Chúng tôi những người sinh ra từ những vùng quê nông thôn miền Bắc. Ai cũng có một thời thơ ấu gắn liền với con trâu, cánh đồng quê mùa lúa! Những ký ức một thời trẻ trâu cứ ùa về khi đã vào tuổi thất thập cổ lai hy.

Tháng giêng, tản mạn về con trâu

TS Nguyễn Văn Lạng | 20/02/2022, 12:11

Chúng tôi những người sinh ra từ những vùng quê nông thôn miền Bắc. Ai cũng có một thời thơ ấu gắn liền với con trâu, cánh đồng quê mùa lúa! Những ký ức một thời trẻ trâu cứ ùa về khi đã vào tuổi thất thập cổ lai hy.

Con trâu - một trong những gia súc, vật nuôi gắn liền với nhà nông, với mỗi người dân quê mùa như tôi. Từ rất xa xưa từ thời Vua Thần Nông, ông tổ của cư dân Bách Việt xưa, ông tổ của nghề nông, theo truyền thuyết đã làm ra cây lúa, hạt gạo nuôi con người. Chả thế mà năm 555 trước công nguyên Khổng Tử đã viết đại ý: Dân Bách Việt ăn một thứ hạt gọi là gạo, uống một thứ nước gọi là trà... đó sao. Mà hàng ngàn năm làm lúa nước, người nông dân phải dùng con trâu để cày bừa làm ruộng gieo mạ cấy lúa, thậm chí chuyên chở nông sản. Và “con trâu là đầu cơ nghiệp” thành câu cửa miệng hàng ngàn năm của nền văn minh lúa nước!

loaitrau.jpg
Trâu là bạn của người nông dân, từng là biểu tượng của nền nông nghiệp Việt Nam

Trong thi văn thơ ca nhạc họa... con trâu luôn là biểu tượng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn - tam nông đấy. Khi nói về các sứ mệnh, cái mốc lớn của các chàng trai làng vùng lúa vẫn còn tới bây giờ là “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Đó còn là tiêu chí, thước đo chuẩn mực cho các trai làng mà cho tới nay khi nền văn minh, công nghệ đã quá tiến bộ người ta vẫn dùng phương ngôn đó! Nhưng cũng không ít các ngôn từ, hình tượng, người đời lại phỉ báng các thói hư tật xấu từ hình tượng con trâu.

Khi nói với người vô cảm, người chậm hiểu người ta dùng câu “Đàn gẩy tai trâu”. Trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du viết “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”. Đôi khi người ta còn dùng từ sinh học để nói ví von kẻ khác bằng câu “đồ nhai lại”, hoặc “làm thân trâu ngựa cho loài khuyển dương” để chỉ kiếp nô lệ mất nước cực hình. Rồi quan niệm trâu trắng (trâu lọc) đi đâu mất mùa đấy; quê tôi và số vùng duyên hải ven biển còn có câu nói rặt vùng quê nước mặn nước lợ, để trêu trọc nhau:

“Con tâu tắng buộc gồ te tụi

Ăn no béo tòn béo tục như cái tống teo”.

(Con trâu trắng buộc bờ tre trụi, ăn no béo tròn béo trục như cái trống treo).

Vậy nhưng, trong những năm đổi mới với nền nông nghiệp hữu cơ, một doanh nhân thành đạt, bạn tôi, anh Phong ở Công ty Phân bón Bình Điền lại dùng hình tượng con trâu dễ thương, để gọi tên các sản phẩm phân bón hữu cơ của mình là “Đầu Trâu”. Nhiều lắm, nhiều nữa...

Trong các bức tranh Đông Hồ truyền thống được cả thế giới ngưỡng mộ, từng tồn tại hàng trăm năm, nhất là các bức tranh tết thì hình ảnh 12 con giáp, trong đó hình ảnh con trâu vẫn là một trong con vật trung tâm. Hầu như ai cũng thuộc mấy câu thơ lục bát nói lên mối quan hệ thân thiết của người nông dân với con trâu của mình:

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công”.

Một nhạc sĩ nổi tiếng đã có ca khúc khá thành công, ca khúc Trâu ơi mỗi lần ca sĩ Y Zac người Ê Đê tại Buôn Ma Thuột hát lên là tôi lại dâng đầy cảm xúc! Thời đi học, chúng tôi ai cũng học cũng đọc cũng phải viết văn bình giảng về cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Con trâu của nhà văn lớn Nguyễn Văn Bổng.

