Giáo hội chính thống giáo Nga và dòng họ Romanov muốn mở lại cuộc điều tra nghi án Sa hoàng Nga cuối cùng bị sát hại.

Thêm câu hỏi về cái chết của Sa hoàng cuối cùng

02/12/2017, 06:56

Giáo hội chính thống giáo Nga và dòng họ Romanov muốn mở lại cuộc điều tra nghi án Sa hoàng Nga cuối cùng bị sát hại.

Nga cử hành lễ tang Sa hoàng Nicolas II cấp nhà nước - Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn TASS, tại một hội thảo hôm 27.11, Giám mục Tikhon Shekunov gợi ý vụ bắn chết Sa hoàng Nicolas II cùng vợ và 5 con về bản chất là một nghi thức hiến tế, có ý nghĩa đặc biệt đối với chỉ huy đội xử bắn Yakov Yurovsky và người của ông ta. Ông lưu ý việc trưởng đội trưởng xử bắn Yurovsky, một người Do Thái, sau khi thi hành xử bắn đã khoe khoang “nhiệm vụ hiến tế mang tầm lịch sử”.

Tuy nhiên, cộng đồng Do Thái toàn Nga bị sốc và phẫn nộ với bình luận của Giám mục Shevkunov. Hãng tin Interfax dẫn lời giáo sĩ Boruch Gorin, người phát ngôn của Liên hiệp các cộng đồng Do Thái giáo Nga: “Cộng đồng Do Thái chúng tôi bị sốc, không chỉ vì tuyên bố này phi lý. Ở các tôn giáo khác có truyền thuyết về nghi thức hiến tế, nhưng ở Nga... điều này trở thành một truyền thuyết bài Do Thái, từ nhiều năm sự tuyên truyền bài Do Thái đã sử dụng nhiều”. Ông còn nói thêm: “Sự phi lý của giả thuyết này là rõ ràng, vì chắc chắn những người vô thần đã thực hiện vụ giết người này.

Nữ đại tá Marina Molodtsova, điều tra viên của Cơ quan điều tra liên bang Nga (IC) cũng nói tại hội thảo: các chuyên gia của IC sẽ vào cuộc, làm rõ lý do cái chết, giới tính và mối quan hệ giữa các tro cốt, cùng thương tích của họ. Nhà điều tra còn nói một cuộc xác minh tâm lý và lịch sử sẽ được thực hiện, để biết có phải đó là một vụ giết người hiến tế hay không.

Bà Molodtsova cho biết năm 2015, từ một chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, IC cũng đã mở lại cuộc điều tra vụ tử hình, dù những người bắn chết Sa hoàng cùng vợ và 5 con của ông đều không còn sống. Bà nói: “Sau đó, hơn 20 nhân chứng đã được thẩm vấn, và vị trí tìm thấy xác đã được kiểm tra kỹ”.

Bà còn nói trong 20 năm qua đã có 34 lần giảo nghiệm pháp y, để xác minh có phải xương cốt của gia đình Sa hoàng Nicolas II đã được tìm thấy hồi năm 1991, trong hai ngôi mộ ở hẻm núi Poroshenko gần thành phố Yekaterinburg.

Xương sọ của Sa hoàng cuối cùng (trái) và của hoàng hậu

Số phận buồn của Hoàng gia Nga

Sa hoàng Nikolai II tên thật là Nikolai Alexandrovich Romanov, sinh ngày 18.5.1868 tại Pushkin (Nga), theo đạo Chính thống. Ông làm vua đến ngày 15.3.1917 thì thoái vị.

Khi xảy ra nội chiến trong lòng nước Nga, biết không thể trụ vững, Sa hoàng Nikolai II cùng hoàng hậu Alexandra và 5 người con cùng đoàn hầu cận đi lánh nạn ở Siberia từ tháng 8.1917.

