Ngày ấy Thắng (*) vốn nổi “danh” là cậu học trò ương bướng nhất ngôi trường THPT này…
Dù câu chuyện đã xảy ra cách đây 3 năm nhưng hôm nay mỗi khi hồi tưởng lại, cậu học trò ngày nào lại cảm thấy mình dại dột, nông nổi. Thắng mở đầu câu chuyện bằng tiếng cười sảng khoái cùng những lời nói hồn nhiên, vô tư, có pha chút hài hước tuổi học trò. Càng vào sâu câu chuyện, giọng cậu càng trầm hơn và thay đổi khác hẳn lẽ thường.
Ngày ấy em mới chập chững bước vào trường trong sự “ngượng nghịu” của một “cậu ấm” vốn được nuông chiều. Thời đó, nhắc đến cái tên Thắng tại trường THPT này của tỉnh thì ai nấy cũng đều ngao ngán…
…
Thắng sinh ra trong một gia đình bề thế của phố huyện nên bạn bè hay gọi là “cậu ấm”. Cậu thích gì là được nấy, thành ra bản tính rất ngang bướng, hống hách nên ở trường ai nấy cũng đều rất “nể”, xưng cậu là “đại ca”.
Dường như ngày đó, cậu sống khá lạnh nhạt và dửng dưng tất cả, coi trời bằng cái “vung”. Cậu thường đi rêu rao với bạn bè là ở trường cậu chẳng sợ bất cứ một ai, kể cả thầy hiệu trưởng.
Ngay cả những lúc cậu phạm sai lầm các thầy cô đều không hề dám nói đụng chạm hay xúc phạm dù chỉ nửa lời. Thay vì dùng những lời la mắng, dọa nạt, các thầy cô lại dùng những lời ngon, tiếng ngọt để khuyên răn cậu.
Cậu còn nhớ rất rõ cái buổi sáng “định mệnh” hôm ấy trong tiết học môn Lịch sử lớp 10. Như thường lệ, cứ vào mỗi tiết dạy, thầy hiệu trưởng luôn đi dạo một lượt khắp các phòng học để theo dõi tình hình học tập của học sinh.
Ngày ấy, cậu may mắn được giáo viên chủ nhiệm xếp ngồi gần cửa sổ của dãy hành lang nên mọi động tĩnh bên ngoài cậu thường nắm rõ. Trong khi, cậu đang tụm 3 tụm 7 nói chuyện say sưa với các bạn cùng lớp mà chẳng đếm xỉa gì đến lời giảng của cô trên lớp thì từ bên ngoài hành lang cửa sổ, thầy hiệu trưởng đã đứng đó từ bao giờ rồi.
Thấy thầy, trong khi các bạn khác quay mặt về chỗ ngồi và ngồi im lặng để nghe cô giảng, cậu lại dở cái bản tính ngang tàng của mình ra. Cậu đánh sảnh tiếng lớn ngang ngang ra cửa sổ: “Làm gì đó thầy! Nói chuyện chớ có chi mà thầy nhìn!”.
Nói thực, lúc ấy cậu tím tái cả mặt mũi bởi cái trừng mắt đầy uy lực và cái nhéo tai dứt khoát của thầy. Xong, thầy xin cô giáo bộ môn để được mời cậu lên phòng hiệu trưởng làm việc. Thầy chưa kịp nói, cậu đã nhảy lên bàn học sinh tiến thẳng lên phòng hiệu trưởng với cái thái độ hậm hực, tức tối. Thầy đi trước, cậu đi theo sau dùng tay chỉ trỏ, văng lời chửi tục.
Chưa lên phòng hiệu trưởng, cậu đã dùng dép ném vào cửa phòng thầy rầm rầm, sau đó là thổ cửa gây náo động cả trường. Cả trường nhốn nháo, ồ ạt kéo nhau lên xem. Tiếp đến, cậu tiến lại bàn thầy rồi dùng tay đập bàn như thể đòi lại “công lý”.
