Các nhà khoa học Australia đã quay được cảnh một con thằn lằn bóng tấn công rắn nâu phương đông kịch độc khi nhận thấy kẻ săn mồi định tiếp cận đàn con non.

Thằn lằn mẹ tấn công rắn độc dài hơn 2 mét để bảo vệ con non

08/09/2020, 15:50

Các nhà khoa học Australia đã quay được cảnh một con thằn lằn bóng tấn công rắn nâu phương đông kịch độc khi nhận thấy kẻ săn mồi định tiếp cận đàn con non.

Thằn lằn bóng Cunningham bên đàn con non - Ảnh: Greg Watson/Jolanta Watson

Sự việc được ghi lại ở vùng núi Snowy, phía đông nam Australia bởi hai nhà nghiên cứu Greg Watson và Jolanta Watson từ Đại học Sunshine Coast. Theo nhóm nghiên cứu, đây là hành vi rất bất thường đối với loài bò sát.

Sử dụng camera và hình ảnh nhiệt, vợ chồng Watson đã ghi lại hình ảnh con thằn lằn mẹ thuộc loài thằn lằn bóng Cunningham (Egernia cunninghami) hung hăng tấn công con rắn nâu phương đông (Pseudonaja textilis). Theo đó, thằn lằn mẹ đã cắn chặt con rắn trong vài giây trước khi nhả ra. Con rắn nâu kịch độc dài hơn 2 mét đã cố gắng tiếp cận bầy thằn lằn con.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Động vật học Australia, các nhà nghiên cứu cũng đã ghi hình 2 con thằn lằn bóng trưởng thành tấn công một con rắn nâu phương đông khác trong một cuộc đụng độ tương tự. Ngoài ra, họ còn chứng kiến 12 trường hợp thằn lằn bóng đuổi chim ác là trước mặt con non.

Để phục vụ cho nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã quan sát loài thằn lằn bóng có nguồn gốc từ đông nam Australia này trong 32 ngày không liên tục suốt 3 năm. “Ban đầu chúng tôi định nghiên cứu cách mà loài thằn lằn bóng đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng sau đó đã phát triển thành một nghiên cứu về mối liên kết đáng ngạc nhiên giữa thằn lằn bóng non và bố mẹ chúng”, Watsons viết trong một bài báo cho The Conversation.

Thằn lằn bóng Cunningham được đặt tên theo nhà thám hiểm Alan Cunningham, người đầu tiên tìm thấy mẫu vật về loài này. Theo nhóm nghiên cứu, những quan sát mới nhất rất có ý nghĩa bởi vì phần lớn các loài bò sát đều ít khi thể hiện dấu hiệu quan tâm đến con non hay có hành vi hung dữ đối với động vật săn mồi. Những hành vi như thế này “hiếm khi được ghi nhận trong môi trường tự nhiên”.

“Hành vi của chúng rất khác thường giữa các loài thằn lằn và bò sát vì chúng sống theo đàn ổn định với quan hệ xã hội. Việc sống theo nhóm giúp chúng phát hiện các mối đe dọa dễ dàng hơn để cùng tồn tại. Trong các đàn này, thằn lằn mẹ đẻ con non và sống cùng con trong vài năm”, các tác giả nghiên cứu viết.

Ở một số loài da sừng, những con trưởng thành đôi khi giết chết con của đồng loại. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã không quan sát thấy hành vi này hoặc bất kỳ sự gây hấn nào đối với nhau ở thằn lằn bóng Cunningham.

Các nhà nghiên cứu cho biết có khả năng những con thằn lằn bóng tỏ ra hung hăng đối với rắn và chim ác là do chúng chỉ muốn tự vệ hoặc bảo vệ lãnh thổ. Tuy nhiên, họ kết luận hành vi này thể hiện một số hình thức chăm sóc của cha mẹ, trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng những khám phá trong tương lai có thể mang lại hiểu biết sâu sắc hơn về hành vi này.

Long Hải (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thằn lằn mẹ tấn công rắn độc dài hơn 2 mét để bảo vệ con non