Gần trăm năm nay, cụm từ “Công tử Bạc Liêu” đã trở thành thành ngữ chỉ sự xa hoa, giàu có. Dần dà, danh xưng này gần như thuộc về ông Trần Trinh Huy, tên thật là Trần Trinh Quy, còn gọi là Ba Huy, giàu có nhất vùng Nam Bộ những năm đầu thế kỷ 20.
Sau này có thêm thành ngữ “Công tử Bột”, ám chỉ những kẻ đua đòi mà không có thực lực. Nhiều người cứ tưởng “Bột” là nguyên liệu từ gạo, trong nghĩa “Hiền như bột”, chẳng làm gì nên chuyện nếu không có bàn tay con người nhào nặn. Thật ra, theo một số người lý giải thì chữ “Bột” là cách đọc của từ “Poste” trong tiếng Pháp, nghĩa là bưu điện. Một nhân viên (bưu điện) quèn mà học đòi trưởng giả nửa vời.
Những đồn thổi ác ý
Lâu nay, người Việt thường có thành kiến với những người giàu có. Giàu là có tội. Phải gian manh, độc ác và thủ đoạn thì mới giàu được. Càng giàu, tội càng lớn. Đặc biệt là sau 1975, những nhà giàu ở miền Nam bị qui kết là tư sản, phải cải tạo. Những đại điền chủ cỡ Ba Huy bị xem là "kẻ thù" của dân tộc, phải tịch biên tài sản. Nhiều giai thoại xấu được thêu dệt, đồn thổi chỉ nhằm bôi xấu và làm méo mó hình ảnh của công tử Bạc Liêu. Dù cuộc sống của ai cũng có 2 mặt. Với Ba Huy, hình như chỉ có mặt xấu?
Ba Huy là con trai thứ của Hội Đồng Trạch (Trần Trinh Trạch), từng sở hữu 110.000 ha ruộng lúa và 100.000 ha ruộng muối. Du học ở Pháp, ông không theo các ngành thời thượng như luật sư, bác sĩ, kỹ sư, hành chính… Ông chỉ học mấy thứ không đâu như lái máy bay (có lẽ ông là phi công Việt Nam đầu tiên?), lái xe và các khoản ăn chơi để giao du với những điền chủ, tìm hiểu cách làm nông của người Pháp.
Ngoài các thói ăn chơi (thật ra là hưởng thụ) của người giàu có, ông cũng phải làm việc cật lực để quản lý khối tài sản không lồ mà cha ông giao phó. Là người sỡ hữu máy bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam (sau vua Bảo Đại), ông tự lái máy bay đi thăm ruộng lúa, ruộng muối và phun thuốc trừ sâu cho lúa.
Càng không có chuyện chơi ngông đốt tiền luộc trứng hoặc nấu chè. Là người được ăn học, chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, nên không thể có chuyện khoe của và chứng minh sự giàu có bằng hạ sách đó. Vừa vi phạm pháp luật vừa chứng tỏ đầu óc đần độn.
Nhiều giai thoại đồn thổi ác ý, cứ thêu dệt từ người này qua người khác, từ năm nay sang năm khác biến Ba Huy thành kẻ giàu có ngông cuồng. Sự thật không phải vậy. Ông có những tật xấu của kẻ giàu có nhưng cũng có lòng tự trọng của một công dân, được ăn học và có trách nhiệm với xã hội. Hội đồng Trạch, vốn là người Minh Hương, giáo dục và quản lý con cái rất chặt chẽ, không dễ gì để Ba Huy lộng hành như vậy.
Thanh minh cho công tử Bạc Liêu
Khi quân Pháp quay lại Nam bộ, Ba Huy bị cách mạng bắt giam 2 tháng vì tội lãng nhách là có “quốc tịch Pháp”, dân Việt mà làm người Tây, dù ông không phục vụ cho Pháp, cũng chưa làm gì hại tới dân. Ra tù, ông lên Sài Gòn, giao cho các quản điền trông coi việc thu tô. Sau Cách mạng Tháng 8, các tá điền vùng lên, việc thu tô khó khăn, Ba Huy có thuê mấy trung đội lính thuộc địa hỗ trợ quản điền thu tô, tá điền điêu đứng.
Biết chuyện, bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc đó là Hai Sớm (Trần Văn Phong), đã tương kế tựu kế, mời công tử Bạc Liêu ra Kênh Xáng, Vĩnh Hưng hội ngộ. Cuộc gặp lịch sử đã giải tỏa cho Ba Huy nỗi ám ảnh về Việt Minh và việc làm sai trái là thuê lính thuộc địa giúp quản điền thu tô.
