Gần một năm sau vụ tiêu hủy 17 triệu con chồn, Thủ tướng Frederiksen dự kiến ​​ra điều trần vụ việc này. Một số bộ trưởng khác cũng sẽ xuất hiện trong nhân chứng, gồm cả Bộ trưởng Tài chính Nicolai Wammen.

Thủ tướng Đan Mạch chuẩn bị ra quốc hội điều trần về vụ tiêu hủy 17 triệu con chồn bất hợp pháp

Anh Tú | 10/10/2021, 18:59

Gần một năm sau vụ tiêu hủy 17 triệu con chồn, Thủ tướng Frederiksen dự kiến ​​ra điều trần vụ việc này. Một số bộ trưởng khác cũng sẽ xuất hiện trong nhân chứng, gồm cả Bộ trưởng Tài chính Nicolai Wammen.

Vào ngày 7.10, Quốc hội Đan Mạch bắt đầu phiên điều trần về việc liệu Thủ tướng Mette Frederiksen có biết bà đã ban hành một lệnh bất hợp pháp vào năm ngoái khi quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn chồn trong nước để ngăn chặn sự đột biến của COVID-19 hay không.

Thủ tướng Frederiksen và một số quan chức chính phủ chủ chốt sẽ ra điều trần trong những tháng tới phục vụ cho cuộc điều tra của quốc hội, nhằm tìm cách xác định liệu chính phủ thiểu số cố tình vi phạm luật khi quyết định tiêu hủy 17 triệu con chồn vào tháng 11 hay không. Động thái này đã làm tổn hại đến uy tín của chính phủ vốn được cho là đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng COVID-19.

Phe đối lập trung hữu hy vọng rằng cuộc điều tra cuối cùng sẽ dẫn đến một phiên tòa luận tội Thủ tướng Frederiksen, người đã đưa ra quyết định theo cảnh báo của các cơ quan y tế rằng đột biến COVID-19 có thể lây lan giữa chồn và có khả năng làm suy yếu các nỗ lực tiêm chủng. Hầu hết các đảng phái trong quốc hội vẫn cho rằng quyết định vào thời điểm đó là đúng đắn. Những người nuôi chồn hương sau đó đã nhận được tổng số tiền bồi thường là 3 tỉ USD.

Thủ tướng Frederiksen dự kiến ​​ra điều trần vào ngày 9.12. Một số bộ trưởng khác cũng sẽ xuất hiện trong nhân chứng, gồm cả Bộ trưởng Tài chính Nicolai Wammen.

Hồi cuối năm 2020, Đan Mạch đã mạnh tay chống dịch tới mức tiêu hủy 17 triệu con chồn vào tháng 11 để đối phó với dịch bệnh bùng phát tại hơn 200 trang trại nuôi chồn hương. Khu vực phía bắc của đất nước, nơi có hầu hết các trang trại lông thú, được quản thúc nghiêm ngặt.

Chính phủ Đan Mạch không tiếc tay tiêu hủy chồn, giết hại cả những động vật bị nhiễm bệnh và khỏe mạnh. Ngoại trưởng Jeppe Kofod nói trong một cuộc họp báo vào đầu tháng 11: "Chúng tôi thà đi một bước quá xa còn hơn đi một bước quá ngắn để chống lại COVID-19".

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Kể từ khi bị sát hại hàng loạt, hàng trăm xác chồn đã xuất hiện từ nơi chôn lấp chúng. Bị chôn vùi trong các hố và rãnh nông ở miền tây Đan Mạch, xác những con chồn đã bị đẩy lên khỏi mặt đất do khí thoát ra từ thi thể đang phân hủy của chúng, khiến nhiều người phẫn nộ và lo ngại hơn.

Đến tháng 12, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch Mogens Jensen đã phải từ chức vì ký lệnh tiêu hủy động vật, lệnh sau đó bị tuyên bố là bất hợp pháp. Thậm chí, Thủ tướng Đan Mạch sau đó đã phải đưa ra xin lỗi và chỉ trích Bộ trưởng Jensen vì quyết định tiêu hủy động vật nói trên. Vấn đề trong lệnh trên không phải là tranh cãi trong y học mà là nó đi ngược lại luật pháp của Đan Mạch.

thu-tuong-dan-mach.jpg
Thủ tướng Đan Mạch khóc khi đi thăm trang trại chồn cuối năm ngoái - Ảnh: Internet

Cho đến giờ, chính phủ Đan Mạch vẫn nghiêng về nguy cơ chồn có thể lây bệnh cho người. Bằng chứng là giữa tháng 9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm mới của Đan Mạch Rasmus Prehn đã thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm nuôi chồn đến năm 2023.

