Kết quả kiểm toán công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở y tế cho thấy những số liệu giật mình về tình trạng thiết bị tồn kho gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng

Thiết bị tiền tỉ: Nhận về... đắp chiếu

Theo NLĐ | 26/05/2017, 07:07

Kết quả kiểm toán công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở y tế cho thấy những số liệu giật mình về tình trạng thiết bị tồn kho gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, vật tư thiết bị y tế cùng một loại, cùng nhà cung cấp nhưng giá chênh nhau đến 3-7 lần.

Lò nung, tủ hút dùng... đựng tài liệu

Kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế cho thấy giá nhiều vật tư cùng loại ở nhiều cơ sở đang có sự chênh lệch "khủng".

Đơn cử, 1 bộ kim cánh bướm ở Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) là 1.090 đồng trong khi ở BV Chợ Rẫy (TP. HCM) là 7.350 đồng. Một dây truyền huyết thanh ở BV Bạch Mai (Hà Nội) 3.675 đồng còn ở BV Việt Đức lại là 18.000 đồng…

Về hóa chất, có loại chênh lệch gấp 5,8 lần. Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng: 1 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương giá 16.718.000 đồng nhưng BV Thống Nhất (TP.HCM) 2.874.375 đồng; 1 hộp Cleaning Solution, giá ở BV Chợ Rẫy 1.597.000 đồng nhưng BV Việt Đức 5.067.000 đồng; 1 thùng Diff Timepac, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 42.607.000 đồng trong khi BV Chợ Rẫy là 14.163.950 đồng...

Kết quả kiểm toán tại một số đơn vị cũng cho thấy có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã hỏng, không sử dụng được. Đơn cử, BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên có máy theo dõi trẻ em S510 Colin, máy đo độ tập trung tuyến giáp, máy X-quang tăng sáng Siemens, máy theo dõi nhi khoa; BV Răng hàm mặt Trung ương có nồi hấp tiệt trùng; BV Nhiệt đới Trung ương có hệ thống tagMan PCR-Roche, hệ thống máy chụp XQ cao tần, hệ thống XQ kỹ thuật số Konica...

Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố, cơ quan kiểm toán nhận định 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỉ đồng; nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Chẳng hạn, tại TP Hải Phòng, Trung tâm Y tế dự phòng có 2 thiết bị (lò nung, tủ hút an toàn hóa học) được dự án ADB thuộc Cục Y tế dự phòng cấp năm 2011, đến thời điểm kiểm toán vẫn để trong phòng làm việc, sử dụng làm... tủ đựng tài liệu. Tại Cần Thơ, BV Đa khoa quận Thốt Nốt có 1 máy phân tích huyết học tự động Model MS9-3s (bàn giao tháng 12-2014), BV Cần Thơ có 1 máy X-Quang đo loãng xương (từ nguồn dự án ODA, bàn giao năm 2009) đều đã lỗi, hỏng từ khi đưa vào sử dụng, hiện tồn kho. Tỉnh Bình Dương có 34 thiết bị của Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát, Thuận An được cấp từ những năm 2010 mới 100% nhưng chưa được sử dụng do không phù hợp hoặc không có nhu cầu. Tại Đắk Nông, nhiều thiết bị y tế trị giá cả tỉ đồng vẫn phải đắp chiếu trong kho từ khi bàn giao cho Sở Y tế...

"Cắm đầu đi mua"

Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 25.5, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) cho rằng đáng ngại nhất trong vấn đề mua sắm thiết bị y tế hiện nay là mua để lạm dụng. Thực tế, đang có sự lạm dụng thiết bị y tế trong khám chữa bệnh rồi đẩy cho quỹ BHYT "gánh" nên ai nấy cũng cắm đầu đi mua.

"Ở TP.HCM đã có trường hợp khi khui ra thì vỏ châu Âu nhưng ruột Trung Quốc, bác sĩ không thẩm định được. Sản phẩm mua về đắp chiếu là chuyện mua bằng tiền ngân sách. Họ cứ nghĩ là mua sẽ dùng, sẽ có lợi nhưng người sử dụng chưa chuẩn bị, lượng bệnh nhân chưa tính toán… nên rất khó quản lý, nhất là với những BV năng lực còn hạn chế" - bà Lan dẫn chứng.

