Phải đổi mới vai trò của nhà nước phù hợp với chức năng, vai trò điều hành kinh tế trong thời kỳ hội nhập”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, hàng loạt vấn đề hiện nay: di sản quản lý từ thời quan liêu bao cấp, cơ chế xin cho, sự trì trệ khu vực doanh nghiệp nhà nước... đều phải thay đổi, nếu không cải cách, thị trường vẫn méo mó, sai lệch. “Sức ì của cải cách hiện nay là rất lớn trong khi áp lực của cải cách lớn. Chúng ta đang đứng trước một mâu thuẫn lớn, nhưng nếu chần chừ, đất nước sẽ tụt hậu và trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Cung nói.

Cũng nói về điều này, TS Trấn Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho hay tụt hậu là một thực tế gay gắt đặt ra hiện nay cho VN. “Tôi nghĩ rằng, nếu không cải cách, những bất cập quản lý đè lên ngân sách, nợ công thì kinh tế không phát triển được. Trong 5 năm tới, làm sao thay đổi quản lý kinh tế, phải nêu cao trách nhiệm cá nhân để tạo ra bước thay đổi hệ thống”, ông Thiên nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu

Phát biểu tại diễn đàn sẵn sàng hội nhập do Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổ chức hôm qua 28.8, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, nhận định doanh nghiệp (DN) VN gần như chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Họ đối mặt quá nhiều thách thức trong giai đoạn hội nhập hiện nay, nhiều hơn cả trước khi VN gia nhập WTO hồi năm 2008.
"Trong nền kinh tế VN, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tồn tại như một ốc đảo. Mối liên kết giữa khối DN này với DN tư nhân trong nước là chưa chặt chẽ. Làm ăn giờ là chuỗi chứ không thể độc lập và DN VN muốn tồn tại trong hội nhập phải tham gia vào chuỗi, có tư duy chuỗi. Chừng nào kinh tế tư nhân còn đứng ngoài chuỗi là thất bại", ông Lộc nhấn mạnh.

Muốn vậy, DN VN phải nắm được thông tin về hội nhập. Tuy nhiên, theo ông Lộc, thông tin lại chưa được cơ quan nhà nước truyền tải hiệu quả. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, cho rằng hội nhập không đảm bảo là sẽ mang lại mọi thuận lợi cho DN trong nước.

Theo Mạnh Quân/ Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức lớn của nền kinh tế: Nguy cơ tụt hậu nếu chần chừ