Bài xã luận trên Hoàn cầu nói rằng Trung Quốc "phải gia tăng các hành động trong vùng biển một cách phù hợp để trấn áp sự kiêu ngạo của Mỹ và chỉ rõ cho Mỹ rằng Trung Quốc không sợ một cuộc chiến tranh".

Thông điệp của Trung Quốc gửi tới Mỹ sau vụ phóng 4 tên lửa: Ai mới là kẻ kiêu ngạo?

29/08/2020, 12:25

Bài xã luận trên Hoàn cầu nói rằng Trung Quốc "phải gia tăng các hành động trong vùng biển một cách phù hợp để trấn áp sự kiêu ngạo của Mỹ và chỉ rõ cho Mỹ rằng Trung Quốc không sợ một cuộc chiến tranh".

Tên lửa Đông phong của Trung Quốc - Ảnh: Internet

Trung Quốc đã rầm rộ thực hiện tập trận trên biển trong tuần qua và động thái đáng lo ngại nhất là Bắc Kinh đã phóng tên lửa đạn đạo vào Biển Đông. Vụ phóng tên lửa sẽ càng làm quan hệ Mỹ - Trung vốn căng thẳng lại càng căng thẳng.

Một quan chức quốc phòng Mỹ phát biểu với CNN rằng quân đội Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa tầm trung từ Trung Quốc đại lục vào hôm 26.8. Các tên lửa đã rơi xuống vùng phía bắc của Biển Đông giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam)

Trong một tuyên bố hôm 27.8, Lầu Năm Góc mô tả cuộc tập trận là động thái mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm "khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp" gây bất lợi cho các nước láng giềng. Trước đó một hôm, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục công ty Trung Quốc vì đã giúp Bắc Kinh phát triển và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Không xác nhận cũng không phủ nhận

Thượng tá Ngô Khiêm, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm thứ 27.8 cho biết Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận trên không và trên biển suốt từ Thanh Đảo ở đông bắc Trung Quốc tới khu vực Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) nhưng hoàn toàn không đề cập đến tên lửa. Theo Ngô, các cuộc tập trận "không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào".

Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa xác nhận các vụ phóng tên lửa, nhưng truyền thông chính thống củaTrung Quốc đã đề cập chi tiết về các vụ phóng. Theo đó, loại tên lửa liên quan là DF-21D và DF-26, cả hai đều được Trung Quốc tung hô là có độ chính xác cao và có thể bắn trúng các tàu đang di chuyển trên biển.

Tờ Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) hôm 27.8 dẫn lời các nhà quan sát quân sự cho biết: "DF-26 và DF-21D của Trung Quốc là những tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới có khả năng nhắm mục tiêu vào các tàu cỡ lớn và cỡ trung bình, mang lại cho chúng danh hiệu sát thủ hàng không mẫu hạm .

Một bài xã luận khác trên Hoàn cầu không thừa nhận những suy đoán xung quanh vụ phóng tên lửa DF-21D và DF-26, chỉ nói rằng "phía Trung Quốc không xác nhận cũng không phủ nhận". Nhưng bài xã luận nói thêm rằng Trung Quốc "phải gia tăng các hành động trong vùng biển một cách phù hợp để trấn áp sự kiêu ngạo của Mỹ và chỉ rõ cho Mỹ rằng Trung Quốc không sợ một cuộc chiến tranh".

Là nơi có các tuyến đường vận chuyển quốc tế quan trọng, Biển Đông được nhiều người coi là điểm nóng tiềm tàng cho một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các vụ phóng tên lửa hôm 26.8 diễn ra chỉ một tháng sau khi hai nhóm tàu với soái hạm là tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan, tiến hành các cuộc tập trận hợp đồng tác chiến ở Biển Đông lần đầu tiên sau sáu năm.

Mỹ đã tăng cường hoạt động hải quân ở Biển Đông trong những tháng gần đây, thực hiện các cuộc tuần tra thường xuyên, được gọi là hoạt động tự do hàng hải. Hôm 27.8, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ đã tiến sát Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Trong cuộc họp báo hôm 27.8, Phó đô đốc Scott Conn, Tư lệnh Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, đã nói về sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực và khả năng ứng phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tư lện Conn khẳng định: "Về việc phóng tên lửa đạn đạo, Hải quân Mỹ có 38 tàu đang hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm cả Biển Đông. Chúng tôi tiếp tục hoạt động trên biển, trên không và ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép để thể hiện cam kết của chúng tôi đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi".

Mức độ tinh vi cao

Các cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm mục đích gửi một thông điệp tới các đối thủ nhưng cũng mang lại cơ hội hiếm có để các nhà quan sát đánh giá khả năng trình độ quân sự của nước này.

Theo Carl Schuster, một đại úy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, các vụ thử tên lửa hôm 26.8 cho thấy mức độ tinh vi cao. Vụ phóng này có sự tham gia của hai nhánh quân sự riêng biệt, Hải quân Trung Quốc (PLAN) và Lực lượng Tên lửa Chiến lược (SRF).

Ông nói: “Vụ phóng tên lửa này cho thấy Trung Quốc đã hoặc đang tiến rất gần đến việc thiết lập quy trình cho các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo chống hạm. Điều đó lặp lại những bình luận được truyền thông nhà nước Trung Quốc rùm beng rằng Bắc Kinh đã phát triển cái mà họ gọi là một "hệ thống hoàn chỉnh". Hệ thống này sử dụng máy bay, vệ tinh và tàu trên biển để theo dõi chuyển động của tàu đối phương và chuyển tiếp thông tin tới tên lửa để họ có thể điều chỉnh quỹ đạo trong quá trình tấn công tới mục tiêu.

Schuster cũng lưu ý rằng các tên lửa đã được bắn vào khu vực có khả năng tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động và điều đó cho thấy mức độ tin cậy cao về độ chính xác của tên lửa.

Dự kiến ​​sẽ có nhiều động thái hơn trong những ngày tới. Bắc Kinh thông báo các cuộc tập trận mới sẽ bắt đầu ở Hoàng Hải vào hôm nay và kéo dài đến thứ năm tuần sau.

Trước đó, đã có ít ​​nhất bốn cuộc tập trận tiến hành từ hôm 25.8. Thời điểm đó, Bắc Kinh cho biết một máy bay do thám U-2 của Mỹ đã xâm phạm cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này.

Bộ quốc phòng Trung Quốc tỏ ra tức giận khi máy bay Mỹ xuất hiện. Phát ngôn viên Ngô Khiêm tuyên bố: "Vụ xâm phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động tập trận và huấn luyện bình thường của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các quy tắc ứng xử vì an toàn hàng không và hàng hải giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như các thông lệ quốc tế liên quan”.

Một tuyên bố từ Không lực Thái Bình Dương của Mỹ gửi CNN xác nhận có một chuyến bay của U-2 - nhưng khẳng định rằng nó không vi phạm bất kỳ quy tắc nào. "Cuộc xuất kích của U-2 được tiến hành trong khu vực hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trong khuôn khổ các quy tắc và quy định được quốc tế chấp thuận. Lực lượng Không quân Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, tùy thuộc thời điểm và tần suất mà chúng tôi lựa chọn".

Anh Tú (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông điệp của Trung Quốc gửi tới Mỹ sau vụ phóng 4 tên lửa: Ai mới là kẻ kiêu ngạo?