Thời gian gần đây khu vực xung quanh mỏ đá vôi của Công ty cổ phần Nhà máy xi măng Đồng Lâm (Thừa Thiên-Huế) liên tục xuất hiện hiện tượng sụt lún đất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thừa Thiên-Huế: Bất an với các hố sụt lún cạnh mỏ đá vôi

11/06/2019, 16:17

Thời gian gần đây khu vực xung quanh mỏ đá vôi của Công ty cổ phần Nhà máy xi măng Đồng Lâm (Thừa Thiên-Huế) liên tục xuất hiện hiện tượng sụt lún đất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hố sụt lún sâu 1m rộng gần 2m2 trên thửa ruộng nhà anh Thái Văn Niên - Ảnh: Mỹ Linh

Trên những đồng ruộng và một số điểm nằm gần khu dân cư tại thôn Điền Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế xảy ra hiện tượng sụt lún một cách bất thường tạo ra những hố sâu gây nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến việc canh tác của người dân địa phương. Đặc biệt các điểm sụt lún nằm xung quanh khu vực mỏ đá vôi của Công ty cổ phần Nhà máy xi măng Đồng Lâm và bắt đầu xảy ra khi mỏ đá vôi này được cấp phép hoạt động khai thác.

Ở cánh đồng Mỏm Lang, cách mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm chừng 300m, thửa ruộng của nhà đình anh Thái Văn Niên tình trạng sụt lún đã xảy ra sát chân ruộng với độ sâu khoảng 1m và bán kính chừng 2m, tạo ra một hố sâu khiến cho nước trong ruộng rút rất nhanh, khiến anh không thể canh tác.

Người dân dùng lồng sắt bịt hố sụt lún nhằm tránh đàn vịt đi vào - Ảnh: Mỹ Linh

Anh Thái Văn Niên cho biết: “3 tuần trước, sau khi làm đất chuẩn bị gieo giống vụ hè thu thì bỗng nhiên một khoảnh đất sát bờ ruộng bỗng nhiên sụp xuống tạo thành hố sâu khiến nước trong ruộng chảy dồn hết về khu vực này. Cũng may khi khoảnh đất đó sụt xuống thì tôi không đứng trên chứ nếu đứng ở đó thì không biết chuyện gì xảy ra, có thể gây nguy hiểm cho bản thân”.

Xung quanh khu vực này một số hộ dân khác cũng gặp tình trạng tương tự, nhà bà Nguyễn Thị Vinh, thôn Xuân Lộc xuất hiện một hố sụt lún mới rộng khoảng 1m2, điểm sụt lún này nằm cách mỏ đá vôi khá xa. Để tránh trường hợp bất trắc xảy ra gia đình bà đã dùng một chiếc lồng sắt che chắn lại để gia súc, vật nuôi đừng lọt vào.

Ngoài ra, tình trạng sụt lún kể trên cũng đã xuất hiện tại một số hộ sản xuất nông nghiệp khác, gây hoang mang cho người dân xã Phong Xuân. Ông Thái Văn Cơ ở xã Phong Xuân cho biết: “Người dân nơi đây rất bất an, hiện tượng sụt lún có thể đến từ mỏ khai thác đá vôi nằm cách đó không xa của Công ty Đồng Lâm”.

Những hố sụt lún sâu tại đồng ruộng ảnh hưởng đến canh tác - Ảnh: Mỹ Linh

Theo người dân, những điểm xảy ra sụt lún trước đây là nơi canh tác màu mỡ của người dân, bắt đầu từ năm 2014 khi mỏ đá vôi được đưa vào khai thác, hiện tượng sụt lún xảy ra thường xuyên. Nhiều hố sụt lún đã được Công ty Đồng Lâm và UBND xã Phong Xuân lấp lại nhằm đảm bảo không gây nguy hiểm tính mạng của người dân, diện tích đất ruộng bị ảnh hưởng do hiện tượng sụt lún lên đến hơn 25 ha, trong đó có 3 ha là đất bỏ hoang không thể sản xuất.

Ông Trần Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết UBND xã sẽ báo cáo với huyện Phong Điền để đề xuất thu hồi diện tích đất bỏ hoang này, còn đối với diện tích đất bị ảnh hưởng, chủ trương của UBND huyện là sẽ hỗ trợ người dân khoảng 1 triệu đồng/sào nếu người dân chuyển sang sản xuất hoa màu, đối với đất trồng lúa thì sẽ hỗ trợ tiền công lấy nước.

Trước đây Công ty xi măng Đồng Lâm từng phối hợp với chính quyền địa phương để lấp các hố sụt lún lại - Ảnh: Mỹ Linh

“Biện pháp tạm thời là ven đất xung quanh các hố sụt lún để giữ nước cho đồng ruộng, mặc dù đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi nước vào ruộng rò rỉ và rút ra rất nhanh ảnh hưởng không nhỏ đến mùa vụ của người dân”, Phó chủ tịch xã Phong Xuân cho biết.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin rằng hiện tượng sụt lún này đã xảy ra từ tháng 6.2014, với số lượng thống kê các hố sụt lún khoảng 36 điểm, Công ty Xi măng Đồng Lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tìm các giải pháp khắc phục kỹ thuật, sau đó đã giảm được hiện tượng sụt lún nhưng năm 2019 lại tiếp tục xảy ra.

“Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Công ty xi măng Đồng Lâm để sớm tìm ra những giải pháp khắc phục bền vững lâu dài, không để xảy ra hiện tượng này nữa cho người dân yên tâm sản xuất. Đại diện công ty Đồng Lâm cho biết họ sẽ mời các nhà khoa học tham gia khảo sát nghiên cứu tìm ra biện pháp khắc phục tốt nhất, cùng với đó là những chế độ hỗ trợ đền bù hợp lý dành cho những hộ dân bị ảnh hưởng”, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nói.

Mỹ Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thừa Thiên-Huế: Bất an với các hố sụt lún cạnh mỏ đá vôi