Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi chúng ta vẫn chưa theo kịp trình độ của những nước tiên tiến, kể cả trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân đại học, cao đẳng, hoặc học viên trường nghề về CNTT đã phải đào tạo lại.
Góc bình luận

Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 4: Mau chóng trở thành cường quốc về nhân lực công nghệ thông tin

Nguyễn Văn Lạng 15/01/2025 09:18

Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi chúng ta vẫn chưa theo kịp trình độ của những nước tiên tiến, kể cả trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân đại học, cao đẳng, hoặc học viên trường nghề về CNTT đã phải đào tạo lại.

Phải nhanh chóng rút ngắn khoảng cách

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), trong những năm qua, nguồn nhân lực CNTT nước ta liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê sơ bộ, hiện tại (2008) nước ta có khoảng 35 ngàn lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp phần mềm (trên 95% có chuyên môn CNTT), hơn 20 ngàn lao động trong các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ CNTT (khoảng 65% có chuyên môn CNTT hoặc điện tử, viễn thông), gần 100 ngàn lao động trong các doanh nghiệp điện tử, phần cứng máy tính (khoảng 70% có chuyên môn về điện tử, viễn thông hoặc CNTT), gần 100 ngàn lao động trong các doanh nghiệp viễn thông (với 60% có chuyên môn về điện tử, viễn thông hoặc CNTT) và ước tính khoảng 90 ngàn nhân lực chuyên trách ứng dụng CNTT trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành khác. Trên thực tế, hiện nay ở nước ta có 13 trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo sau đại học về CNTT; 230 trường đại học và cao đẳng có đào tạo về CNTT, bình quân số sinh viên mỗi năm 18.000 người (năm 2006); 88 trường có đào tạo về CNTT bậc trung cấp chuyên nghiệp; cùng nhiều chương trình đào tạo quốc tế...

CNTT của Việt Nam trong những năm qua, tuy có đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc... chúng ta vẫn ở khoảng cách rất xa. So với Ấn Độ, nước có bước phát triển ngoạn mục về công nghiệp phần mềm trong hơn 10 năm qua (doanh số năm 2006 gần 40 tỉ USD), thì Việt Nam (với doanh số 400 triệu USD) chưa thể nghĩ tới việc “sánh vai” được.

Tuy nhiên, Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển ngành CNTT. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự gia tăng nhanh chóng các doanh nghiệp CNTT và viễn thông lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang đòi hỏi một số lượng lớn nhân lực có tính chuyên nghiệp cao. Nếu năm 2009, trên thế giới đang cần tới 3 triệu lao động CNTT, còn đến 2020 sẽ cần đến 20 triệu lao động CNTT, thì riêng tại Việt Nam, hiện nay cũng có nhu cầu tới khoảng vài chục ngàn người. Chẳng hạn, 5 công ty lớn (Intel, Renesas, Campal, Samsung và Foxconn) đã quyết định đầu tư gần 10 tỉ USD vào Việt Nam để thiết kế, sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động, thiết bị viễn thông…

Đến năm 2012, doanh số của 5 công ty này có thể đạt 30 tỉ USD, tăng tổng mức xuất khẩu lên gấp rưỡi, chiếm 1/3 GDP của Việt Nam hiện tại. Trong hai năm, kể từ 2006, nhu cầu kỹ sư phần mềm của IBM tại Việt Nam đã tăng gấp 10 lần. Công ty Havey Nash (Anh) đến Việt Nam năm 2001 và hiện sử dụng 1.500 kỹ sư phần mềm. Hãng Boeing đang tìm đối tác tại Việt Nam, yêu cầu mỗi hợp đồng cần tối thiểu 1.000 kỹ sư phần mềm. Tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan) chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến điện thoại di động, linh kiện máy tính, viễn thông, điện tử và tiêu dùng, sẽ đầu tư khoảng 5 tỉ USD và cần trên 50.000 lao động. Công ty Compel (Đài Loan) chuyên chế tạo máy tính xách tay và các thiết bị viễn thông đầu tư vào Việt Nam với số vốn ban đầu 500 triệu USD cũng đang cần tuyển 1.200 kỹ sư để đào tạo tiếp ở nước ngoài...

