Nhấn mạnh thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực, Thủ tướng cho biết sẽ sớm thành lập ban chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý (do Thủ tướng làm trưởng ban).
Theo dòng thời sự

Thủ tướng: Sớm thành lập ban chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý

Lam Thanh 01/06/2024 15:52

Nhấn mạnh thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực, Thủ tướng cho biết sẽ sớm thành lập ban chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý (do Thủ tướng làm trưởng ban).

Sức ép và thách thức còn lớn

Phát biểu kết luận cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 1.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ tình hình kinh tế-xã hội còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, đặc biệt là sức ép, thách thức về kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô còn lớn.

Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; nông nghiệp gặp thời tiết bất lợi; sản xuất công nghiệp, một số ngành dịch vụ, sức mua phục hồi nhưng còn chậm; vấn đề bảo đảm cung ứng điện, nước, xăng dầu cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên.

Việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội chưa được cải thiện; còn 29.100 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.

cp-1.jpeg
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 - Ảnh: VGP

Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh, nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi. Tình hình tội phạm, tội phạm mạng, an ninh an toàn thông tin còn diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, ngộ độc thực phẩm, cháy nổ nghiêm trọng…

Với các hạn chế, tồn tại, theo Thủ tướng, ngoài nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; việc nắm tình hình, tham mưu, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả…

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

“Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ, ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

"Chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

cp-2.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu - Ảnh: VGP

Ngoài ra, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược; tiếp tục quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định.

Sớm thành lập ban chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là về 3 lĩnh vực: Thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, AI…).

Ngoài ra, báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Nhấn mạnh thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực, Thủ tướng cho biết sẽ sớm thành lập ban chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý (do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các thành viên Chính phủ là thành viên); đề xuất báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 ban hành 1 luật sửa nhiều luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, như Nhà máy bột giấy Phương Nam, Công ty tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt-Trung, Nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án Bệnh viện Bạch Mai và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Thêm vào đó, chuẩn bị cải cách tiền lương theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định…

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Sớm thành lập ban chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý