Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những sai phạm như các vụ Ngân hàng SCB - Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, tuy nhiên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa thật sự hồi phục, niềm tin nhà đầu tư vẫn còn suy giảm.
Sóng gió chưa hết trên thị trường TPDN
Kênh TPDN những năm qua đã nổi lên như một giải pháp huy động vốn tiềm năng, tổng trị giá phát hành đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, liên tiếp nhiều vi phạm trên thị trường TPDN bị xử lý khiến cho niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm, khối lượng phát hành trái phiếu cũng sụt giảm.
Tại hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ông Hoàng Văn Thu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết trong 7 tháng đầu năm có 183 đợt phát hành thành công, tổng trị giá huy động 174.000 tỉ đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2023.
Đối với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, trong 7 tháng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã cấp phép và phát hành trị giá gần 30.000 tỉ đồng (chưa bao gồm số liệu trái phiếu của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ).
Ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (UBCKNN) cho biết trị giá trái phiếu doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 1,15 triệu tỉ đồng, tương đương gần 12% GDP.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng một số doanh nghiệp phát hành TPDN có tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin tài chính. Điều này dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Ngoài ra, ông Hòa cũng cho rằng tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân nắm giữ TPDN vẫn còn ở mức cao, nhà đầu tư tổ chức còn chưa đa dạng, đặc biệt là sự hiện diện của các quỹ đầu tư; việc cung cấp dịch vụ vẫn có hiện tượng lách quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không cung cấp đầy đủ thông tin về TPDN, mời chào nhà đầu tư chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua TPDN...
Theo ông Hòa, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý, giám sát trên thị trường, xử lý nghiêm minh những sai phạm như vụ việc Ngân hàng SCB - Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tuy nhiên thị trường vẫn chưa thật sự hồi phục, thanh khoản chưa cải thiện nhiều, niềm tin nhà đầu tư vẫn còn suy giảm; thị trường cũng thiếu các tổ chức trung gian, độc lập đủ uy tín tham gia vào quá trình xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, định giá TPDN…
PGS-TS Trần Việt Dũng đánh giá việc phần lớn các đợt phát hành mới trong tháng 6 và trong 6 tháng đầu năm đến chủ yếu từ nhóm ngành ngân hàng cũng phản ánh hoạt động phát hành trên thị trường TPDN vẫn còn nhiều khó khăn khi lượng phát hành từ những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất hay hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần như không có.
Trên thị trường thứ cấp, phần lớn giá trị giao dịch thuộc về các trái phiếu của nhóm ngân hàng. Trong Top 10 tổ chức phát hành có trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong quý 2, nhóm ngân hàng góp 6 đại diện.
Cần giải pháp phát triển bền vững thị trường TPDN
Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm, đã có 41 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỉ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy thị trường trái phiếu ấm dần.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, bình quân trong vòng 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải có khoảng 370 nghìn tỉ đồng TPDN phát hành mới. Đây là điều khá thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển của thị trường.
Nêu giải pháp phát triển thị trường TPDN hướng tới chuyên nghiệp, bền vững, ông Tô Trần Hòa đề nghị tập trung thúc đẩy việc chào bán TPDN ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu cho mục tiêu thực hiện dự án nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng…
Tiếp theo, cần khuyến khích việc phát hành trái phiếu xanh nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
“Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường TPDN, tiến tới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, hình thành thói quen và thông lệ sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư TPDN”, ông Hòa nêu và đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán, cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành của các công ty chứng khoán.
Ông Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ KH-ĐT) cho rằng cần phát triển đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp; các quỹ đầu tư vô cùng quan trọng như quỹ đầu tư, quỹ hưu trí…
Ngoài ra, nhà đầu tư TPDN nâng cao nhận thức về quy định phát hành TPDN, mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân cùng các rủi ro cũng như sức khỏe doanh nghiệp khi đầu tư TPDN.
Theo ông Ngân, để phát triển thị trường TPDN riêng lẻ ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, Nhà nước cần có các giải pháp cần thiết bảo đảm để thu hút nguồn vốn từ nền kinh tế, từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về phía doanh nghiệp phát hành, cần phải tuyệt đối tuân thủ theo các quy định pháp luật, các hướng dẫn quy trình chi tiết cụ thể của quá trình phát hành TPDN, nâng cao tính kỷ luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ phát hành..