Liên quan đến việc thí sinh bị trượt viên chức “oan ức”, Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định đã thực hiện đúng quy định của Nghị định 29/2012/NĐ-CP.
Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 10.12, ông Hồ Vĩnh Thanh, Phó phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: "Theo Nghị định 29, điểm tốt nghiệp được tính bằng điểm trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn. Điều này có nghĩa là thi tốt nghiệp có bao nhiêu môn thì căn cứ vào bảng điểm để tính đúng theo quy định".
Thưa ông, các thí sinh hiện đang có đơn thư kiến nghị về cách tính điểm theo công văn số 2973/SNV-ĐTBDTD của Sở Nội vụ là không hợp lý khiến nhiều thí sinh điểm cao lại bị trượt một cách oan ức?
Cần phải nói rõ ràng rằng văn bản ngày 26.11 của Sở Nội vụ là đề nghị hội đồng tuyển dụng các quận, huyện, thị xã căn cứ vào các quy định đã được ban hành trước đó để đảm bảo đúng quy định, thống nhất trên toàn thành phố chứ không phải yêu cầu, thay đổi gì mới. Sở Nội vụ hướng dẫn điểm tốt nghiệp chính là điểm luận văn. Sở làm việc trên cơ sở của Nghị định chứ không thể làm khác được.
Ông Hồ Vĩnh Thanh, Phó phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng Sở Nội vụ Hà Nội
Qua kiểm tra thấy đa phần các địa phương đã thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên tại một số huyện như Thạch Thất, Ứng Hòa, đặc biệt là Ba Vì, hội đồng tuyển dụng đã làm không đúng việc này. Hiện họ phải tính lại. Cái sai ở một hội đồng là coi không tính điểm tốt nghiệp của thí sinh dựa trên trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp, hoặc hiểu điểm bảo vệ khóa luận (đối với sinh viên đại học, cao đẳng) là điểm luận văn (đối với người học thạc sĩ).
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì "Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình công kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1". Nghị định này 29 cũng không phân biệt môn học và môn thi điều kiện hay không điều kiện. Với thí sinh làm khóa luận hoặc đồ án thì được thay thế hai môn học về cơ sở ngành và kiến thức chuyên môn.
Các môn thi điều kiện không hề có học trình, vậy bằng cách nào Hội đồng tuyển dụng tính điểm để cộng điểm cho các thi sinh, thưa ông?
Ở trong Nghị định không có phần nào yêu cầu môn học đó phải có bao nhiêu học trình cả. Chính vì vậy Hội đồng tuyển dụng sẽ lấy điểm thi của môn thi điều kiện để tính điểm. Việc này cũng đã có quy định, trường hợp bảng điểm không rõ ràng, không có căn cứ để xác định được điểm môn học, môn thi hoặc loại hình đào tạo thì thực hiện quy đổi điểm theo Quyết định 3446 của UBND TP ngày 23.7.2015 về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập của thành phố.
Cụ thể, người có bằng tốt nghiệp hạng trung bình hoặc không xếp hạng: ĐHT=ĐTN=50; bằng trung bình khá chỉ số này là 60, khá là 70, giỏi là 80, xuất sắc là 90.
Thi sinh N.T.P.L sẽ bị tụt 21 điểm so với điểm số hiện tại và điều này theo Sở Nội vụ lỗi ở... Hội đồng tuyển dụng huyện Thạch Thất
Có khi nào Hội đồng tuyển dụng ở các huyện tính sai điểm cho các thi sính ngay đầu tiên, cụ thể hơn là một số thí sinh đã được báo điểm về nhà như Thạch Thất, Quốc Oai?
Hội đồng tuyển dụng nào sai thì Hội đồng đó phải chịu trách nhiệm với thi sính về việc thông báo điểm của mình. Cụ thể ở từng huyện sẽ phải có đơn thư lại với thí sinh về việc báo nhầm điểm của mình.
Có thí sinh cho biết họ đã gửi thư kiến nghị lên Hội đồng để trở về trường xác nhận các môn xét tốt nghiệp từ đạt hoặc chưa có điểm các môn này sang điểm số, thưa ông?
Thông báo tuyển dụng, thời gian và kế hoạch cho thí sinh nộp bảng điểm, tính điểm và công bố đã được lên kế hoạch từ trước. Thí sinh cũng đã biết vì thông tin công khai, nói thí sinh không biết là cũng không đúng. Còn việc gia hạn cho thí sinh về trường để xác nhận lại thuộc thẩm quyền của từng Hội đồng tuyển dụng chứ không phải thuộc thẩm quyền của Sở Nội vụ.
Việc thí sinh băn khoăn và kiến nghị về cách tính điểm của Sở Nội vụ mấy năm nay đều diễn ra. Vậy Sở Nội vụ có ý kiến lên cấp trên để thay đổi cho phù hợp với thực tiễn hay không vì có những thí sinh có điểm số cao nhưng họ lại bị trượt viên chức rất oan ức?
Tuyển dụng với số lượng rất lớn, như năm nay là 20.500 hồ sơ và mấy chục hội đồng nên điều này là khó tránh khỏi. Hơn nữa, tại các trường hiện cũng không thống nhất trong việc ghi điểm các môn học cho sinh viên. Chúng tôi chỉ làm việc dựa trên bảng điểm các em nộp. Em nào mất hoặc ghi không rõ ràng thì tính theo bằng tốt nghiệp loại gì, không tính trên điểm trung bình chung các trường đã tính cho sinh viên được.
Thí sinh N.T.P.L trao đổi với phóng viên
Chúng tôi hàng năm cũng nhận được các đơn thư kiến nghị của các thí sinh. Năm 2013, khi có thắc mắc của thí sinh về cách tính điểm tốt nghiệp, Sở Nội vụ cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ thay đổi việc tính điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển nhưng không được chấp thuận. Hiện nay các bảng điểm của thí sinh đều được cơ sở đào tạo tính điểm trung bình trong học tập theo công thức tính quy định của Bộ GD-ĐT, Sở thấy việc tính theo công thức này sẽ hợp lý hơn.
Thậm chí, Thành phố cũng đã có ý kiến lên trên nhưng bị trả về vì lý do vượt thẩm quyền.
Cảm ơn ông vì những chia sẻ!
Liên lạc với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, ông cho hay, Bộ đã nhận được đơn kiến nghị của một số thí sinh tham dự kỳ thi tuyển dụng của thành phố. Các đơn kiến nghị của các thí sinh đã được chuyển đến Vụ Công chức – Viên chức xem xét giải quyết. Hiện tại, Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu để thời gian tới sửa đổi, bổ sung Nghị định 29 nhằm tránh những bất cập trong việc xét tuyển và thi tuyển viên chức.
Minh Khuê