Với những người tham nhũng quyền lực, về lâu dài, nó có thể làm băng hoại cả một chế độ xã hội và đó mới là vấn đề nguy hiểm cho Đảng ta, chế độ ta.

Tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn trăm lần tham nhũng vật chất

15/05/2020, 08:36

Với những người tham nhũng quyền lực, về lâu dài, nó có thể làm băng hoại cả một chế độ xã hội và đó mới là vấn đề nguy hiểm cho Đảng ta, chế độ ta.

Trịnh Xuân Thanh phải hầu tòa - Ảnh: internet

Hội nghị Trung ương 12 vừa khai mạc sáng 11.5 với mục đích trọng tâm là trình Ban chấp hành Trung ương Khóa 12 về công tác nhân sự Trung ương Khóa 13. Với những gì mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Công tác cán bộ mới đây, cũng như trong một bài viết đặc biệt sâu sắc ngay sau đó về công tác này cùng với phát biểu khai mạc, gợi mở để thảo luận tại Hội nghị Trung ương 12, tôi nghĩ là đã rất đủ để các cấp, các ngành và địa phương lĩnh hội và triển khai.

Vấn đề lúc này là trong toàn Đảng, chúng ta sẽ thấm nhuần tinh thần ấy đến đâu để sớm loại bỏ những cán bộ thuộc lớp kế cận nhưng lại nhiều tham vọng thiếu trong sáng. Họ có thể nhẫn nhịn để leo cao vào bộ máy rồi chờ cơ hội mới bộc lộ tha hóa, tham nhũng... Họ sẽ tham nhũng trên mọi lĩnh vực khi có thời cơ.

Tuy nhiên, người viết bài này luôn lo ngại với những người có tư tưởng tham nhũng quyền lực. Một thứ tham nhũng nguy hiểm trên hẳn mọi thứ tham nhũng khác.

Tham nhũng cũng có nhiều kiểu khác nhau. Tham nhũng vật chất cũng rất nguy hại. Nó có thể góp phần ảnh hưởng xấu đến đến công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, tạo nên sự bất công trong một xã hội khi có kẻ ăn không hết, người lần không ra". Bất kể có dự án nào được phê duyệt đều phải thương thảo đến tỷ lệ phần trăm thì mới được việc. Vì thế, nhiều công trình chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Điều này thật tệ hại.

Nhưng với những người tham nhũng quyền lực, về lâu dài, nó có thể làm băng hoại cả một chế độ xã hội và đó mới là vấn đề nguy hiểm cho Đảng ta, chế độ ta.

Cũng có thể từ đó, họ sẽ phá nát cả hệ thống chính trị mà biết bao thế hệ đi trước đổ máu hy sinh mới có được. Và như thế, nó đồng nghĩa với việc chế độ chúng ta sẽ khó tồn tại lâu dài bởi khi đó, lòng dân thì đã mất, đảng viên trung kiên thì dần dần rời xa Đảng...

Từ câu chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy tội... điển hình và đầy tính thời sự dưới thời cựu bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trị vì, nghĩ mà khiếp sợ.

Nào là chuyện của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thăng tiến nhanh chóng mặt và khi sai phạm thì chạy tội ra sao; đến việc ông ta "đôn" con trai là Vũ Quang Hải lên nắm quyền to vật vã tại Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn khi chưa đến 30 tuổi; việc đưa Vũ Đình Duy, Tổng giám đốc nhà máy Xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PV Tex) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau 2 năm mà lên 3 chức; việc đưa ông Vũ Hùng Sơn, sau chỉ 1 năm vào viên chức nhà nước mà đã lên đến chức Thư ký Bộ trưởng kiêm phó Văn phòng bộ rồi tiếp ngay sau đó là phó VP - phụ trách Văn phòng bộ thì quả thật chẳng còn gì để bàn.

Rõ ràng, quyền lực một khi đã bị ông ta không cần ý tứ, cứ bạo tay “tham nhũng quyền lực” thì bộ này rồi ra sao? Đặc biệt, trong mấy năm cuối nhiệm kỳ và trước ngày ông Vũ Huy Hoàng rời khỏi vị trí đầy quyền lực đã làm gì thì thật đáng sợ cho thứ “di sản” tệ hại mà ông ta để lại mà ngành Công Thương Việt Nam phải gánh chịu.

Quay lại một ví dụ là nhân vật Trịnh Xuân Thanh. Có ai ngờ đâu, chỉ trong 3 năm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT PVC, ông Trịnh Xuân Thanh đã gây ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng. Thật tài tình khi ông chuồn khỏi nơi đây một cách khá ngoạn mục mà đường quan lộ không hề khép lại.

Với "nghệ thuật tung hứng" giữa Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ Công Thương khi đó, họ tâng bốc Trịnh Xuân Thanh đến không thể tin nổi. Liên đới đến việc mở đường" cho Trịnh Xuân Thanh dễ dàng tiến bước trên con đường quan lộ (quy hoạch đi tỉnh “chui”, không đúng quy trình), mục đích là để tráng men” rồi sẽ quay về làm thứ trưởng bộ cho tương lai, thật nguy hại đến mức nào.

Tất cả bắt đầu từ sự thiếu trách nhiệm đến khó hiểu của Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN Phùng Đình Thực và Vụ trưởng - Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức Cán bộ Đào Văn Hải, Bộ Công Thương.

Trong thời gian này, chính Đảng ủy PVN đã cho Trịnh Xuân Thanh thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy PVC vì hoạt động thua lỗ và không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ấy thế mà Trịnh Xuân Thanh vẫn được điều chuyển lên Bộ Công Thương làm đủ chức vụ, trong đó có chức Phụ trách Văn phòng Bộ và chức Thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp, Bộ Công Thương với hàm vụ trưởng.

