Vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 02 cho thấy chính quyền Đà Nẵng vào cuộc cứu hộ nhanh nhạy và chuyên nghiệp. Từ Bí thư thành ủy đến Chủ tịch thành phố, các bộ phận cấp dưới, các lực lượng cứu hộ đều bài bản. Phẩm giá của thành phố đáng sống trong vụ chìm tàu thật đáng trân trọng, nhưng để tồn tại các chiếc tàu không phép hoạt động du lịch như thế này sẽ đe dọa rất nhiều đến hình ảnh đô thị Đà Nẵng.

Thành phố đáng sống và lời cảnh báo từ 'đò ngang' Thảo Vân 02

07/06/2016, 05:57

Vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 02 cho thấy chính quyền Đà Nẵng vào cuộc cứu hộ nhanh nhạy và chuyên nghiệp. Từ Bí thư thành ủy đến Chủ tịch thành phố, các bộ phận cấp dưới, các lực lượng cứu hộ đều bài bản. Phẩm giá của thành phố đáng sống trong vụ chìm tàu thật đáng trân trọng, nhưng để tồn tại các chiếc tàu không phép hoạt động du lịch như thế này sẽ đe dọa rất nhiều đến hình ảnh đô thị Đà Nẵng.

20h40 ngày 4.6, tàu Thảo Vân 02 chìm với 56 người trên tàu. Trọng tải chiếc tàu hoán cải từ tàu cá này chỉ cho phép chở 28 người nhưng lại chở vượt gấp đôi. Một thời gian ngắn sau khi tàu chìm, tổ công tác báo chí của UBND thành phố Đà Nẵng đã ra ngay thông cáo báo chí và thành phố đưa ra phương hướng khắc phục, cứu hộ cứu nạn - một điều chưa có tiền lệ với các sự cố tang thương như vậy. Sập cầu Ghềnh ở Biên Hòa (Đồng Nai) cũng không có thông cáo báo chí nào. Đấy là phản ứng trước nhất về truyền thông để trấn an dư luận. Thông cáo báo chí gửi đến phóng viên, cơ quan đại diện các báo, cũng như đưa thẳng lên mạng xã hội.

Cùng lúc đó, Đà Nẵng huy động cả ngàn người tham gia lực lượng tìm kiếm. 70 thợ lặn, 15 ca nô phòng cháy chữa cháy của quân đội, công an, 10 tàu giã cào của ngư dân, 10 thuyền nhỏ chở thợ lặn, tàu biên phòng, lực lượng y tế đông đảo, nhịp nhàng. Kết quả tìm kiếm cứu sống nhiều người, 3 nạn nhân tử vong cũng tìm được thi thể ngay ngày hôm sau.

Đà Nẵng đã hành động hết sức kịp thời, điều đó cũng phần nào làm vơi bớt nỗi đau mất mát đối với các nạn nhân xấu số. Trên mạng xã hội không xuất hiện bất cứ tin đồn thất thiệt nào khi thông cáo báo chí được ban hành sớm. Nếu như Nghệ An phản ứng nhanh về việc xe khách thảm nạn ở Khăm Muộn (Lào) làm 8 người Nghệ An chết về mặt truyền thông sẽ có ứng phó cứu hộ tốt hơn. Nếu tai nạn trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Hàm Ninh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) làm 13 người chết hôm 22.5, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ra thông cáo báo chí, nêu các phương án cứu hộ cũng như giúp đỡ thiệt hại, chắc sẽ tạo hiệu ứng coi trọng tính mạng người dân.

Trên các diễn đàn, hình ảnh của Đà Nẵng một lần nữa được khẳng định về cách thức cứu hộ, giúp đỡ y tế, chăm sóc thân nhân các nạn nhân. Phẩm giá của thành phố đáng sống không phải là ánh đèn hào nhoáng mà ở chỗ ứng xử của người dân với du khách, cách thức đối xử với thảm nạn Thảo Vân 02 mà mọi người đã thấy.

