Hàng loạt vấn đề sai phạm khi thực hiện triển khai DA đầu tư xây dựng đường Hoà Lạc-Hoà Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai- Hoà Bình (BOT Hoà Bình) và DA đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Phước Tượng-Phú Gia (BOT Phước Tượng-Phú Gia) vừa được TTCP chỉ rõ.

Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm tại BOT Hoà Bình, Phước Tượng - Phú Gia

Nam Phong | 22/08/2017, 15:13

Hàng loạt vấn đề sai phạm khi thực hiện triển khai DA đầu tư xây dựng đường Hoà Lạc-Hoà Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai- Hoà Bình (BOT Hoà Bình) và DA đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Phước Tượng-Phú Gia (BOT Phước Tượng-Phú Gia) vừa được TTCP chỉ rõ.

>>Đề nghị xử lý trách nhiệm Bộ GTVT, Tài Chính vì những sai sót khi thực hiện các DA BOT

>>BOT đường Thái Nguyên-Chợ Mới: Sai phạm từ Bộ đến doanh nghiệp

>>BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ: Thảm lại mặt đường nhưng thu phí bằng cao tốc mới

>>6 dự án BOT ở TP. HCM sai phạm hơn 2.100 tỉ đồng

Bản Kết luận thanh tra số 1423 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án (DA) đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới được ban hành.Trong số 7 DA bị thanh tra, có BOT Hoà Bình và BOT Phước Tượng-PhúGia.

Trạm thu phí BOT Bắc hầm Hải Vân ngoài phạm vi DA

Qua thanh tra, TTCP chỉ ra, DA BOT Phước Tượng- Phú Gia được Bộ GTVT áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế quản lý và thực hiện các DA đầu tư trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH BOT Hưng Phát, Công ty CP Đầu tư thương mại quốc tế Hà Thành, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Thành, tổng mức đầu tư DA là trên 1.743 tỉ đồng, phương án tài chính thu hồi vốn cho nhà đầu tư với thời gian thu phí phê duyệt là 19 năm 2 tháng 17 ngày.

Tại hợp đồng dự án số 11387/HĐ.BOT ngày 24.10.2013 không đề cập rõ vị trí trạm thu phí và công nghệ thu phí. Trong quá trình thực hiện dự án, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã ký phụ lục điều chỉnh một số nội dung hợp đồng, trong đó bổ sung vị trí trạm thu phí ngoài phạm vi DA (phía bắc hầm Hải Vân), nhưng không điều chỉnh phương án tài chính của hợp đồng tương ứng nội dung bổ sung về vị trí đặt trạm thu phí ngoài phạm vi DA.

TTCP nêu rõ, qua kiểm tra về phê duyệt, điều chỉnh DA, bổ sung phụ lục hợp đồng và kết quả kiểm tra về tổng mức đầu tư xác định sai lệch tổng mức đầu tư 44,16 tỉ đồng; đối chiếu với hợp đồng đã ký kết thì quyền khai thác bằng thời gian thu phí của nhà đầu tư phải điều chỉnh.

Cụ thể, TTCP chỉ rõ: Việc Bộ GTVT chấp thuận chuyển trạm thu phí về phía bắc hầm Hải Vân, khi đó không có đường song hành, dẫn đến giá trị doanh thu năm 2016 giữ nguyên không được chiết giảm 60%; điều chỉnh giảm vốn đầu tư theo kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư tăng sai trên 44,16 tỉ đồng, loại bỏ thuế VAT, điều chỉnh lưu lượng xe qua trạm thu phí.

Nếu không được TTCP chỉ rõ sai phạm, người dân sẽ phải "è cổ" trả phí khi qua trạm BOT Bắc Hải Vân oan 11 năm 2 tháng 11 ngày

TTCP kết luận: “Từ những điều chỉnh nêu trên, thời gian khai thác thu phí hoàn vốn của hợp đồng phải điều chỉnh giảm chỉ còn 8 năm 6 ngày, giảm 11 năm 2 tháng 11 ngày”.

Bên cạnh đó, TTCP cũng chỉ ra sai phạm trong quản lý chi phí đầu tư của DA. Kết quả kiểm tra dự toán, một số nội dung lập, phê duyệt không đúng chế độ hiện hành với tổng giá trị hơn 50,84 tỉ đồng.

BOT Hoà Bình tăng phí phí sai nguyên tắc

DA BOT Hoà Bình được thực hiện bởi nhà đầu tư là Liên danh Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Hà Nội, Công ty cổ phần Thương mại xây lắp Trường Lộc. Tổng mức đầu tư là hơn 2.942 tỉ đồng; thời gian thu phí hoàn vốn là 24 năm 11 tháng, 8 ngày.

Theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 thì tuyến quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hoà Bình phải nâng cấp thành đường cấp II, 4 làn xe. Tuy nhiên, việc phê duyệt dự án của Bộ GTVT đã quyết định đầu tư nâng cấp đường không đạt tiêu chuẩn quy hoạch.

Cụ thể, đoạn Xuân Mai - Hoà Bình là đường cấp III (đồng bằng và miền núi), 2 làn xe và đoạn Hoà Lạc- Hoà Bình là đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe.

Bên cạnh đó, TTCP cũng chỉ rõ: quyết định đầu tư ghép việc cải tạo nâng cấp QL 6 với đầu tư xây dựng mới đường Hoà Lạc - Hoà Bình thành một DA và đặt trạm thu phí ở cả 2 tuyến là bất hợp lý.

Việc đặt trạm thu phí hoàn vốn DA BOT Hoà Bình đã khiến người dân địa phương phản đối, chặn xe gây ách tắc tại trạm khi trạm thu phí này đi vào hoạt động

Kết luận của TTCP nêu: “Do khi DA đi vào khai thác, việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến QL 6 để bù đắp vốn đầu tư đoạn tuyến Hoà Bình - Hoà Lạc trong khi họ không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hoá, dịch vụ và các khoản thu quy định tại Khoản 1, Điều 33, Nghị định 108/2009/NĐ-CP”.

Việc phê duyệt tổng mức đầu tư đã áp dụng đơn giá tiền lương, chi phí dự phòng trượt giá, cự ly đổ thải và cấp đá đào nền không đúng quy định, không phù hợp thực tế, dẫn đến tăng sai hơn 51,2 tỉ đồng.

Nhà đầu tư thuộc Bộ Quốc phòng không đủ năng lực tài chính

Tại bản Kết luận thanh tra của TTCP, chỉ rõ: DA thực hiện hình thức chỉ định thầu, nhà thầu được chọn là liên danh Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty CP Đầu tư thương mại Hà Nội, Công ty CP Thương mại xây lắp Trường Lộc. Theo hợp đồng, Tổng công ty 36 đứng đầu liên danh phải góp 67,32/374 tỉ đồng mức dự án yêu cầu.

Trong khi đó, Báo cáo tài chính của Tổng công ty 36 vào thời điểm 31.12.2013, vốn CSH là 285 tỉ đồng, trong khi đơn vị này đã đầu tư vào DA BOT QL 19 là 279 tỉ đồng. “Như vậy, cân đối vốn CSH không còn đủ để đóng góp theo mức hợp đồng” - Kết luận của TTCP nêu rõ.

TTCP cũng cho hay, mặc dù ngày 28.12.2013 Bộ Quốc phòng đã có quyết định bổ sung vốn chủ sở hữu với số tiền là 66,523 tỉ đồng từ nguồn thu chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang mục đích xây dựng nhà ở tại 326 Lê Trọng Tấn (Hà Nội). Tuy nhiên, theo TTCP thì “đây là nguồn vốn Bộ Quốc phòng quyết định để Tổng công ty 36 đầu tư xây dựng trụ sở, không thể huy động để thực hiện dự án BOT”.

Kết quả kiểm tra dự toán của DA cũng cho thấy một số nội dung lập duyệt không đúng, chưa hợp lý. Điển hình như áp dụng giá đất đắp của địa bàn Hà Nội cho việc thực hiện trên địa bàn Hoà Bình; dự toán thành phần cấp phối bê tông nhựa không có căn cứ và không phù hợp với thiết kế cấp phối, tính cự ly điều phối đất tận dụng (500m) không hợp lý với phương án thi công; áp dụng định mức thi công bê tông thân rãnh bằng định mức bê tông tường thẳng, bê tông xà mũ rãnh bằng định mức bê tông xà mũ mố, mũ trụ cầu, sản xuất thép rãnh áp định mức xà, dầm…

“Từ đó, giá trị dự toán đã duyệt chênh lệch tăng hơn 33,73 tỉ đồng (đường Hoà Lạc- Hoà Bình hơn 16,41 tỉđồng và đường Xuân Mai-Hoà Bình hơn 17,32 tỉ đồng”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Ngoài ra, TTCP cũng chỉ rõ, việc ký kết hợp đồng tư vấn giữa doanh nghiệp DA giữa đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban Quản lý DA 2 - Bộ GTVT với giá trị hợp đồng hơn 1,71 tỉ đồng. Dù được phép thực hiện dịch vụ tư vấn, nhưng Ban Quản lý DA 2 được uỷ quyền thực hiện một số công việc của bên A lại hợp đồng với bên B là không khách quan, minh bạch.

Nam Phong
Bài liên quan
Tỷ phú Elon Musk muốn thử nghiệm taxi robot ở Trung Quốc
Tờ China Daily dẫn nguồn tin tiết lộ tỷ phú Elon Musk nhân chuyến thăm Trung Quốc gần đây đã ngỏ ý muốn thử nghiệm công nghệ hỗ trợ lái FSD của Tesla tại nước này bằng cách triển khai taxi robot.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: 'Sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ mới không thua kém thế giới'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng cho biết qua báo cáo và trải nghiệm thực tế, những giải pháp, sản phẩm dịch vụ ngân hàng phát triển dựa trên công nghệ mới không thua kém so với các nước trên thế giới…
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm tại BOT Hoà Bình, Phước Tượng - Phú Gia