Từ nhiều năm qua, Sóc Trăng đã hình thành các lễ hội truyền thống như Festival Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo, Lễ hội Nghinh Ông (Trần Đề), Lễ hội cúng Phước biển (Vĩnh Châu)... Các lễ hội này thường được kết hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống của 3 dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa), các trò chơi dân gian sông nước. Tiềm năng du lịch Sóc Trăng còn nhiều, tuy nhiên, thế mạnh du lịch Sóc Trăng chưa được khơi dậy đúng mức.
Du lịch

Thế mạnh du lịch Sóc Trăng chưa được đánh thức

V.K.K - Lương Xuân Cao 10/11/2024 14:33

Từ nhiều năm qua, Sóc Trăng đã hình thành các lễ hội truyền thống như Festival Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo, Lễ hội Nghinh Ông (Trần Đề), Lễ hội cúng Phước biển (Vĩnh Châu)... Các lễ hội này thường được kết hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống của 3 dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa), các trò chơi dân gian sông nước. Tiềm năng du lịch Sóc Trăng còn nhiều, tuy nhiên, thế mạnh du lịch Sóc Trăng chưa được khơi dậy đúng mức.

dlst1.jpg
Đua ghe ngo Sóc Trăng - Ảnh: V.K.K

Năm 2005, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo được tổ chức Guinness trao quyết định và bằng công nhận Sóc Trăng là tỉnh có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam. Đồng thời, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) cũng công nhận lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, vừa giáo dục giới trẻ về lối sống tích cực của người Khmer, và được tổ chức thành festival truyền thống tại ĐBSCL.

Tuy nhiên, hiện sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, ẩm thực, mua sắm trên địa bàn TP.Sóc Trăng còn những điểm chưa hoàn thiện, đặc biệt là các lễ hội chưa được tổ chức gắn với các hoạt động kinh doanh nên doanh thu du lịch thấp; lễ hội còn tổ chức có tính định kỳ hàng năm, chưa nhân rộng thành các sự kiện thường xuyên nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch; chưa khai thác được tiềm năng đa dạng về nghệ thuật truyền thống. Nhiều điểm đến chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng dịch vụ. Chính vì vậy, doanh thu du lịch từ sản phẩm này rất khiêm tốn và nếu so với đầu tư công sức và ngân sách thì mô hình lễ hội này còn nhiều vấn đề cần phát triển và hoàn thiện.

dlst3.jpg
Một điểm du lịch tâm linh ở Sóc Trăng

Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa lớn, đáng kể các chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa Dơi, chùa Kh’Leng, chùa Đất Sét, thiền viện Trúc Lâm. Rất nhiều du khách đến TP.Sóc Trăng để ngắm cảnh và chiêm bái. Các tour du lịch tâm linh còn được kết nối với chùa Chén Kiểu, Phước Lâm cổ tự; chùa Luông Bassac Bãi Xàu, chùa Thiên Hậu Quảng Châu, chùa Thiên Hậu Triều Châu, chùa Ông Bổn, chùa Xén Cón (trên địa bàn H.Mỹ Xuyên), chùa Bốn Mặt (huyện Châu Thành)… Hệ thống chùa chiền thu hút khá đông du lịch đến ngắm cảnh và thể hiện tâm linh. Hạn chế của sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại TP.Sóc Trăng là nhìn chung các điểm đến chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng (bãi giữ xe, nhà vệ sinh, dịch vụ kinh doanh sản phẩm cúng lễ...). Sự kết nối tour tuyến chưa rộng. Chính vì vậy, doanh thu du lịch còn rất khiêm tốn.

Trên địa bàn trung tâm thị xã Ngã Năm có những dòng sông giao nhau. Tại điểm giao, từ gần 100 năm qua đã là nơi tụ tập buôn bán của cư dân ĐBSCL, tạo thành một chợ nổi độc đáo. Đây là một chợ nổi còn giữ lại được nhiều nét văn hóa giao thương sông nước mang truyền thống xưa của người Tây Nam Bộ, với nông sản đặc trưng địa phương. Tuy nhiên, chợ nổi Ngã Năm đang dần bị mai một, nhất là từ sau đại dịch COVID-19, nhiều cư dân thương hồ đã bỏ sông lên bờ. Bên cạnh đó, môi trường chợ nổi đang xuống cấp, chưa kết nối được với các làng nghề và các mô hình sinh thái miệt vườn; dịch vụ chưa phát triển, đặc biệt thiếu cơ sở lưu trú.

dlst2.jpg
Chùa Som Rong, phường 5, TP.Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ở xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách) cách trung tâm TP.Cần Thơ 18km cũng đã bước đầu hình thành mô hình du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác hệ sinh thái sông nước miệt vườn. Du khách đến đây được ngắm cảnh quan thiên nhiên sông nước và cảnh quan nông nghiệp. Tuy nhiên, điểm du lịch này vẫn chưa hoàn thiện mô hình sản phẩm đặc trưng, cần có chính sách và sự hỗ trợ người dân nghiên cứu chọn lọc và phát triển các loại cây trái khác biệt với các địa phương để tạo sự hấp dẫn.

Cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) có tài nguyên sông nước và những khu vườn cây trái bạt ngàn, trái cây đa dạng hương vị đặc trưng, có giá trị ẩm thực (như bưởi Kế Thành, xoài, nhãn có nguồn giống An Lạc Tây; vú sữa tím có nguồn từ Trinh Phú, nhãn tím có nguồn từ Phong Nẫm…); trung tâm là vườn cây trái của các HTX nông nghiệp-du lịch. Bên cạnh du lịch vườn trái còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ (đờn ca tài tử, các điệu múa dân gian, Khmer…); các món ăn đặc sản (như cá ngát, cá bông lau nấu canh chua bần, cá bống sao chiên giòn, cá phèn nướng muối ớt, gỏi gà ác, gỏi bông bần, lịch um rau ngổ, ốc kho xã ớt…).

Trên địa bàn 2 xã Phú Tân và Phú Tâm (huyện Châu Thành) có tài nguyên nhân văn đặc sắc của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, đặc biệt là chùa Bốn Mặt, chùa Chăm Pa, các lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian. Nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm bánh truyền thống (bánh pía Vũng Thơm; bánh quai vạc, bánh ba góc, bánh pate, cốm dẹp), vẽ tranh kiếng, đan lát... và cảnh quan đồng quê, cây trái xanh tốt. Đã có khá nhiều khách du lịch đến đây (chủ yếu là các đoàn khách của tỉnh, các đoàn famtrip).

dlst4.jpg
Chợ nổi Ngã Năm nay đã xuống cấp - Ảnh: Lương Xuân Cao

Đối với sản phẩm du lịch sinh thái, Sóc Trăng có biển Mỏ Ó thuộc xã Trung Bình (huyện Trần Đề) nằm sát biển Đông và cửa sông Mỹ Thanh, có bãi biển hoang sơ dài 12km, không gian thoáng đãng... đã được quy hoạch nhưng triển khai chậm chạp do chưa thu hút được đầu tư.

Trên địa bàn xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung) là cửa sông Hậu, có hệ sinh thái biển, với rừng bần trải dài trên diện tích trên 1.700ha. Đây là một trong những rừng bần lớn nhất ĐBSCL, hệ sinh thái nguyên sinh, với nhiều loại thủy sản đặc trưng, với nhiều động vật hoang dã, đáng kể là khỉ, dơi, cò. An Thạnh Nam có khí hậu ôn hòa, mát mẻ; không khí luôn trong lành, không bị ô nhiễm bởi khói bụi. Nơi đây đã đón nhiều khách du lịch đến tham qua, đặc biệt là tham quan Đảo Khỉ (là điểm nhấn quan trọng của vùng sinh thái với loài khỉ đuôi dài đã cư ngụ từ lâu).

Trên địa bàn xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) có bãi cát mịn chạy dài gần 20km và những cánh rừng ngập mặn với vẻ nguyên sơ, là nơi có của nhiều loại thủy sản. Nơi đây được quy hoạch dự án Khu du lịch Hồ bể là một dự án lớn với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, cũng như khu du lịch Mỏ Ó, dự án này chưa thu hút được đầu tư. Trên địa bàn mới hình thành một vài điểm dịch vụ nhỏ lẻ để đón khách tham quan đi về trong ngày.

dlst5.jpg
Du lịch vườn ở Cù Lao Dung vẫn là hình thức du lịch tự phát từ nhân dân - Ảnh: L.X.C

Địa bàn xã An Thạnh 1 và An Thạnh Tây (Cù Lao Dung) là vùng sông nước miệt vườn đất phù sa màu mỡ, sông rạch chằng chịt, với những vườn cây trái đa dạng, hương vị đặc trưng, có giá trị ẩm thực và kinh tế. Nơi đây đã quảng bá thu hút khách đến tham quan các khu vườn nhãn, bưởi, cam, quýt nối tiếp nhau. Bên cạnh đó, còn có vườn nhãn của HTX Nông nghiệp Thông minh (xã Đại Ân 1) trồng nhãn Ido. Tuy nhiên, nhìn chung mô hình này chưa hoàn thiện và nhiều du khách cũng còn ngại xa xôi, cách trở sông nước.

Nhìn chung, hiện nay tại Sóc Trăng chỉ có khá ít sản phẩm du lịch và điểm đến được biết đếnnhư gồm: Tân Huê Viên, Du lịch văn hóa lễ hội Ooc Om Boc - Đua ghe ngo; du lịch tâm linh tại TP.Sóc Trăng, du lịch văn hóa chợ nổi Ngã Năm. Nhiều sản phẩm chưa được đầu tư bài bản, hiện mới ở dạng manh nha hình thành và có tiềm năng. Nhiều dự án du lịch lớn, được kỳ vọng cao vẫn chưa hoàn thành theo định hướng, khát vọng của tỉnh Sóc Trăng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo xoá nhà tạm, dột nát
3 giờ trước Sự kiện
Sáng 10.11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo) họp Phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và nhiệm vụ thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế mạnh du lịch Sóc Trăng chưa được đánh thức