Theo BBC, các chuyên gia ở Đại học Ohio (Mỹ) tin rằng nhờ kích thích vùng thùy trán của não mà các bệnh nhân bị chứng sa sút trí tuệ sẽ có thể duy trì hoạt động tự chủ của họ lâu hơn.
Theo BBC, thiết bị được cấy vào não với việc gây mê và kết nối với một máy phát xung được cố định dưới da ở khu vực lồng ngực. Kết quả là không giống như nhiều bệnh nhân mắc bệnh alzheimer, cụ LaVonne Moore 85 tuổi có thể tự mình nấu ăn, mặc quần áo và tổ chức các chuyến đi du lịch. Tất cả là nhờ một thiết bị điện được cấy vào não có tác dụng kích thích các khu vực não chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề và đưa ra các quyết định. Trước đó, thiết bị kích thích não vốn đã giúp hàng trăm ngàn người bị bệnh parkinson, nhưng các nhà khoa học chưa thật rõ nó có hiệu quả như thế nào đối với bệnh alzheimer .
Theo tờ Journal of Alzheimer's Disease, ngoài bệnh nhân LaVonne Moore đã thu được kết quả rõ rệt nhờ thiết bị kích thích não, 2 bệnh nhân khác cũng đã được điều trị tương tự, nhưng chỉ một trong số họ đã có lợi ích đáng kể. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng điều trị như vậy có thể chống lại bệnh sa sút trí tuệ ngày càng gia tăng. Những công trình nghiên cứu mới sẽ cung cấp thêm thông tin về việc sử dụng kích thích điện trong điều trị bệnh alzheimer.
Chuyên gia về phẫu thuật thần kinh, Giáo sư Andres Lozano, người đã tiến hành các thử nghiệm của riêng mình trên bệnh nhân alzheimer ở Canada, nói rằng hiện rất cần một cách điều trị mới cho bệnh alzheimer. Còn tiến sĩ Carol Routledge thuộc Viện Nghiên cứu bệnh alzheimer ở Anh, cho rằng cần nghiên cứu thêm về phương pháp kích thích điện đối với não để khẳng định hiệu quả.
Vũ Trung Hương