Thầy vẫn bình lặng, không biện minh bất cứ hành động gì. Cậu luôn miệng nói: “sao thầy lại nhéo tai em!”. Cậu không nhớ cái giọng điệu căng thẳng từ câu nói ấy đã phát ra bao nhiêu lần. Nhiều bạn bè cậu đã vào can ngăn hành động xấc xược của cậu, nhưng “máu anh hùng” nổi lên, cậu không chịu. Cuộc giằng co (mà nói đúng hơn là do cậu) diễn ra ngày càng kịch tính.
Thầy vẫn im lặng không nói một lời. Nhận thấy tình hình không thể giải quyết được, thầy đã yêu cầu cậu trở về lớp tiếp tục học để ngày mai mời phụ huynh đến xử lí.
Nghe đến mời phụ huynh, lòng cậu lại sục sôi như lửa bỏng. Cậu liên tiếp đưa tay chỉ trỏ thẳng vào mặt thầy với những lời nói tục tĩu. Thậm chí, có lúc cậu đã áp sát vào người thầy rồi vỗ ngực thách đố, làm thầy đã nhiều phen suýt ngã dúi dụi. Thời điểm đó, cậu chỉ muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này mà thôi, không muốn dây dưa thêm nữa….
Rồi giữa cậu và thầy có xảy ra cuộc ẩu đả, xô xát nhẹ, cũng may là không có việc gì xảy ra. Vài phút sau đó, lực lượng công an xã đánh xe đến trường để giải quyết. Dù là “cậu ấm” nhưng ngày ấy, nghe đến công an là cậu sợ lắm vì cậu đã sống quen trong sự bảo bọc của gia đình.
Cậu định bỏ chạy trốn nhưng xui xẻo bị tóm lại. Thần sắc cậu cắt không được giọt máu. Và không hiểu sao lúc ấy cậu lại trở về với chính bản tính học sinh. Cậu van xin, năn nỉ các thầy cô, bạn bè để nhận sự bao dung.
Từ trong phòng hiệu trưởng, thầy bước ra và xin bảo lãnh cậu. Cả trường sững sờ trước quyết định của thầy. Rồi không hiểu sao, như có một mãnh lực “vô hồn” nào đấy, cậu đã tự giác chắp tay ríu rít và gục đầu lia lịa cảm ơn thầy…
Sau lần đó, cậu cảm thấy áy náy vì những phút giây nổi “máu” anh hùng. Cậu đã viết đơn xin lỗi gửi thầy hiệu trưởng với những lời hối hận, ăn năn của mình… Rồi cậu bị cảnh cáo, khiển trách trước toàn trường.
Biết ơn thầy, cậu đã ra sức phấn đấu học tập và trở thành hạt nhân tiên tiến của lớp, của trường. Nếu năm lớp 10, cậu là học sinh yếu, cá biệt của trường, sang năm 11 cậu vươn lên là học sinh học “top ten” khá nhất lớp. Cũng năm 11, cậu được bầu làm lớp trưởng và từ đó đưa thành tích của lớp dẫn đầu toàn trường về thi đua. Bên cạnh đó, cậu còn tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường và đóng góp vào thành công của trường qua các cuộc thi.
Với cái giọng điệu ngây ngô tuổi học trò, cậu chia sẻ: “Thực tình nếu như ngày đó không có thầy rộng lượng bao dung chở che thì nay chắc em sẽ không được như thế này. Em vẫn biết mình chưa phải là hoàn hảo nhưng đọ lại với thằng Thắng cách đây 3 năm thì quả là khác xa. Em thầm cảm ơn thầy!...”
Nay nhìn cậu hiền lành, chín chắn, ít ai lại tin rằng, ngày xưa, khi là một cậu học trò lớp 10, cậu đã từng có một hành động dại dột, nông nổi, vô lễ trước thầy hiệu trưởng để rồi ân hận cả đời…
Đó là “bước ngoặt” cuộc đời với cậu. Từ một cậu học trò nghịch ngợm, học vào loại “dốt” nhất nhì của trường, sau một cú vấp ngã, tính tình cậu lại điềm đạm hơn, ngoan hơn, học hành cũng lại tiến bộ nữa. Giờ nghĩ lại cậu lại thầm cảm ơn thầy, người thầy đáng kính!
Dương Văn Út
*Tên nhân vật đã thay đổi… (nguồn ảnh: internet)