Đến tháng 5.1918, hoàng gia Nga trở về Moscow, nhưng đoàn xe của họ bị chặn tại thành phố Ekaterinburg. Từ ngày 1.5 đến 17.7, Sa hoàng Nga cùng gia đình và người hầu bị giam lỏng dưới tầng hầm tòa nhà của thương buôn Ipatiev ở Ekaterinburg.

Yurovsky làm chỉ huy trưởng đội bảo vệ nhà Ipatiev, cũng là người thi hành bản án tử hình Sa hoàng, sau khi ông sa thải các binh lính Nga bảo vệ Sa hoàng.

2 giờ 15 sáng 17.7.1918, Yurovsky cùng nhóm chiến hữu xông vào phòng ngủ của hoàng gia, buộc cả nhà xuống tầng hầm, Sa hoàng bế cậu con trai nhỏ trên tay, còn hoàng hậu phẫn nộ khi cả nhà bị bắt đứng lên.

Yurovsky chĩa súng thẳng vào Nikolai II siết cò nhiều phát vào ngực. Sa hoàng chết ngay lập tức. Hoàng hậu Alexandra bị bắn vào đầu, rồi đến lượt thái tử Alexei và các chị…

Các xác chết được chất lên xe tải, rời thành phố Ekaterinburg trong đêm. Lúc 2 giờ 30 sáng, các xác được đưa đến một mỏ sắt bỏ hoang, rồi bị ném xuống một rãnh cạn.

Sáng hôm sau, Yurovsky liền cho người lôi xác dòng họ hoàng tộc Romanov đem đi vùi ở một chỗ khác. Các xác chết lại được đưa lên xe tải đến một cái mỏ khác. Nhưng xe tải bị sa lầy. Nhóm Yurovsky quyết định vùi xuống một cái hố ngay trên con đường Koptyaki, ở đâu đó khoảng 20km ngoài thành phố Yekaterinburg. Khi đào sâu 1m thì đụng phải đá, họ mở rộng hố chứ không đào sâu thêm nữa và ném những cái xác xuống, lấp đất qua loa.

Sa hoàng và thái tử thời đi trốn ở Siberia

Lễ tang cấp nhà nước dành cho Sa hoàng Nga cuối cùng

Ngày 12.4.1989, giới truyền thông Nga đưa tin đã tìm thấy nơi chôn cất hoàng tộc Romanov tại cánh rừng Koptyaki.

Năm 1991, bắt đầu khai quật, người ta phát hiện 9 bộ xương cốt với dây trói, những lọ a xít bị đập vỡ. Sau đó các phân tích ADN của các chuyên gia Nga và Anh đều khẳng định đã tìm thấy hài cốt hoàng tộc Romanov.

9 bộ xương cốt tìm được gồm của Sa hoàng Nikolai II, hoàng hậu và 3 công chúa Olga, Tatyana và Anastasia. Đến năm 1998, các bộ xương cốt này được đưa vào nhà thờ Thánh Peter và Thánh Paul ở St Petersburg. Lễ tang được tổ chức cấp nhà nước. Năm 2000, Giáo hội Chính thống giáo Nga phong thánh cả gia đình Sa hoàng.

Năm 2007, các nhà khảo cổ tuyên bố họ tìm thấy xương cốt của thái tử Alexei (bị bệnh dễ chảy máu) và của công chúa Maria, cách chỗ tìm thấy xương cốt của những người khác khoảng 70km. Alexei khi bị giết mới 13 tuổi, còn Maria 19 tuổi.

Năm 2008, Viện Kiểm sát liên bang Nga chính thức phục hồi thanh danh cho dòng họ Sa hoàng Romanov.

Hồi trung tuần tháng 7.2015, chính phủ Nga có sắc lệnh do Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký, ra lệnh lập một tổ làm việc cấp cao, để xác minh và chôn cất xương cốt được cho là của thái tử Alexei và của công chúa Maria. Qua tháng 9 cùng năm, hai bộ xương cốt này được chôn cùng gia đình.

Vĩnh Thụy (theo International Business Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm câu hỏi về cái chết của Sa hoàng cuối cùng