Thị trường bất động sản mặc dù đang trên đà phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc. Thị trường đã có sự tăng trưởng đáng kể nhưng lại chưa tạo được cơ chế để xử lý các dự án bất động sản còn dở dang, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu, lãi suất cho vay vẫn còn chưa hợp lý.

Thị trường bất động sản phục hồi nhanh nhưng chưa vững chắc

Một Thế Giới | 02/12/2015, 12:15

Thị trường bất động sản mặc dù đang trên đà phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc. Thị trường đã có sự tăng trưởng đáng kể nhưng lại chưa tạo được cơ chế để xử lý các dự án bất động sản còn dở dang, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu, lãi suất cho vay vẫn còn chưa hợp lý.

Tăng trưởng nhanh
Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) thời gian gần đây có sự tăng trưởng đáng kể. Theo đó, năm 2012, con số tăng trưởng là 14%, năm 2013 là 14,7% và năm 2014 đạt 15,2%.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng đạt 14,59%. Trong khi đó, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh (BĐS) chỉ chiếm tỷ trọng 8,05% tổng dư nợ tín dụng. So với cùng kỳ năm 2014 thì mức tăng này không đáng kể (9 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng 11,85%, tỷ trọng 7,86%).
Đáng chú ý, mặc dù tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của ngành, tuy nhiên dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh lại chỉ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở của người dân. Đơn cử, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS tập trung lớn vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị (60%) và chỉ chiếm tỷ trọng 8,05% trong tổng dư nợ toàn hệ thống
Trong khi đó, tín dụng BĐS có dấu hiệu phục hồi. Từ năm 2013 đến nay, con số này đã tăng bình quân 11,7%/năm. Riêng tại thị trường TP.HCM, tính đến tháng 10.2015, tín dụng BĐS chiếm 12,3%.
Nợ xấu BĐS cũng giảm nhanh trong những năm qua. Năm 2014, số nợ xấu trong BĐS chiếm 6% thì nay con số này chỉ còn 2,4% trong tổng dư nợ.
Không những vậy, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN tại TP.HCM cho biết ngoài FDI, kiều hối thì hiện nay nhiều dòng vốn đang ưu tiên đổ vào BĐS. Cụ thể, nhiều ngân hàng đã đưa ra rất nhiều cơ chế, gói hỗ trợ cho thị trường này.
Bên cạnh đó, các dòng vốn ngoại thời gian gần đây cũng đang tìm đường đổ vào BĐS. Đơn cử, cuối tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản tại TP.HCM. Đầu tháng 7, Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân cũng đã ký kết hợp tác đầu tư với Quỹ đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) của Mỹ. Hay việc Gamuda Land (Malaysia) bỏ 1.400 tỉ đồng mua lại vốn góp của Sacomreal và Công ty cổ phần Đầu tư Thành Công tại dự án Celadon City…
Chưa thực sự vững chắc
Mặc dù BĐS đã dần quay trở lại với những “gam màu sáng”, tuy nhiên Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng thị trường vẫn còn những mặt hạn chế. Cụ thể, thành phố chưa tạo được cơ chế để xử lý các dự án BĐS còn dở dang, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu, lãi suất cho vay vẫn còn chưa hợp lý.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường BĐS mặc dù đang trên đà phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc. Thị trường đang có sự tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc BĐS cao cấp, trong lúc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.
Trong khi đó, quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường. Chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố.
“Thành phố hiện có 1.219 dự án, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, 189 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18%. Nhiều dự án BĐS không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được. Do đó, rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội”, ông Châu nói.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
10 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường bất động sản phục hồi nhanh nhưng chưa vững chắc