Bí thư Đảng ủy PVN Phùng Đình Thực với tư cách người nhận xét và Đào Văn Hải, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ là người ký tờ trình xin điều động, bổ nhiệm trình Bộ Công Thương đối với Trịnh Xuân Thanh thì bỗng dưng trở thành người cán bộ "đầy năng lực và nhiệt huyết": "Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí, đồng chí Thanh đã công tác trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm, trải qua nhiều cương vị từ cán bộ chuyên môn đến chức danh quản lý, đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tích"...

Thật là một sự “tung hứng” đến tài tình hơn cả các nghệ sĩ xiếc!

Có lẽ họ đều không hình dung nổi việc làm này của họ (tất nhiên còn phải nhờ sự gợi ý của cấp trên họ nữa là ai hơn cả ông Vũ Huy Hoàng thì họ mới dám như vậy). Việc như thế đã gây tổn thất to lớn đến uy tín của Đảng và nhà nước đến độ nào.

Phải chăng việc cả một bộ máy điều hành từ trên xuống dưới ở bộ Công Thương do ông Vũ Huy Hoàng đứng đầu ở cả cấp quản lý nhà nước lẫn về Đảng, ông ta đã thao túng bộ máy và đây có thể gọi là hành vi “tham nhũng quyền lực” mà không cần bằng chứng?

Tôi nói kỹ như vậy về một ví dụ xem ra có thể là điển hình của điển hình trong thời gian những năm 2011-2016 ở bộ Công Thương để cho thấy, việc Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 là rất cần thiết và kịp thời. Tôi nhận xét rằng, do từ những thực tế đau lòng nói trên mà Đảng ta mới có thể ra được một nghị quyết sâu sắc, mạnh mẽ, quyết liệt đến như thế.

Nghị quyết trên đã nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng và chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến", tự chuyển hóa": Trong biểu hiện thứ 9 về suy thoái tư tưởng chính trị, Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 nêu rõ: Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích".

Hiện tượng nâng đỡ vô lý này đâu chỉ có ở bộ Công Thương. Nhiều bộ, ngành địa phương khác cũng từng xuất hiện, tuy không phải là phổ biến như bộ Công Thương.

Một tập thể lãnh đạo địa phương bị kỷ luật quá nhiều như Đà Nẵng, như Đồng Nai, như TP.Hồ Chí Minh... quả là những ví dụ đau xót...

Một Phan Văn Anh Vũ, từ một ông chủ kinh doanh đồ nhôm của ngành xây dựng, không kinh qua trường lớp nghiệp vụ gì của ngành an ninh quốc gia, bỗng chốc được thăng hàm thượng tá tình báo, trở thành cán bộ cao cấp trong ngành Công an thì thật nguy hiểm biết bao cho đất nước, cho chế độ sau này! Đó là tôi chưa nói khía cạnh kinh tế. Vì làm kinh tế, túi của tư to hơn túi của công mà anh ta đã khiến nhà nước ta bị thiệt hại đến hai chục ngàn tỉ là đủ thấy thế nào (Tòa Cấp cao vừa xử phúc thẩm và bác đơn, y án).

Một Đinh Ngọc Hệ (quen được gọi là ”Út Bộ trưởng”), dù chỉ là bằng cấp giả để “chạy sao vạch”, nhưng nhờ có quan hệ rộng mà anh ta cũng thăng tiến lên đến chức phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, bộ Quốc phòng với quân hàm thượng tá thì thật tai hại cho tương lai đất nước sau này ra sao nếu đất nước có chiến tranh thì quân đội khi đó sẽ ra sao?

Nhưng thử hỏi, họ lên được tới chức đó, liệu có từ những người có quyền lực đã thiếu con mắt tinh đời hay do người được giao quyền lực đã cố ý “tham nhũng” mà làm bậy, làm ngơ?

Hình như trong công tác tổ chức của đảng cầm quyền, chúng ta chưa có những hội nghị nghiên cứu chuyên đề sau những bài học đáng tiếc và đau xót nói trên đề truy đến cùng vì sao lại như vậy? Trách nhiệm này thuộc về ai, cá nhân hay tập thể? Mức độ ra sao?

Theo tôi, tham nhũng vật chất rất nguy hại bởi nó làm cạn kiệt kinh tế nước nhà, khó phát triển nhanh. Nhưng nguy hiểm hơn, đó là tham nhũng quyền lực khi có “đất” cho nó tung hoành. Thứ tham nhũng này dễ làm băng hoại cả chế độ, nhanh hơn nhiều so với tham nhũng vật chất dù hai thứ này, ở một góc độ, nó lại là “anh em sinh đôi”, vì nó có chung lợi ích nên rất gần nhau.

Thời gian Đại hội các cấp đã và đang diễn ra, mong rằng vẫn chưa muộn để các cấp cùng rút ra các bài học, chỉnh đốn công tác tổ chức cán bộ. Tôi rất thấm thía với chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi mới đây ông có nói đại ý rằng, đại hội kỳ này, ai đề xuất, giới thiệu nhân sự thì người đó phải có trách nhiệm cá nhân mình đến cùng trong sự bảo lãnh đó nếu sau này có vấn đề. Điều đó là rất đúng khi đối chiếu với thực tế những gì đã diễn ra tại nhiệm kỳ Đại hội XII. Không sai một chút nào.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn trăm lần tham nhũng vật chất