Trong báo cáo mới đây của Tập đoàn tư vấn Global Consultants AT Kearney về khả năng thu hút các công ty CNTT, Việt Nam xếp thứ 10 trên tổng số 50 nước là điểm đến thu hút nhất và đứng thứ 20 trong số 25 nước hấp dẫn nhất về gia công cho nước ngoài (Outsourcing). Bảng xếp hạng dựa trên những yếu tố kích thích và thu hút các công ty ngoại quốc. Tại Nhật Bản, Việt Nam là đối tác hấp dẫn thứ 4 trong năm 2006 và thứ 1 trong năm 2007 trên lĩnh vực này.

Mặc dù Việt Nam đang được coi là một trong những điểm ngắm và điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực CNTT, thế nhưng đang có một nghịch lý trong thị trường lao động CNTT ở nước ta hiện nay - đó là thừa lao động, nhưng lại luôn thiếu nguồn nhân lực làm được việc, đặc biệt là lao động có tay nghề, chất lượng cao. Ngoài những ngành nghề quen thuộc như lập trình, viết website, huấn luyện đào tạo, hỗ trợ khách hàng, quản lý hệ thống thông tin điện tử... hiện có nhiều nghề CNTT rất mới, thiếu nhân lực như tiếp thị, viết sách kỹ thuật, kiểm tra chỉnh sửa phần mềm, giao dịch - đàm phán điện tử, giao dịch thương mại - thanh toán điện tử...

Chẳng hạn, trong những ngành nghề mới của CNTT, như dịch vụ làm sổ sách kế toán, dự kiến cần đến 10.000 lao động. Đây là nghề mới trong lĩnh vực CNTT, có nhu cầu rất lớn, trong cũng như ngoài nước, nhưng tuyển dụng lao động lĩnh vực này rất khó, bởi tình trạng phổ biến là nếu có người giỏi CNTT, thì phần lớn lại không có chuyên môn về kế toán, kém ngoại ngữ, hoặc ngược lại. Không chỉ thế, hiện các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thương mại CNTT đang cần trên 60% nhân lực có nghề CNTT.

Điều đó đã tạo sức ép mạnh mẽ đối với các cơ sở đào tạo cũng như các nhà quản lý giáo dục và đào tạo, CNTT và viễn thông. Chẳng hạn, Renesas là một trong những công ty hàng đầu thế giới của Nhật Bản chuyên về thiết kế, sản xuất vi mạch, năm 2007 đã triển khai xây dựng Trung tâm thiết kế tại TP.HCM, cần tuyển khoảng 1.000 kỹ sư về thiết kế bán dẫn. Nhưng, trong suốt 2 năm tìm kiếm khoảng 500 kỹ sư cho giai đoạn đầu, công ty này chỉ tuyến được… 60 người trong số hơn 1.000 hồ sơ. Còn Công ty Intel của Mỹ, sau khi đầu tư dự án 1 tỉ USD tại TP.HCM, cần tuyển dụng khoảng 1.000 kỹ sư chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, CNTT, tự động hóa, và đến năm 2011 nguồn nhân lực mà Intel cần tuyển sẽ tiếp tục tăng cao. Nhưng khi kiểm tra gần 2.000 sinh viên năm cuối, có 320 em đạt trung bình và chỉ có 90 sinh viên đạt yêu cầu tuyển dụng.

Tập trung tối đa đào tạo nhân lực chất lượng cao

Tới thời điểm hiện nay, nhu cầu trên thực tế về nhân lực CNTT Việt Nam đã vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành này đã tăng mạnh trong thời gian qua. Như vậy, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành CNTT Việt Nam và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội cả về số lượng cũng như chất lượng. Chất lượng nguồn nhân lực thấp không chỉ làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành CNTT Việt Nam, mà còn gây lãng phí rất lớn cả về thời gian và tiền của nhân dân.

Mặt khác, ở Việt Nam hiện vẫn chưa hình thành được hệ thống chứng chỉ quốc gia về đào tạo CNTT để việc đào tạo được chuẩn hóa và liên thông, cũng như việc công nhận chất lượng. Chương trình đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển; đội ngũ giảng viên, giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực nghề nghiệp, kỹ năng thực hành, thiếu kiến thức cơ bản về phương pháp giảng dạy... Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực CNTT còn thiếu và mau bị lạc hậu nhưng không kịp bổ sung... Chính vì vậy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi vẫn chưa theo kịp trình độ của một số nước tiên tiến trong khu vực, nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân đại học, cao đẳng, hoặc học viên trường nghề đã phải đào tạo lại.