Với các dân tộc ít người Tây Nguyên, con trâu được dùng cho rất nhiều việc trong làm nương rẫy , đời sống tinh thần, văn hóa, tâm linh. Không chỉ làm thực phẩm từ thịt trâu mà đồng bào dùng da trâu để bưng các mặt trống cho lễ hội văn hóa tâm linh. Người đồng bào tinh tế tới mức hai mặt trống được bưng khác nhau, mặt này da trâu đực còn mặt kia được bưng bằng da trâu cái; mỗi khi già làng đánh vào mặt trống da trâu đực hoặc cái là biết được làng buôn có việc lớn buồn hay vui.

Hằng năm các dân tộc vùng cao nguyên còn có lễ hội đâm trâu mà sau này còn gọi là lễ Ăn trâu, là lễ lớn của đồng bào Ê Đê... Khi có cúng tế thần linh quan trọng lớn hằng năm, người ta cúng bằng con trâu đực...

trautronglehoi.jpg
Những lễ hội đâm trâu đầy bạo lực ở Việt Nam cần được loại bỏ để phù hợp với nếp sống và đời sống văn hóa mới

Ở nhiều vùng núi miền Tây Bắc, con trâu cũng liên quan tới rất nhiều phong tục huyền bí đậm sắc văn hóa Mường, Thái, Tày, Nùng, H’mông... Không ít các đặc sản từ con trâu. Thịt trâu gác bếp, hun xông khói trên dàn bếp là món đặc sản khoái khẩu của Lai Châu, Sơn La, Điện Biên. Sừng/ngà trâu cũng được làm thành nhiều thành đồ trang sức, đồ dùng hằng ngày: Tiếng tù và làm từ sừng trâu mỗi lần cất lên... gợi nhiều không gian văn hóa, không chỉ ở Tây Nguyên, Tây Bắc mà cả vùng đồng bằng. Có nơi ở Tây Nguyên đồng bào lấy sừng trâu làm dụng cụ đong nước uống rượu cần, làm nhạc cụ thổi vỗ. Hằng năm vào dịp tết đến xuân về, đón năm mới, có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, kinh tế thương mại diễn ra ở nhiều địa phương như: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), chợ trâu Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai...

Trong y dược học, người ta đã nghiên cứu sử dụng nhiều nguyên liệu để làm thuốc từ con trâu, như sừng trâu, móng trâu, da trâu, tiết trâu... Người Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc có một bài thuốc quý đặc trị công hiệu chữa tai biến mạch máu não là An cung ngưu hoàng hoàn, đã lưu truyền mấy nghìn năm, nay còn nâng cấp lên tầm quốc tế nữa.

Và có lẽ mọi người đều biết đến lễ Tịch điền vào mùng 7 tháng giêng hằng năm được phục dựng lại từ năm 2008 tại làng Đọi Sơn (tỉnh Hà Nam). Lễ hội này có từ năm 987, đức vua Lê Đại Hành trực tiếp cày ruộng, kêu gọi dân chúng ra đồng đầu năm, cầu mong một năm mới mùa màng bội thu. Với nền nông nghiệp hữu cơ thì phân trâu bò còn là loại phân bón vô cùng quý hiếm, nhất là vùng chuyên canh cà phê Tây Nguyên. Không thể nhớ hết, kể ra đây hết được tác dụng to lớn hữu dụng của con trâu trên đất Việt.

Ông cha ta đã xây dựng, khơi dòng Kim Ngưu (trâu vàng) bên Hồ Tây, đặt tên một trong các dòng sông của kinh thành Thăng Long xưa - Hà Nội nay là dòng sông Trâu Vàng: Sông Kim Ngưu.

Nước ta thời kỳ khó khăn kinh tế, thời bao cấp, nước Cộng hòa Ấn Độ đã tặng cho chúng ta những con trâu sữa Mura để cung cấp thêm nguồn sữa, nhất là cho người già và trẻ nhỏ.

Tôi đã có cơ hội đi nhiều nước trên khắp các châu lục và cũng đã từng nhìn thấy, biết tới nhiều quốc gia nuôi nhiều trâu như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên với văn hóa, lối sống và nghề nghiệp thì mỗi quốc gia, dân tộc sử dụng con trâu một cách khác nhau. Dù vậy, đều có điểm chung là ở đâu người ta cũng quý con vật này - con trâu.

Con trâu với người Việt nói chung với nhà nông nói riêng là con vật hiền lành, gần gũi, quý mến vô cùng. Có lẽ chính vì vậy mà hình tượng con trâu đã được chọn thành linh vật, biểu tượng cho SEA Games tại Hà Nội năm nào.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng giêng, tản mạn về con trâu