Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 5 định hướng lớn và 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với tinh thần phải "yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình" để "thổi hồn vào cây lúa", thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo, tạo cuộc cách mạng cho cây lúa, cho ngành hàng lúa gạo và cho phát triển vùng ĐBSCL.
Sự kiện

Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo 'cuộc cách mạng cho cây lúa'

Theo VGP 21:34 15/10/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 5 định hướng lớn và 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với tinh thần phải "yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình" để "thổi hồn vào cây lúa", thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo, tạo cuộc cách mạng cho cây lúa, cho ngành hàng lúa gạo và cho phát triển vùng ĐBSCL.

Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo 'cuộc cách mạng cho cây lúa'- Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu phải thổi hồn vào cây lúa, thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP

Chiều 15.10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Cùng dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà khoa học.

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023, đây cũng là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu hecta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.

Đạt kết quả thí điểm rất tích cực

Theo các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện Đề án và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận sau một năm triển khai.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để tạo khung khổ pháp lý và huy động nguồn lực thực hiện Đề án.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP, quy định về vùng quy hoạch, chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

Chính phủ cũng chỉ đạo sửa Luật Đầu tư công, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10.2024, trong đó đơn giản hóa thủ tục về xây dựng, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư công, các dự án ODA…

Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo 'cuộc cách mạng cho cây lúa'- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Cùng với đó, chỉ đạo Bộ KH-ĐT sửa đổi, bổ sung Nghị định về chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; giao Bộ NN-PTNT sửa đổi, bổ sung Nghị định về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; xây dựng Nghị định về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Các nghị định này đang ở bước hoàn thiện cuối cùng và sẽ được ban hành ngay trong những tháng tới.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Đề án thành lập, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 18.7.2023 đồng ý huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).

Thủ tướng cũng giao Bộ NN-PTNT làm việc với WB và các đối tác phát triển để nghiên cứu, xây dựng thêm các dự án ODA nhằm bổ sung nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Về phần mình, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương tích cực xây dựng và triển khai các hoạt động, trong đó xây dựng vùng tham gia Đề án và tổ chức triển khai các mô hình thí điểm trên địa bàn vùng ĐBSCL; tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới để xây dựng dự án nhằm huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật cho việc triển khai Đề án.

Bộ NN-PTNT cho biết hiện 7 mô hình thí điểm được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Có 4/7 mô hình thí điểm vụ hè - thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo 'cuộc cách mạng cho cây lúa'- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Cụ thể, giảm chi phí 20 - 30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2 - 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30 - 40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3 - 6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7 - 6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20 - 25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 3 - 5 tấn CO2 tương đương trên một hecta và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200 - 300 đồng/kg thóc.

Các đại biểu đánh giá, việc phê duyệt và triển khai Đề án đã góp phần khẳng định: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, đã chủ động, tích cực triển khai các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Đây là Đề án đầu tiên trên thế giới về canh tác lúa năng suất cao, phát thải thấp trên quy mô lớn, do đó có nhiều nội dung mới, chưa có tiền lệ.

Nhận thức về canh tác lúa năng suất cao, phát thải thấp của người trồng lúa, doanh nghiệp, một số cấp chính quyền chưa đầy đủ. Cùng với đó là những vấn đề liên quan quy hoạch, xác định cụ thể diện tích đất trồng lúa năng suất, chất lượng cao, huy động nguồn lực…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án, nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm thực hiện, xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, nêu các đề xuất, kiến nghị để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra.

Lãnh đạo các bộ ngành đã phản hồi về các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm rõ thêm về huy động, sử dụng các nguồn lực, quản lý tài chính; Ngân hàng Nhà nước làm rõ về nguồn vốn tín dụng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập các giải pháp ứng phó hạn mặn, sạt lở…

Đại diện WB khẳng định WB có cam kết rất mạnh mẽ với chương trình này, đề nghị Chính phủ có thể lập tổ công tác liên ngành để xử lý các vấn đề liên quan, hài hòa thủ tục giữa hai bên, thống nhất cơ chế triển khai rõ ràng, khả thi, hiệu quả, sớm ký kết hiệp định vay, phát huy hiệu quả nguồn tài chính từ WB cho Đề án.

Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo 'cuộc cách mạng cho cây lúa'- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

"Phải yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình"

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nội dung báo cáo của Bộ NN-PTNT và các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn; giao Bộ NN-PTNT và Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương vùng ĐBSCL tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo và sớm trình ban hành thông báo kết luận để thống nhất triển khai thực hiện.

Thủ tướng nêu 5 vấn đề mang tính định hướng và 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh triển khai Đề án thời gian tới.

