Thủ tướng cho biết các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm ở thị trường chứng khoán, trái phiếu, BĐS có tác động tới hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm.

Thủ tướng: Chấn chỉnh trái phiếu, BĐS có tác động tới thị trường nhưng là việc phải làm

Lam Thanh | 06/12/2022, 10:15

Thủ tướng cho biết các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm ở thị trường chứng khoán, trái phiếu, BĐS có tác động tới hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm.

Sáng 6.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong 11 tháng qua, đất nước đạt được một số kết quả nhất định rất đáng mừng. Tuy nhiên, tình hình còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi cạnh tranh chiến lược vẫn diễn ra gay gắt, áp lực lạm phát trên toàn cầu, chính sách chống lạm phát của các nước tác động tới toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài cũng tác động lớn tới bên trong. Giá nguyên vật liệu xăng dầu tiếp tục không ổn định, biến động. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế của các nước chậm lại, nhiều nước có tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

“Trong nước, chúng ta phải khắc phục hậu quả của dịch bệnh COVID-19 sau hơn 2 năm gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bào mòn; đồng thời phải đối phó với các cú sốc lớn từ bên ngoài, hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng cho biết đang tiến hành rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các loại thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng; có biện pháp cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan.

“Các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm này có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm”, Thủ tướng nêu.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho hay các bộ, ngành vào cuộc để tập trung xử lý, ổn định tình hình. Điều này cho thấy việc chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm bắt tình hình, có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp.

Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.

Thủ tướng đã có 3 cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại, đại diện ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiến hành tổng kết ngoại giao vắc xin để tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế theo Chỉ thị của Ban Bí thư.

Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng cho hay các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai chính sách tài khóa, nghiên cứu, đề xuất, triển khai hoãn, miễn, giảm thuế, lệ phí cho phù hợp. Đồng thời, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tích cực, có hiệu quả; khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ, đưa thị trường xăng dầu trở lại bình thường, theo quy luật thị trường.

“Các biện pháp nói trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi và bội thu; xuất đủ nhập và xuất siêu; làm đủ ăn và có xuất khẩu nông sản; đủ năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng; thị trường lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu)”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu đạt các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 ở mức cao nhất. Chỉ còn gần 1 tháng là kết thúc năm 2022, chúng ta cần "chạy nước rút về đích" bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt được các mục tiêu nhưng mang tính bền vững; đồng thời chuẩn bị cho năm 2023 đã được xác định là có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, chỉ đạo, điều hành cần bản lĩnh hơn, hiệu quả hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý các vấn đề đặt ra.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Chấn chỉnh trái phiếu, BĐS có tác động tới thị trường nhưng là việc phải làm