Một trận không kích, một luật quyền chiến tranh, một tuyên bố lên án Iran, đó chính là 3 “đòn đánh nhanh” của Thủ tướng Israel để chặn tham vọng chiến lược của kình địch, đồng thời đẩy Israel-Iran đến sát cuộc chiến trực tiếp.
Theo báo New York Times ngày 2.5 (giờ Mỹ), khuya 29.4, một nhóm chiến đấu cơ F-15, được cho là của không quân Israel, đã tấn công các căn cứ của Iran và quân ủy nhiệm đặt tại Syria.
Đòn tấn công kho tên lửa đất đối đất ở thành phố Hama đã phá hủy 200 tên lửa, và giết ít nhất 16 người, trong đó có 11 cố vấn quân sự Iran.
Sáng 30.4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu “có màn trình diễn” được truyền hình trực tiếp ngay từ Bộ Quốc phòng Israel, cáo buộc Iran vẫn lén lút phát triển bom hạt nhân và ông trưng chứng cứ là các tài liệu mà nhóm điệp viên Mossad của Israel đã lấy được sau khi xâm nhập một nhà kho bí mật của Iran.
Thông tin của ông Netanyahu được đưa ra hai tuần trước thời hạn ngày 12.5 tới. Sau ngày này, Tổng thống Donald Trump có thể tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015 (tên chính thức là Hành động chung toàn diện-JCPOA).
JCPOA được Iran ký ngày 14.7.2015 với Mỹ (thời Tổng thống Barack Obama), Nga và nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức), còn được gọi là Thỏa thuận G5+1, với điều kiện Iran từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại Iran được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế hàng tỉ USD.
Nhưng ông Trump đã gọi JCPOA là “một thỏa thuận tồi tệ” và dọa sẽ hủy bỏ vì thỏa thuận có nhiều “sơ hở khủng khiếp, không giải quyết rốt ráo hoạt động tên lửa của Iran, Iran ủng hộ các tổ chức chính trị nước ngoài, như lực lượng vũ trang Hezbollah được Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện, đang chiến đấu giúp chính phủ Syria trong cuộc nội chiến.
Ngày 12.1, Tổng thống Mỹ đã ra tối hậu thư cho nhóm E3 phải sửa JCPOA, nếu không thì ông sẽ từ chối gia hạn sự nới lỏng cấm vận cho Iran. Nếu ông Trump ra lệnh, Mỹ sẽ nối lại lệnh trừng phạt Iran từ ngày 12.5 tới.
Các quan chức Israel mô tả cáo buộc của ông Netanyahu là một toan tính để giúp đồng minh thân cận càng quyết tâm rút khỏi JCPOA.
Ông Netanyahu muốn tranh thủ thời cơ
Trong lúc ông Netanyahu còn đang cáo buộc Iran bí mật theo đuổi vũ khí hạt nhân thì Quốc hội Israel bỏ 62 phiếu thuận thông qua Luật Quyền chiến tranh, cho phép Thủ tướng cùng Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman có quyền phát động chiến tranh “trong các tình huống khẩn cấp”, sau khi tranh luận có nên chuyển quyền này từ toàn bộ nội các sang một “tiểu chính phủ chỉ chú trọng giải quyết an ninh”. Chỉ có 41 phiếu chống.
Đó là 3 “đòn thần tốc” trong một thời gian ngắn mà ông Netanyahu tranh thủ các lợi thế chính trị, quân sự và tình báo để thúc đẩy các kế hoạch trên cả hai mặt trận sử dụng vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí quy ước nhằm tăng sức ép lên Iran.
Mặt khác, ông Netanyahu cũng có quyền đưa Israel vào cuộc chiến tranh mà không cần sự phê duyệt của nội các, khi đã có luật mới.
Trên hết, việc phô trương sức mạnh quân sự ở Syria, cùng sự khoe khoang thành tích của tình báo Mossad được ông Netanyahu thực hiện vào lúc Iran đang phải kiềm chế khỏi sa vào cuộc chiến với Israel, vì dân Iran đang ngày càng bất mãn chính phủ, đồng minh thân cận là tổ chức vũ trang Hezbollah (ở Lebanon) hiện còn phải chờ tiến hành bầu cử ngày 6.5 tới, dù Hezbollah rất muốn đánh Israel.