Nhấn mạnh 5 vấn đề mang tính định hướng, Thủ tướng yêu cầu phải thổi hồn vào cây lúa, thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

"Phải yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình, như những gì mà mình yêu quý nhất trong cuộc đời mình, từ đó tạo cuộc cách mạng cho cây lúa và ĐBSCL", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, huy động đa dạng hóa nguồn lực, gồm nguồn lực Trung ương, địa phương, hợp tác công tư, nguồn vốn vay, phát hành trái phiếu, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn lực của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, thủ tục tục rườm rà, bảo đảm nguồn lực đến tận địa phương, cơ sơ sản xuất, người nông dân.

Phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng trước hết phải phát huy tính tự lực, tự cường của địa phương và có cơ chế, chính sách huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp.

Về mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt mục tiêu một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp càng sớm càng tốt, qua đó đạt khoảng 14 - 15 triệu tấn lúa, 9 - 10 triệu tấn gạo chất lượng cao. Chậm nhất đến năm 2030 phải đạt mục tiêu này và cần nỗ lực đạt sớm hơn.

Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo 'cuộc cách mạng cho cây lúa'- Ảnh 5.

Đại diện WB phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng chỉ rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Các địa phương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT, Bộ TN-MT làm việc này, hoàn thành trong quý 2/2025.

Thứ hai, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa trong phân khúc chất lượng cao, đi cùng với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng... Thủ tướng lấy ví dụ như thương hiệu gạo ST25, "lúa ông Cua". Các địa phương cùng các doanh nghiệp, Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT làm việc này.

Thứ ba, Bộ NN-PTNT chủ trì cùng Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp, các địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên, đề xuất cấp có thẩm quyền, trước mắt cố gắng trình một số chính sách tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới, tinh thần là "vướng ở đâu tháo gỡ ở đó".

Thứ tư, về nguồn vốn, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các gói tín dụng đang triển khai và nghiên cứu để triển khai trong năm 2025 gói tín dụng với quy mô khoảng 30.000 tỉ đồng cho Đề án; đồng thời cho doanh nghiệp vay vốn để mua vật tư, giống, sản xuất kinh doanh.

Về vay vốn của các đối tác phát triển, tinh thần là Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm và cấp phát cho các địa phương. Bộ Tài chính nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ triển khai Đề án một triệu hecta gồm vốn của Nhà nước, vốn bán tín chỉ carbon, vốn xã hội hóa… để sử dụng linh hoạt, nhanh chóng khi cần thiết.

Thứ năm, về phát triển, đa dạng hóa thị trường, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh, triển khai thường xuyên việc kết nối thị trường trong nước, ngoài nước, các địa phương, các doanh nghiệp.

Thứ sáu, về ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT xây dựng đề án tổng thể để bảo vệ ĐBSCL, trong đó có diện tích đất trồng lúa; đề án tổng thể nhưng phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các địa phương. Yêu cầu nhiệm vụ này hết quý 1/20225 phải xong, Thủ tướng lưu ý tổng kết, nhân rộng mô hình, cách làm của Cà Mau.

Thứ bảy, về các nhiệm vụ liên quan giảm phát thải, giảm khí metal trong nông nghiệp, bán tín chỉ carbon, Bộ NN-PNT, Bộ TM-TM, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm, có sản phẩm trong quý 2/2025.

Thứ tám, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với địa phương, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đa dạng hóa các sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo.

Thứ chín, Thủ tướng nêu rõ không thể quên sức mạnh của nhân dân, do đó phải tập hợp nông dân bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau như trong hợp tác xã, để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, năng động, sáng tạo. "Nhân dân làm nên lịch sử; cuộc cách mạng lúa gạo không thể thiếu vai trò, sức mạnh của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, nếu bảo đảm lợi ích (cả vật chất và tinh thần) thì người nông dân sẽ tích cực tham gia, còn nếu không bảo đảm thì có trải thảm đỏ người nông dân cũng không làm. Phải cùng lắng nghe và chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển, cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào.

Thứ mười là nhiệm vụ kêu gọi, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT cần đơn giản hóa thủ tục, hài hòa hóa quy định với các đối tác. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn WB đã tham gia ngay từ đầu trong triển khai Đề án thông qua hỗ trợ, tư vấn kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ tài chính.

Mười một, các bộ ngành, các địa phương phối hợp, liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp, với các nhà khoa học; phối hợp, chặt chẽ hiệu quả giữa nhà nông và doanh nghiệp, giữa Nhà nước với nhân dân, giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước. Thủ tướng thống nhất với đề xuất cần thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Về các nội dung mà đại diện WB đề cập, Thủ tướng yêu cầu Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ NN-PTNT làm việc ngay với WB để giải quyết.

Thủ tướng cho biết thời gian tới, sẽ tiếp tục chủ trì các hội nghị, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSCL, trong đó có lĩnh vực lúa gạo.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: 5 định hướng, 11 nhiệm vụ để tạo 'cuộc cách mạng cho cây lúa'