Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều vướng mắc.

Thủ tướng: Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thị trường bất động sản, trái phiếu còn vướng mắc

Hoài Lam | 05/08/2023, 16:35

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều vướng mắc.

Tình hình tháng 7 tích cực hơn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5.8, các báo cáo thống nhất đánh giá tình hình tháng 7 tốt hơn so tháng 6.

Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần trong khi lạm phát ở nhiều nước tiếp tục neo ở mức cao; tình hình thị trường tiền tệ, chứng khoán cơ bản ổn định, có xu hướng phục hồi tích cực, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 7, xuất khẩu tăng 2,1% so với tháng trước; công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ, trong đó chế biến chế tạo tăng 3,6%; khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người (tháng có lượng khách quốc tế lớn nhất từ sau mở cửa), tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ...

Tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) tích cực hơn, tháng 7 có 13,7 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số DN và tăng 2,4% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng có 131.900 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường là 113.300.

dn.jpeg
Các báo cáo ghi nhận tình hình tháng 7 khởi sắc hơn

Các cơ quan quan tâm xử lý các vấn đề tồn đọng (như Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, Khí Lô B); giải quyết những vấn đề phát sinh (vận hành sàn giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ, vướng mắc của các dự án bất động sản, giảm mặt bằng lãi suất cho vay…); xử lý các vấn đề mới (giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm thuế GTGT…).

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn

Ngoài những kết quả tích cực, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; tăng trưởng tín dụng thấp, hấp thụ vốn còn yếu, tiếp cận vốn vẫn khó khăn; thu ngân sách Nhà nước 7 tháng giảm 7,8% so với cùng kỳ; nợ xấu nội bảng cần lưu ý.

“Điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. DN tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Thị trường trái phiếu DN, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng nêu.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm dẫn đến trong 7 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước (dù tháng sau cải thiện hơn tháng trước). Công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 48,7 điểm, tích cực hơn tháng 6 (46,2 điểm) và tháng 5 (45,3 điểm), cho thấy niềm tin kinh doanh đã tăng nhưng vẫn dưới 50 điểm.

“Công tác lập, thẩm định quy hoạch cần tiếp tục đẩy nhanh và nâng cao chất lượng. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc”, Thủ tướng nêu.

tt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Về những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân khách quan là tình hình thế giới phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ; một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, thủ tục hành chính còn rườm rà; việc lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân; DN còn chưa thật sự quyết liệt, kịp thời, thực chất, hiệu quả.

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành; đề cao tinh thần nỗ lực, tự lực, tự cường, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung…

Thủ tướng yêu cầu đặc biệt lưu ý một số nội dung là bảo đảm cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả (tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ..., tăng hạn mức tín dụng, cung tiền M2 phù hợp).

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát (tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đẩy mạnh đầu tư công...); bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia, theo dõi sát tình hình bên trong và bên ngoài để có đối sách phù hợp kịp thời; rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng.

Về tiêu dùng, có giải pháp hiệu quả kích cầu tiêu dùng trong nước, phát triển mạnh thị trường trong nước, (miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng...).

Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng, liên vùng; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP).

Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh…

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT khởi công bằng được Nhà ga Sân bay Long Thành trong tháng 8; Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc hướng dẫn định giá đất trước ngày 15.8; Bộ Y tế xử lý dứt điểm vấn đề liên quan các dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
5 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thị trường bất động sản, trái phiếu còn vướng mắc