Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Hạn chế giãn cách xã hội một cách tràn lan

03/08/2020, 16:04

Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Đề xuất gia hạn, bổ sung thêm giải pháp hỗ trợ

Ngày 3.8, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho hay ảnh hưởng của dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng hơn đối với kinh tế thế giới, đây là cú sốc lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay.

Ông Dũng cũng nhận định xu hướng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2020 và năm 2021 không rõ ràng, ẩn chứa nhiều rủi ro. Phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư… để kiểm soát dịch. Cần khống chế dịch không để lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.

Về biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bởi đây là “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm.

Ngoài ra, ông cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội.

Trong đó, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng, tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trường hợp cần thiết, nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cần thực hiện trong những tháng cuối năm và cả năm 2021 để hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, các vùng mới bị ảnh hưởng của dịch để duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Không giãn cách xã hội tràn lan

Cho rằng dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng chống dịch.

“Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng chỉ ra 3 rủi ro, thách thức thời gian tới, trong đó nhấn mạnh rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề; thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước và thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.

“Tôi xin lưu ý thách thức đối với chúng ta là bùng phát dịch trở lại, đe dọa phục hồi kinh tế”, Thủ tướng nó và cho hay lạm phát được kiểm soát, đang giảm dần nhưng còn nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những khó khăn cần tháo gỡ, nhất là với ngành khai khoáng, khí đốt, khai thác dầu thô, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thủ tướng cũng cho biết chi ngân sách tiếp tục tăng, khiến cho thâm hụt ngân sách 2020 dự báo sẽ tăng. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kể cả bội chi ngân sách thì chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho người lao động, cho các doanh nghiệp.

Theo đó, gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt gói an sinh xã hội đã được giải quyết một bước nhưng cần quyết liệt triển khai nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Đi liền với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Không bộ, ngành nào được chủ quan

Nêu rõ quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh.

Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.

“Có đồng chí lãnh đạo nói là nếu chúng ta tăng từ 2-3% đã là một cố gắng rất lớn, phấn đấu đạt cao hơn trong trường hợp kiểm soát tốt dịch bệnh và tình hình dịch bệnh thế giới không quá xấu”, Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng, chúng ta muốn tăng trưởng cao hơn nữa nhưng tình hình thế giới tăng trưởng âm, những đối tác lớn bị ảnh hưởng, cả cung và cầu đều yếu, nên tăng trưởng của chúng ta ở mức độ vừa phải. Cùng với đó, cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.

Việc gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa vì kinh tế gặp khó khăn khi dịch COVID-19 quay trở lại. Đây là một tuần thử thách nữa cho chính sách tài khóa và tiền tệ.

Về việc mở rộng tín dụng, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm mức tăng cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Các ngành tài chính, kế hoạch, ngân hàng, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ có liên quan đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể quý III năm 2020 và năm 2021.

“Các đồng chí đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn lắm, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn”, Thủ tướng lưu ý.

Việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng vừa qua cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.8 để báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan.

Về đầu tư công, nếu giải ngân hết 630.000 tỉ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ.

“Xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu…

Lam Thanh

Bài liên quan
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát tiến độ thi công cao tốc tại Sóc Trăng
Trong chuyến khảo sát tiến độ thi công các tuyến cao tốc trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long, sáng 20.11, đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn đã đến khảo sát tiến độ thi công dự án thành phần 4, thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Hạn chế giãn cách xã hội một cách tràn lan