Bày tỏ quan điểm đối với báo cáo kiểm toán về thiết bị y tế, bà Lan cho rằng chưa thấy sự thống nhất ý kiến. "Có những mặt hàng kiểm toán kết luận có sự chênh lệch quá lớn giữa các BV. Có sản phẩm chênh tới 6-7 lần nhưng đơn vị cũng có giải trình, cho rằng kiểm toán so sánh như vậy chưa thỏa đáng. Kiểm toán làm sao để khi có kết luận, người ta tâm phục khẩu phục để làm tốt hơn. Còn nếu cứ kết luận mà đơn vị cho rằng không thỏa đáng, không đúng, người ta ấm ức thì cũng chưa trọn vẹn"- bà nhìn nhận.

Bà Lan cho rằng khi kết quả kiểm toán công bố, dư luận nhìn thấy những mức giá chênh lệch như vậy, họ sẽhướng đến nghi ngờ có tiêu cực vì đây là thực hiện theo cơ chế thị trường mà không loại trừ sự bắt tay nên dẫn đến chênh lệch giá, trong khi chênh lệch ấy cũng có thể do nguyên nhân khách quan, không thể kết luận, áp đặt.

Ngay sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán năm 2015, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế, đã có văn bản gửi các sở y tế và đơn vị sử dụng thiết bị. Ông Tuấn yêu cầu các sở y tế và BV giải trình, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là các trường hợp mà Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, đánh giá thực trạng tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế và khai thác sử dụng, báo cáo về Bộ Y tế.

Ông Tuấn cho rằng việc chênh lệch giá vật tư y tế có hai khả năng: dự toán của cơ sở và đấu thầu. Việc chênh giá vật tư y tế nhiều giữa các BV phải xem cụ thể để biết được chính xác sự việc như thế nào. Trong quá trình rà soát lại, nếu phát hiện sai thực sự là lỗi thì Bộ Y tế sẽ xử lý theo quy định và đơn vị nào liên quan phải giải trình cụ thể, chấn chỉnh từng bước.

So sánh không khớp chủng loại?

Phản hồi kết quả kiểm toán, lãnh đạo nhiều BV cho rằng do kiểm toán so sánh không khớp chủng loại mặt hàng dẫn đến giá nhiều vật tư, hóa chất có sự chênh lệch lớn.

Theo ông Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, giá dây truyền huyết thanh ở BV này gấp 5 lần BV Bạch Mai bởi đây là dây truyền dịch chất lượng chuyên dùng trong ghép tạng, được BV đặt riêng cho nhóm bệnh nhân đòi hỏi yêu cầu khắt khe về độ vô khuẩn. Số lượng này chỉ có 11.000 bộ/năm trong khi với dây truyền sử dụng phổ biến với số lượng kế hoạch lên tới gần 680.000 bộ/năm chỉ có giá hơn 2.800 đồng/bộ. "Ngay cả với hóa chất sử dụng trong xét nghiệm thì với mỗi dòng máy và mục đích sử dụng khác nhau thì sản phẩm với quy cách đóng gói khácnhau có giá khác nhau" - ông Giang dẫn chứng.

Giải thích về sự chênh lệch giá nêu trên, GS- TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, cũng cho biết các hộp hóa chất này có quy cách đóng gói khác nhau, hàm lượng khác nhau nên việc so sánh giá không thể hiện được đúng bản chất. "Ở BV Chợ Rẫy, đơn vị tính là hộp, có thể tích tương đương 4.150 ml, tính ra đơn giá là 3.373 đồng/ml. Còn ở viện này, đơn vị tính là Kit, có thể tích là 9.075ml và tính ra đơn giá là 4.695 đồng/ml…" - GS Trí giải thích.

Theo Người lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiết bị tiền tỉ: Nhận về... đắp chiếu