Bộ trưởng Rasmus Prehn cho biết dự luật gia hạn lệnh cấm nuôi chồn hương nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ Đan Mạch. "Điều duy nhất cần làm là gia hạn lệnh cấm có hiệu lực trong năm nay thêm một năm để nó được áp dụng với năm 2022”. Các nhà chức trách y tế đã khuyến nghị rằng lệnh cấm được mở rộng, vì các trang trại nuôi chồn tiếp tục có "nguy cơ đối với sức khỏe con người ở mức độ chưa xác định."

Hiện vẫn còn những tranh cãi liên quan đến việc chồn có lây coronavirus sang người hay không. Jonathan Runstadler, giáo sư khoa bệnh truyền nhiễm và sức khỏe toàn cầu tại Trường Thú y Cummings thuộc Đại học Tufts (Mỹ), hồi cuối 2020 cho biết COVID-19 xuất phát từ vật chủ là động vật và đã lây sang người gần đây. “Điều đó sẽ khiến người ta nghĩ rằng vi rút vẫn giữ được khả năng sao chép và lây nhiễm sang các vật chủ động vật khác”.

Runstadler, người nghiên cứu các bệnh mới xuất hiện ở động vật, cho biết sự bùng phát ở chồn không gây ngạc nhiên cho nhiều người trong lĩnh vực của ông, một phần là do điều kiện sống của chúng.

Tại các trang trại lông thú, chồn được nhốt dày đặc trong điều kiện chật chội dễ tiếp xúc gần gũi với nhau. Những điều kiện đó có thể là lý tưởng khi dồn các động vật có vú nhỏ vào máy móc kim loại để lột da chúng thành những chiếc áo khoác và mũ lạ mắt, nhưng chúng cũng có thể là nơi sinh sản của coronavirus.

Runstadler cho biết thật khó để biết liệu chồn có phải là loài duy nhất trong số các loài khác về khả năng lây nhiễm và lây lan vi rút hay không.

Tuy nhiên, giáo sư Scott Weese của Đại học Thú y Ontario cho biết, là vi rút không tự động hoạt động mà cần phải bám vào một cái gì đó phù hợp. Ông giải thích: “Chúng ta có những loại vi rút chỉ là vi rút ở người hoặc vi rút ở chó hoặc vi rút ở mèo.

Theo giáo sư Scott Weese, loại vi rút bám vào tế bào chồn cũng bám khá tốt với mèo, nhưng lại bám không tốt với tế bào chó và bò. Tại các trang trại lông thú, các nhà khoa học đã thấy COVID-19 chuyển từ chồn sang mèo qua phân chồn và lo lắng về điều gì sẽ xảy ra nếu nó xâm nhập vào quần thể động vật hoang dã.

Tuy nhiên, giáo sư Scott Weese đánh giá chúng ta không biết nhiều về cách vi rút hoạt động ở chồn hoặc các động vật khác. Ông không loại trừ khả năng những con chồn dính COVID-19 đôi khi làm lây lan trở lại người một dạng vi rút đột biến. Nhưng Weese cho rằng: “Sự lây truyền trở lại người là một mối quan tâm ở cấp độ cá nhân. Còn bối cảnh chung, có lẽ không phải là vấn đề lớn vì ít người tiếp xúc với chồn".

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, có tới 75% tất cả các bệnh truyền nhiễm mới hoặc đang phát sinh có nguồn gốc từ động vật. COVID-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) và hai bệnh do coronavirus khác, Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), chỉ là một vài trong số rất nhiều bệnh lây truyền từ động vật xuất hiện trong giai đoạn 20 năm gần đây.

Bệnh SARS, xuất hiện vào năm 2002 ở Trung Quốc và làm tử vong 774 người, có khả năng được truyền từ dơi móng ngựa qua vật chủ trung gian là cầy vòi hương châu Á, được nuôi trong các trang trại kiểu nhà máy và được bán rộng rãi ở các thị trường châu Á để làm thực phẩm. Bệnh MERS có thể lây sang người từ lạc đà, loài được nuôi để lấy sữa, thịt, da và phục vụ trường đua; MERS đã gây ra cái chết cho 858 người, 35% trong số những người bị nhiễm bệnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Đan Mạch chuẩn bị ra quốc hội điều trần về vụ tiêu hủy 17 triệu con chồn bất hợp pháp