Hiện Việt Nam còn rất ít chuyên gia CNTT giỏi có trình độ tư vấn, thiết kế các hệ thống lớn, cung cấp giải pháp tổng thể…; thiếu lao động giỏi ngoại ngữ, thành thạo chuyên môn đạt chuẩn quốc tế cho công nghiệp CNTT. Tới đây, dù cho lao động Việt Nam có lợi thế chi phí thấp, nhưng nếu không có kỹ năng và tri thức phù hợp, thì sẽ không có giá trị đối với nhà đầu tư và chúng ta sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc phát triển ngành CNTT trong 20 năm tới.

Xác định được tầm quan trọng đó, ngày 17.10.2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 58-CT/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, trong đó đã chỉ rõ: "Phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin".

Trên cơ sở đó, từ năm 2006, Bộ Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến 2020 (Quyết định số 05/2007/QĐ-BTTTT ngày 26.10.2007). Tiếp theo, ngày 1.6.2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 698/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Đây là bước đột phá mạnh mẽ và sâu rộng trong công tác xã hội hóa đào tạo nhân lực CNTT, nhờ đó việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp, xã hội cho công tác đào tạo nhân lực CNTT sẽ có những chuyển biến nhảy vọt. Đây cũng sẽ là giải pháp khả thi để thu hút hiệu quả nhất các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài đang có ý định đầu tư vào Việt Nam vào việc tổ chức đào tạo hoặc liên kết với các trường để đào tạo CNTT.

Quyết định này đồng thời cũng chính là chiến lược biến Việt Nam thành một cường quốc về nhân lực CNTT trong một tương lai không xa. Trong đó, chúng ta đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến 2020 với nhiều nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên CNTT; phát triển đội ngũ nghiên cứu về CNTT; xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc CNTT trong các cơ quan nhà nước; đào tạo các tài năng về CNTT; đào tạo nhân lực trình độ cao về CNTT; đào tạo nghề về CNTT; phát triển nhân lực CNTT trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng; đào tạo và bồi dưỡng kiến thức CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức; dạy tin học cho sinh viên, học sinh các cấp; phổ cập tin học cho nhân dân...

Để biến Việt Nam thành một cường quốc về nhân lực CNTT vào năm 2020, Việt Nam phải đồng thời tiến hành hai mục tiêu:

- Lấy phát triển nguồn nhân lực CNTT có trình độ và chất lượng cao làm khâu đột phá.

- Lấy việc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước để từng bước vững chắc mở rộng sang thị trường khu vực và toàn cầu làm khâu quyết định, tiến tới "xuất khẩu" nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao vào năm 2020.

Nếu làm được như vây, kể từ năm 2015, Việt Nam có khả năng trở thành một trong 70 nước phát triển CNTT hàng đầu thế giới. Trong "Tầm nhìn đến năm 2020", CNTT sẽ là lĩnh vực nòng cốt để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, trở thành nước tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.

Để thực hiện chiến lược này, các ngành, các cấp cần phải nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT; hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp; thực hiện tốt các chiến lược và quy hoạch; tăng cường tổ chức bộ máy quản lý của Nhà nước; đổi mới mô hình doanh nghiệp; mở rộng và phát triển thị trường CNTT.

Để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu, cần có các biện pháp, giải pháp mạnh, kèm theo việc cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT, nhất là đào tạo hệ đại học và cao đẳng CNTT. Cần có các cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng hơn trong việc thành lập các trường đào tạo CNTT nhằm huy động tối đa các nguồn lực từ nhà nước, doanh nghiệp và xã hội đầu tư vào lĩnh vực này. (còn tiếp)

TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin KH-CN Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 4: Mau chóng trở thành cường quốc về nhân lực công nghệ thông tin
1 giờ trước Góc bình luận
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi chúng ta vẫn chưa theo kịp trình độ của những nước tiên tiến, kể cả trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân đại học, cao đẳng, hoặc học viên trường nghề về CNTT đã phải đào tạo lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 4: Mau chóng trở thành cường quốc về nhân lực công nghệ thông tin