Cựu Đại sứ Mỹ ở Israel thời Obama, ông Daniel Shapiro nói: “Đấy là một cơ hội cho Israel làm những điều cần làm, với chi phí tương đối rẻ”. Ông nói như Triều Tiên đã có pháo binh quy ước đe dọa Hàn Quốc trong khi phát triển vũ khí hạt nhân, thì Iran cũng tìm cách đe dọa lãnh thổ Israel bằng máy bay không người lái và tên lửa dẫn đường chính xác phóng từ Syria “trong khi tranh thủ đàm phán và thời gian trì hoãn để thúc đẩy tham vọng hạt nhân”.
Cựu chỉ huy tình báo quân đội Israel, ông Amos Yadlin nay là chủ nhiệm Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia ở Tel Aviv, nói: “Các đe dọa từ vũ khí hạt nhân và vũ khí quy ước của Iran chỉ nhằm một mục tiêu: hủy diệt Israel”. Ông Yadlin xác nhận JCPOA thành công trong việc ngăn chặn Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân, vì vậy "họ xây dựng lực lượg chiến tranh quy ước chống Israel ở Syria, với tên lửa dẫn đường chính xác và tên lửa đạn đạo. Đó là mối đe dọa Israel lớn nhất trong năm 2018 này”.
Ông Yadlin còn nói nếu ông Trump quyết rút khỏi JCPOA và tùy theo phản ứng của Iran, chiến tranh giữa Israel với Iran có thể kéo dài hàng năm”.
Dễ bị lọt vào môi trường thù địch
Cú giáng "3 đòn thần tốc” đều nằm trong các mục đích lâu nay của ông Netanyahu. Đầu năm 2010, ông muốn Israel chuẩn bị đánh các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng liên tục bị nội các của ông bác bỏ. Ông cũng phản đối JCPOA, nói nó cho phép Iran trong 10 năm sẽ có vũ khí hạt nhân dọa Israel. Suốt nhiều tháng, ông thề chặn Iran lập căn cứ từ Syria để có thể dọa đánh Israel bằng vũ khí quy ước.
Nhưng các động thái này cũng khiến các nhà quan sát lâu nay được tín nhiệm vì có tư tưởng phản đối chiến tranh tổng lực với Iran, thắc mắc liệu có phải Thủ tướng Netanyahu đã có sự liều lĩnh hay không.
Cây bút bình luận Nahum Barnea của báo Yediot Ahronoth (Israel) viết “Xem ra ông ấy đang thúc đẩy mọi người vào một môi trường thù địch hơn, sau một thời gian cẩn trọng trong việc dùng vũ lực”. Ông Barnea còn nói ông Netanyahu cũng đang đối mặt với môi trường thù địch ngay trong nước, rằng vị thủ tướng có thể bị truy tố vì một số vụ tham nhũng, nên ông được cho là muốn tổ chức bầu cử trước khi bị tuyên bất kỳ tội danh hình sự nào, và ông cũng đã thể hiện với đảng của ông rằng ông là nhà lãnh đạo Israel duy nhất có thể bảo vệ đất nước an toàn.
Theo các nhà soạn Luật Quyền chiến tranh, luật này ra đời không phải vì Israel đang có bất đồng với Iran, cả Thủ tướng cùng Bộ trưởng Quốc phòng đều không nghĩ đến. Nhưng các ý kiến chỉ trích nói những vụ án tham nhũng chống lại ông Netanyahu, cùng việc Bộ trưởng Lieberman không có kinh nghiệm về an ninh quốc phòng, sẽ gây thắc mắc liệu hai ông có đẩy Israel vào chiến tranh hay không. Và dù quyền phát động chiến tranh được áp dụng “chỉ trong các trường hợp khẩn cấp”, luật lại không quy định rõ như thế nào là các trường hợp khẩn cấp.
Một số chuyên gia nói luật này có thể không có ý nghĩa gì cả, vì Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng không thể tiến hành chiến tranh nếu không có sự hưởng ứng chính trị mạnh mẽ, không có sự ủng hộ của quân đội và các cơ quan an ninh vốn là những đơn vị đã tỏ thái độ thận trọng trong quá khứ.
Ông Shlomo Avineri, Giáo sư danh dự khoa chính trị Đại học Jerusalem (Israel) nói: “Chính phủ không thể tuyên chiến, mặc kệ luật viết thế nào đi nữa, nếu không có sự nhất trí của toàn dân tộc. Rõ ràng một thủ tướng đang bị điều tra đã bị hạn chế các giải pháp và các giải pháp này sẽ bị soi kỹ hơn trước”.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)