Truyền thông quốc tế đưa tin, trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nhà nước Mỹ đến Ả Rập Saudi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được thành công ngoài mong đợi.
Hiệu ứng tích cực từ chuyến công du đầu tiên
Tổng thống Donald Trump đã được Hoàng gia Ả Rập Saudi đón tiếp với một nghi lễ long trọng và thái độ nồng hậu hơn rất nhiều so với việc đón tiếp cựu Tổng thống Obama, cho dù ông Obama luôn đứng về phía Riyadh, trong đó cụ thể nhất là việc phủ quyết đạo luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố, hồi tố trách nhiệm của Ả Rập Saudi trong vụ khủng bố ngày 11.9.2001.
Không những vậy, theo thông tin được Nhà Trắng xác nhận, Mỹ đã ký thỏa thuận về hợp tác kinh tế và quốc phòng với Ả Rập Saudi trị giá lên đến 350 tỉ USD trong hơn 10 năm, trong đó khoản mua bán vũ khí trị giá 110 tỉ USD có hiệu lực ngay lập tức. Đây là kỷ lục trong một chuyến công du một tổng thống Mỹ.
Nhà Trắng đã ca ngợi thỏa thuận giữa Washington và Riyadh là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ về an ninh giữa những đồng minh chiến lược, thể hiện mong muốn của nhà lãnh đạo Mỹ là tạo ra một liên minh hùng mạnh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Chuyến công du với thành công mỹ mãn diễn ra trong bối cảnh quyền lực của Tổng thống Donald Trump đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi người đứng đầu Nhà Trắng cách chức Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI James Comey – người đang điều tra về mối liên hệ giữa “yếu tố Nga” với việc đắc cử của đương kim tổng thống Mỹ.
Không những vậy, tác hại từ “yếu tố Nga” tới quyền lực của Tổng thống Donald Trump lại vừa được cộng hưởng thêm bằng thông tin vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã tiết lộ bí mật quốc gia khi tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng.
Thực tế ảm đạm trên chính trường Mỹ khiến giới phân tích cho rằng người đứng đầu Nhà Trắng công du quốc tế chỉ nhẳm giảm bớt áp lực bao quanh quyền lực của ông ở trong nước Mỹ.
Điều đó khiến cho dư luận nghi ngại về kết quả chuyến công du quốc tế đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, nhất là khi nó lại diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi đang ở mức thấp sau khi Washington hồi tố Riyadh trong vụ 11.9 và Tổng thống Donald Trump còn bị xem là thiếu kinh nghiệm trong ngoại giao nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế kết quả chuyến công du đầu tiên của vị tổng thống doanh nhân đã trái ngược với thực tế quyền lực ảm đạm của ông. Điều đó cho thấy, đời sống chính trị Mỹ dường như đã có sự lệch pha rất lớn với đời sống chính trị thế giới.
Những vấn đề được giới chính trị Mỹ cho là to tát, thậm chí là nghiêm trọng có vẻ đã không được các đối tác, đồng minh của Mỹ xem trọng, bởi nó có thể ảnh hưởng xấu tới lợi ích của các mối quan hệ, trong đó có cả lợi ích Mỹ và lợi ích của đối tác, đồng minh.
Khi lợi ích của của Mỹ và đối tác, đồng minh bị mất đi hay sụt giảm thì đó là cơ hội cho các đối thủ hưởng lợi. Đây là một thực tế nguy hại khiến các đồng minh, đối tác của nước Mỹ đã phải hiệu chỉnh lại đối với Washington và triều đại Donald Trump được cho thời điểm bắt đầu cho xu thế đó.
Đã đến lúc đời sống chính trị Mỹ cần phải đổi thay
Thực tế cho thấy, khi quyền lực của Tổng thống Donald Trump liên tục đối mặt với những tác động tiêu cực từ các nhánh quyền lực khác của nước Mỹ thì cùng lúc mức độ tín nhiệm với vị tổng thống doanh nhân được giới truyền thông công bố sau các cuộc khảo sát luôn lập những “kỷ lục buồn”.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos công bố ngày 19.5, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã dừng ở mức 38%, sau khi có thông tin tổng thống Donald Trump tiết lộ bí mật quốc gia cho Nga và can thiệp vào cuộc điều tra của FBI.
Đặc biệt, ngày 23.4, theo kết quả thăm dò của ABC News/Washington Post, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã ở mức thấp nhất kể từ thời điểm năm 1945, khi các cuộc thăm dò dư luận bắt đầu được tính toán, với chỉ 23%, theo Politico.
