Theo văn bản hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành chiều nay 25.4, mỗi thí sinh được phép đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) trong một trường và có giá trị xét tuyển như nhau.

Thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng trong một trường

Một Thế Giới | 29/04/2015, 05:53

Theo văn bản hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành chiều nay 25.4, mỗi thí sinh được phép đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) trong một trường và có giá trị xét tuyển như nhau.

5 đợt xét tuyển

Theo hướng dẫn này, mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký sử dụng kết quả này để xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ có cơ hội tham gia nhiều nhất tới 5 đợt xét tuyển. Đợt đầu tiên là đợt các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1, từ 1.8 tới 20.8 (ngày 25.8 là ngày các trường công bố điểm trúng tuyển). Từ 25.8 trở đi là quãng thời gian các trường xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Có bốn đợt xét tuyển bổ sung. Đợt bổ sung I từ 25.8 đến hết ngày 15.9 (ngày 20.9 là thời điểm cuối cùng các trường phải công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung đợt I). Đợt bổ sung II: từ 20.9 đến hết 5.10. Đợt bổ sung III: từ 10.10 đến hết 25.10. Đợt bổ sung IV: Từ 31.10 đến hết 15.11.

Một phiếu đăng ký xét tuyển tối đa 4 nguyện vọng

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký vào một trường ĐH hoặc CĐ, nhưng mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Tuy nhiên, các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các đợt tiếp theo. Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.

Tuy nhiên, trong phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng, dù mẫu phiếu in đủ 4 nguyện vọng để thí sinh điền vào nhưng không nhất thiết thí sinh phải đăng ký đủ cả bốn. Những nguyện vọng không đăng ký phải gạch chéo để khẳng định. Trong phiếu này, thí sinh phải ghi rõ đợt xét tuyển nguyện vọng I hay đợt xét tuyển bổ sung I, II, III, IV.

Trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Cũng như trong khâu xét tuyển nguyện vọng I, trong các đợt nguyện vọng bổ sung, bốn nguyện vọng ghi trong phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh có giá trị như nhau, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau, thí sinh đã trúng tuyển ở các đợt bổ sung trước không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các đợt tiếp theo. Tuy nhiên không giống như khi xét tuyển nguyện vọng 1, trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh mới được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.

Điểm liệt là điểm 1

Thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia  để xét tuyển không chỉ cần có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh như quy chế quy định mà phải đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ. Tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống. Ngoài ra thí sinh phải đáp ứng các yêu cầu khác về điều kiện xét tuyển do trường quy định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ và phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường. Dù hồ sơ nộp qua kênh nào, miễn là trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển thì đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau. Để tạo điều kiện cho người tham gia đăng ký xét tuyển, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến.

Phải quy về thang điểm 10 khi tính điểm ưu tiên

Thí sinh muốn được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh thì phải có đủ bằng chứng để được hưởng, chẳng hạn như bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên. Với thí sinh thuộc đối tượng người có công với cách mạng hoặc con của người có công với cách mạng, giấy chứng nhận để hưởng ưu tiên là bản sao hợp lệ Quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với người có công của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp chưa kịp làm thủ tục để được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp theo quy định, cần phải cung cấp đầy đủ hồ sơ được hưởng chế độ ưu đãi.

Các trường khi xác định mức điểm ưu tiên thì phải căn cứ vào quy chế, và được tính theo thang điểm 10/môn và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30. Các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30 (ví dụ trường hợp nhân hệ số môn thi chính), phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10, sau đó tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng.

Quý Hiên (theo Thanh Niên)


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng trong một trường