Dĩ nhiên, lỗ hổng ở đây đang là thách thức với thành phố đáng sống này. Tháng 7.2015, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng đã cảnh báo: "25 chiếc tàu du lịch trên sông Hàn, nhưng chủ yếu là tàu cá cải hoán sang. Trong khi đó, được cấp giấy phép kinh doanh chở khách, nhưng Sở GTVT không dám cấp giấy phép hoạt động vì không có bến, không có bãi, không có tour… 25 chiếc đều không có phép. Thử hỏi Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, nếu 25 chiếc tàu ấy chìm xuống thì ai chịu trách nhiệm. Xin thưa với anh là tàu Biên phòng chúng tôi đã 2 lần kéo tàu bị chìm trong đêm. May chứ không thì xong phim rồi. Mà nó chìm xuống thì ai nổi lên, trách nhiệm thuộc về ai?”. Đấy là lổ hổng đã được cảnh báo trước mà các đơn vị liên quan ở Đà Nẵng đã làm ngơ.

Báo SGGP ngày 6.6 thông tin, tàu Thảo Vân 06 không phải tàu chở khách, nó chỉ là phương tiện đò ngang. Vậy mà chiếc đò ngang 28 chỗ lại chở đến 56 người. Nhắc lại một chút, ngày 25.1.2009, trên chuyến đò ngang qua sông Gianh ở xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình), chủ đò Nguyễn Xuân Mậu và Nguyễn Văn Quý chỉ được phép chở 12 người nhưng đã chở hơn 100 người, thuyền chìm vào đúng sáng 30 Tết làm 42 người chết, quang cảnh hết sức tang thương. Thủ tướng chỉ đạo điều tra làm rõ, tổng rà soát trên cả nước chất lượng đò ngang, đò dọc, các tàu thuyền vận tải hành khách. Rồi vụ tàu Dìn Ký bị lật tối 20-5-2011, nhấn chìm 16 người trên tàu, 9 người chết. Vụ việc được kết luận là nhà hàng nổi không phép. Ngày 2.8.2013, chìm tàu tại biển Cần Giờ (TPHCM) làm 9 người chết. Sau này cơ quan điều tra kết luận tàu chở 30 người là quá tải so với quy định. Trước các vụ chìm tàu tang thương như thế, Thủ tướng Chính phủ đều chỉ đạo sát sao, rà soát lại toàn bộ hoạt động đường thủy chở khách trên toàn quốc. Thế nhưng đâu lại vào đấy để rồi sau một thời gian "chủ quan" lại có vụ việc mới thật nghiêm trọng như vụ chìm tàu ở Sông Hàn.

Trên thực tế, dọc sông Gianh có nhiều đò ngang chở khách, có áo phao nhưng bị cột chặt để đối phó, còn các bến đò vẫn chở khách, học sinh vượt quá số người quy định. Ở Đà Nẵng, thành phố đáng sống lại chở khách du lịch bằng một hình thức đò ngang mới thấy sự thờ ơ của các cơ quan chức năng. Như để lấy lại phẩm giá cho người dân, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại cuộc họp giải quyết vấn đền Thảo Vân 02 rất gay gắt với ông Lê Sáu, giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng mà báo SGGP ghi lại: "Ông Trung (Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT) đưa ông Sáu lên vị trí này là tôi thấy không được rồi. Giám đốc Cảng vụ không làm hết trách nhiệm. Không ai có thể giao sinh mạng hàng nghìn người cho một người thiếu trách nhiệm như vậy được”. Ông Thơ cũng gay gắt với đội CSGT đường thủy Đà Nẵng, truy trách nhiệm ban chỉ huy bộ đội biên phòng cảng vụ cũng như nhiều cơ quan khác...

Bước đầu Đà Nẵng đã xử lý từng phần vấn đề, và thời gian tới sẽ có nhiều người phải chịu trách nhiệm. Bởi thành phố đáng sống là cái phẩm giá cốt lõi về việc: "Không ai có thể giao sinh mạng hàng nghìn người cho một người thiếu trách nhiệm như vậy được". Nếu bài học ở Sông Hàn lặp lại sự vô trách nhiệm trước đó ở các vụ chìm đò tang thương ở các địa phương khác mà không được nghiêm túc chấn chỉnh trên cả nước thì không ai đảm bảo được rằng, tương lai của vận tải hành khách đường thủy là an toàn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt kịp thời chỉ đạo bên bến sông Hàn. Không biết trong tương lai, các cơ quan chức năng, các địa phương có nghiêm túc hơn với sinh mạng của người dân hay không. Nếu nghiêm túc hơn với điều này, nếu tính mạng người dân được xem trọng hơn hết thì danh dự của cơ quan chức năng và người thực thi sẽ tốt lên trong mắt nhân dân.

Quốc Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố đáng sống và lời cảnh báo từ 'đò ngang' Thảo Vân 02