Ba Huy phân trần “Đó là việc làm cực chẳng đã, vì nhiều bà con không chịu nộp tô”. Rồi ông khẳng khái “Nếu bà con chịu đóng lúa ruộng cho tôi, không chỉ giảm 25% tô như chính sách của Việt Minh, mà có thể giảm 50%, 80% cũng được. Gia đình nào khó khăn, tôi giảm 100%. Miễn là bà con giữ lời hứa, nộp lúa ruộng đàng hoàng…”. Hôm đó, Ba Huy mời lãnh đạo Việt Minh và bà con nông dân cùng dùng cơm thân mật.
Chuyện trò râm ran, Ba Huy cho hay đã biết tiếng và rất quý trọng Nguyễn Ái Quốc từ lúc còn học ở Pháp. Ông hứa “Lấy danh dự gia đình Trần Trinh Trạch sẽ đi cùng kháng chiến, không làm tay sai cho giặc”. Không chỉ giữ lời hứa, sau này Ba Huy còn gởi thuốc men và vải vóc cho Việt Minh. Khi chưa tiếp xúc trực tiếp với Việt Minh, Ba Huy cũng từng tổ chức các đợt phát chẩn, giúp đỡ những tá điền nghèo khó.
Sự giàu có của Ba Huy nếu so với những đại gia của chìm của nổi ngày nay cũng chưa thấm vào đâu. Thú chơi ngông có thực như sắm máy bay, xe hơi xịn, tiêu xài hoang phí cũng chưa là gì so với lớp tư sản đỏ hiện giờ.
Cần được đối xử công bằng
Mấy lần đưa khách đến tham quan nhà công tử Bạc Liêu, tôi cứ trăn trở. Ngôi nhà quá đẹp nhưng bị các công trình phụ bủa vây như rác rưởi. Muốn chụp tấm ảnh toàn cảnh nhà công tử là nhiệm vụ bất khả thi. Hiện vật trong nhà dù thất lạc nhiều nhưng vẫn còn khá phong phú. Điều đáng luồn là sự tùy tiện. Đơn vị quản lý đã tự ý bổ sung thêm một số hiện vật mới như các bình bông. Việc cải tạo cũng chưa tuân thủ sự tôn trọng nguyên bản của di tích. Xấu xí nhất là bộ phản ván liền dày cộm nguyên miếng cỡ 3 tấc gỗ quý, lại được sơn giả gỗ.
Khách sạn Công tử Bạc Liêu bên cạnh mà nhiều người nhầm tưởng là nơi ở của công tử Bạc Liêu, thật ra là nhà ở của Huyện Sổn. Đặt tên lập lờ như vậy dễ gây ngộ nhận. Buồn nhất là cảnh ông Nguyễn Trinh Đức, người con duy nhất của công tử Bạc Liêu, hiện đang ở quê nhà, lặng lẽ ngồi bán sách viết về cha mình trong chính ngôi nhà của thân phụ. Dù quá tuổi lao động, ông vẫn còn minh mẫn, mạnh khỏe và thông thạo tiếng Anh. Sao không nhờ ông làm hướng dẫn thay cho các cô gái trẻ mà sự hiểu biết và cả tình cảm cũng nông cạn hơn. Ông Đức là nhân chứng sống, là người trong cuộc, chắc chắn làm công việc hướng dẫn sẽ có sức thuyết phục gấp mấy lần.
Theo tìm hiểu riêng, gia cảnh ông Đức cũng rất khó khăn. Đang phải ăn nhờ ở đậu, kể cả bàn thờ hương khói cho thân phụ từng là người giàu có nhất Nam bộ một thời. Có người biết chuyện, khuyên ông làm đơn đòi lại nhà của cha mình. Ông không nghĩ vậy, mà chỉ muốn có một chỗ ở và thờ cúng cha mẹ ổn định. Nghe đâu tỉnh tính cấp cho ông căn nhà tình thương. Nghe mà xót xa vì như bố thí. Hiện ông đang được ở nhờ trong căn nhà tái định cư. Chỗ ở miễn phí nhưng không có chủ quyền, vì có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào. Mong muốn của gia đình là được ổn định để an cư.
Nói gì thì nói, công tử Bạc Liêu là thương hiệu xuất xứ từ Ba Huy. Ba Huy mất nhưng con cái ông vẫn còn. Khai thác hoặc sử dụng thương hiệu đó, các thành viên gia đình cũng cần được tham vấn. Đặc biệt là chia sẻ lợi nhuận nhất định. Gia đình không đòi hỏi nhưng đó là sự công bằng, là đạo lý của người Việt.
Nguyễn Văn Mỹ