Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tại TP.HCM có ý nghĩa quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển TP cũng như cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.
Chiều 4.1, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 1568 đã có buổi làm việc với TP.HCM về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án trên địa bàn TP.
Chủ trì buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPH.CM Phan Văn Mãi đã báo cáo việc rà soát, đề xuất xin ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
Ông Mãi cho biết, từ năm 2021 đến nay, TP đã chủ động thành lập nhiều tổ công tác để thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng, như: Ban Chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm; Tổ công tác về đầu tư; Tổ công tác FDI; Tổ công tác giải quyết vướng mắc khó khăn cho các dự án sử dụng đất; 3 Tổ công tác về đầu tư công.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng đã được tháo gỡ, hoàn thành đưa vào sử dụng, thi công trở lại hoặc đã giải quyết các tồn tại cũ để sẵn sàng lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án, cụ thể: Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; cầu Phước Long trên đường Phạm Hữu Lầu, cầu Rạch Đỉa trên đường Lê Văn Lương; đường Tên Lửa; đường Tân Kỳ Tân Quý; cầu Nam Lý; các đoạn đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn; hệ thống thoát nước đường 8, phường Phước Bình; đường Bình Đông; đường nối Chánh Hưng - rạch Sông Sáng; bờ bao và cống ngăn triều trên rạch Cầu Sập (Quận 8); rạch Xuyên Tâm; bờ Bắc Kênh Đôi;...
Bên cạnh đó, nhiều dự án đã được hoàn tất việc rà soát, xử lý các tồn đọng cũ để sẵn sàng cho việc chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư mới hoặc được tiếp tục triển khai thực hiện như: Dự án BOT đường nối cao tốc Sài Gòn - Trung Lương; dự án BT Nhà thi đấu Phan Đình Phùng; 3 bệnh viện cửa ngõ; cầu Tân Kỳ Tân Quý; các dự án khép kín đường Vành đai 2 TP ; dự án Tản Đà - Hàm Tử;…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP.HCM đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xử lý theo thẩm quyền 34/66 dự án bất động sản. Hiện nay, TP.HCM tiếp tục rà soát đối với 200 dự án có khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, đến nay xác định có 12 công trình, dự án tồn đọng cần kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giải quyết. Trong đó, có 9 dự án có khó khăn, vướng mắc gồm: 6 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 3 dự án đã có kiến nghị các bộ giải quyết; có 3 tài sản công vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ.
Đối với các vướng mắc này, Chủ tịch UBND TP.HCM mong Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 1568 quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để tháo gỡ, giải phóng nguồn lực phát triển TP.
Phải giải quyết kịp thời, hiệu quả, không để sai chồng sai
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết TP.HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính và thương mại lớn nhất cả nước. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tại TP.HCM có ý nghĩa quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển TP cũng như cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.
Đối với 12 công trình, dự án tồn đọng, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết để cùng với Nghị quyết 40 của Chính phủ, Nghị quyết 198 của Quốc hội xử lý các khó khăn, vướng mắc tại các dự án.
Đối với 200 dự án khác đang được thống kê, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM tiếp tục phân loại, làm rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất phương án theo các luật mới được ban hành, Nghị quyết 98 của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Riêng 32 dự án bất động sản còn lại và các dự án vướng mắc, kéo dài khác có thể tiếp tục được rà soát, thống kê thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu TPHCM tiếp tục xử lý theo các quy định, tiền lệ đã có. Còn các dự án chưa có quy định, chưa có tiền lệ, tiếp tục báo cáo, đề xuất có thẩm quyền.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào xong việc đó, có trọng tâm, trọng điểm, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; không câu nệ, có thông tin tới đâu, xử lý tới đó, việc đã chín, đã rõ thì quyết định, việc chưa rõ, chưa chín, tiếp tục thu thập thông tin đầy đủ; giải quyết nhanh, hiệu quả, kịp thời nhưng đặc biệt lưu ý không để sai chồng sai, tiêu cực, lãng phí”.