Trước đó, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump do Đại học Quinnipiac, tiểu bang Connecticut, tiến hành và công bố hôm 4.4, đã lập kỷ lục đáy đối với một tổng thống Mỹ là 35%, sau gần 3 tháng ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng và thực thi quyền lực của mình.
Tưởng chừng thực tế ảm đạm đó đối với quyền lực của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến niềm tin của những đồng minh, đối tác của Mỹ với người đứng đầu Nhà Trắng sẽ rất khó được xác lập, chứ nói gì đến việc cải thiện hay nâng tầm. Vậy nhưng kết quả trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng tư lệnh nước Mỹ của ông Donald Trump đã hoàn toàn trái ngược.
Còn ở trong nước Mỹ, kết quả thăm dò về mức tín nhiệm đối với việc thực thi quyền lực của Tổng thống Donald Trump luôn cũng tỷ lệ nghịch với niềm tin của giới đầu tư và hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội Mỹ đối với chính quyền Donald Trump.
Kết quả của cuộc khảo sát do Viện Gallup tiến hành từ ngày 24 - 26.3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump bất ngờ giảm sâu, xuống mức thấp kỷ lục khi chỉ đạt 36%, sau khi ông Donald Trump quyết định rút lại dự luật thay thế Obamacare.
Trước đó, ngày 19.2, kết quả khảo sát của Viện Gallup cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Donald Trump sau tháng nắm quyền đầu tiên chỉ đạt 40% - thấp hơn cả kỷ lục của Tổng thống Bill Clinton là 51%.
Thậm chí ngay trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức thì kết quả khảo sát của Viện Gallup công bố ngày 13.1 cho thấy có tới 55% số người được hỏi bày tỏ quan điểm tiêu cực về vị tổng thống doanh nhân. Trong khi tại thời điểm tương tự thì cựu Tổng thống Obama được 78% người ủng hộ, cựu Tổng thống Bush là được 62% và cựu Tổng thống Clinton được 66%.
Tuy nhiên, trái ngược với kết quả khảo sát về tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Donald Trump liên tục giảm kỷ lục, thị trường chứng khoán Mỹ lại tăng điểm mạnh và liên tục lập kỷ lục.
The Telegraph ngày 1.3 cho biết, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội, chứng khoán Mỹ đã lập một kỷ lục mới. Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 300 điểm, lần đầu vượt mốc 21.000 điểm; S&P500 tăng 1,5%, có thời điểm vượt 2.400 điểm trong khi chỉ số Nasdaq cũng vọt tăng 1,4%. Điều đó cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận sự tăng điểm mạnh mẽ của cả 3 chỉ số chính là Dow Jones, S&P500 và Nasdaq.
Trước đó, ngày 22.11.2016, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu đã được xác lập trên thị trường chứng khoán Mỹ khi chỉ số Dow Jones chạm mức kỷ lục 19.023,87 điểm trong lịch sử 131 năm của chỉ số này, còn chỉ số S&P 500 đạt mức 2.202,94 điểm, chỉ số Nasdaq đạt mức 5.386,35 điểm.
Và gần đây nhất, phiên giao dịch ngày ngày 19.5, ngay khi ông Donald Trump xuất ngoại, chỉ số Dow Jones dừng ở mức 20.804,84 điểm, chỉ số S&P 500 ở mức 2.381,73 điểm, chỉ số Nasdaq dừng ở mức 6.083,70 điểm. Nghĩa là luôn đạt ở những con số kỷ lục.
Không những vậy, theo báo cáo mới được tổ chức nghiên cứu Conference Board của Mỹ, chỉ số niềm tin tiêu dùng của quốc gia này trong tháng 3.2017 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 16 năm qua. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3.2017 đã tiến thêm 9,5 điểm lên 125,6 điểm - mức cao nhất tính từ tháng 12.2000.
Như vậy, trái với những xáo trộn trên chính trường Mỹ mà nguyên nhân là do giới chính trị truyền thống Mỹ lập hàng rào bao quanh quyền lực của Tổng thống Donald Trump, hiệu ứng tích cực đối với lợi ích Mỹ đã thể hiện ở cả kinh tế trong nước lẫn kinh tế đối ngoại. Nghĩa là lợi ích Mỹ - cơ sở “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” theo Tổng thống Donald Trump - đã luôn được gia tăng.
Với thực tế đó, giới phân tích cho rằng phải chăng đã đến lúc đời sống chính trị Mỹ cần có những đổi thay căn bản để có thể giảm độ lệch pha với đời sống chính trị thế giới và với chính đời sống kinh tế - xã hội Mỹ?
Ngọc Việt