Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam đón chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên. Đây là tín hiệu quan trọng đáng mừng cho hàng không và du lịch Việt Nam.
Trưa ngày 25.9, chuyến bay mang số hiệu VN417 của Vietnam Airlines khởi hành từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Đây là chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về Việt Nam của ngành hàng không Việt, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Để thực hiện chuyến bay này, Bộ Giao thông – Vận tải, Cục hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines, Cảng hàng không Nội Bài và các cơ quan chức năng liên quan đã phối hợp chuẩn bị đặc biệt kỹ lưỡng trong nhiều ngày qua. Trong đó, trọng điểm là hoàn thiện các phương án vừa đảm bảo khai thác bay, an toàn bay, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh, năng lực cách ly hành khách.
Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam đánh giá: “Đây không chỉ là chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về Việt Nam sau dịch COVID-19, mà còn là chuyến bay thí điểm nhằm đánh giá năng lực khai thác, tiếp nhận trở lại khách quốc tế của cả ngành hàng không. Chuyến bay được Vietnam Airlines thực hiện an toàn, trong khi vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn phòng dịch chặt chẽ, đã khẳng định khả năng phối hợp, điều hành rất hiệu quả giữa các đơn vị trong ngành hàng không cũng như với các đơn vị y tế, kiểm dịch và các nhà chức trách liên quan. Chuyến bay còn đánh dấu bước phục hồi quan trọng của hàng không Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch, phát triển kinh tế, mở ra những cơ hội phát triển trong thời kỳ bình thường mới.”
Chuyến bay VN417 hành trình Seoul – Hà Nội chở các hành khách là công dân Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà đầu tư Hàn Quốc. Để lên chuyến bay này, hành khách đều phải đáp ứng các thủ tục phòng, chống dịch bênh vô cùng nghiêm ngặt như: có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp realtime PCR của cơ quan y tế có thẩm quyền trong vòng 03 ngày trước khởi hành, xác nhận về địa điểm cách ly tại Việt Nam, cài đặt ứng dụng theo dõi tiếp xúc, khai báo y tế…
Sau chuyến bay, hành khách lại tiếp tục được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Nếu có kết quả dương tính, khách sẽ được chuyển đến cơ sở y tế để cách ly, chăm sóc theo quy định hiện hành. Nếu âm tính, khách sẽ được cách ly tại khách sạn đã đăng ký và được xét nghiệm lần hai vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có biểu hiện nghi ngờ... Nếu kết quả xét nghiệm lần hai âm tính, hành khách được phép di chuyển về nơi cư trú, tự cách ly đến khi đủ 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Đối với phi hành đoàn, toàn bộ thành viên sau khi trở về Việt Nam cũng được kiểm tra sức khỏe và tổ chức cách ly. Máy bay được phun khử khuẩn toàn bộ khoang hành khách, buồng lái bằng hóa chất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, rạng sáng ngày 25.9, Vietnam Airlines đã thực hiện chuyến bay VN416 hành trình từ Hà Nội đi Seoul. Việc nối lại các đường bay thương mại quốc tế sau 6 tháng tạm dừng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn hiện nay của người dân. Đây cũng là nỗ lực “tự mình vượt khó” của Vietnam Airlines cũng như ngành hàng không Việt Nam trước tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt trong nước và tại nhiều nơi trên thế giới.
Vietjet cũng dự kiến khôi phục chuyến bay quốc tế đầu tiên từ ngày 29.9, gồm đường bay TP.HCM đi Tokyo, Seoul và Hà Nội đi Đài Bắc. Trước dịch COVID-19, Vietjet có tần suất khai thác lớn đến Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Mặc dù là khôi phục các đường bay thường lệ nhưng trong thời gian này, Cục Hàng không thực hiện cấp phép cho từng chuyến bay.
Trên Nhân Dân điện tử hôm 24.9, Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường cho biết, trong thời gian đầu khôi phục lại một số đường bay quốc tế, phía Việt Nam và các đối tác sẽ thực hiện chỉ định hãng hàng không được khai thác bay.
Việt Nam đã chỉ định 2 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines và Vietjet, khi tình hình tốt hơn sẽ bổ sung thêm Pacific Airlines và Bamboo Airways.
Về phía các đối tác, đến nay Cục Hàng không Việt Nam đã được xác nhận bởi nhà chức trách hàng không Trung Quốc về việc chỉ định hãng hàng không China Southern Airlines khai thác đường bay Quảng Châu - TP.HCM.
Phía Nhật Bản và Đài Loan đều chỉ định 2 hãng khai thác, gồm: Japan Airlines và All Nippon bay luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và TP.HCM; China Airlines và Eva Air bay Đài Bắc đến Hà Nội và TP.HCM.
Riêng Hàn Quốc chưa có kế hoạch khai thác cụ thể.
Tất cả các đường bay đến Việt Nam đều chỉ khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần.
“Hiện nay, các hãng hàng không quốc tế đều sẵn sàng chở khách đến Việt Nam. Nhưng khi nào bay được là tuỳ thuộc vào việc hướng dẫn đầy đủ của cấp có thẩm quyền của Việt Nam về kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh và quy trình tiếp nhận, cách ly hành khách tại điểm đến. Như vậy mới có cơ sở cho các bên thực hiện thống nhất, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch COVID-19, không để lây nhiễm chéo, lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”, ông Võ Huy Cường chia sẻ.
Trong công văn báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai lịch bay và các yêu cầu đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam, Cục Hàng không đề xuất 3 phương án vận chuyển khách trung chuyển quốc tế.
Ông Võ Huy Cường cho biết, Cục Hàng không Việt Nam nghiêng về phương án 1 là chưa chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến. Vì theo kế hoạch ban đầu, Việt Nam chỉ thực hiện mở lại đường bay với những quốc gia/vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tương đồng với Việt Nam.
Nếu mở rộng cho khách nối chuyến từ nước thứ ba sẽ không đủ dữ liệu để xác định khách đi từ vùng có kiểm soát dịch hay không và cũng khó bố trí chỗ ngồi trên khoang máy bay. Ở những chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam về nước, những người đi từ vùng dịch về phải bố trí chỗ ngồi riêng biệt thay vì giãn cách.
P.V