Sáng 28.9, BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị xương cá đâm thủng ruột.
Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị H. (SN 1975, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) vào BVĐKTƯCT chiều 22.9 trong tình trạng đau âm ỉ hạ vị khoảng 10 ngày, và mức độ đau ngày càng tăng. Kết quả siêu âm bụng cho thấy vùng hố chậu trái có cấu trúc Echo dầy dạng hình que dài khoảng 28mm, dày 2mm, có 1 đầu nằm trong đường tiêu hóa, 1 đầu nằm ngoài được bao quanh bởi vùng Echo kém kích thước 25x20mm giới hạn không rõ, có ít dịch bên trong.
Chụp CT bụng có cản quang ghi nhận hình ảnh dị vật cản quang dạng xương cá đâm xuyên qua thành quai ruột non vùng hố chậu. Và bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu. Ê-kíp phẫu thuật do BSCKII Trương Thanh Sơn, ThsBS Lê Quang Huy, khoa Ngoại tổng hợp, BSCK1 Lưu Tuyết Kiều, khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức đã tiến hành bóc tách khối viêm ở thành bụng, hố chậu trái có khối viêm dầy kích thước 3x4cm được mạc nối lớn bám.
Các bác sĩ đã phẫu tích khối viêm ở thành bụng, cắt mạc nối lớn lấy 1 dị vật xương cá dài 3 cm, sau đó cắt khối viêm và mạc nối lớn làm giải phẫu bệnh. Phẫu thuật diễn ra thành công sau 1 giờ. Sáng 28.9 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, bụng mềm, sẽ cho xuất viện trong ngày.
Thống kê từ đầu năm đến nay, tại BVĐKTƯCT đã có 15 trường hợp phẫu thuật thủng ruột do xương cá. Theo y văn, phần lớn dị vật đi qua đường tiêu hóa ra ngoài một cách an toàn trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, khoảng 1% các dị vật sắc nhọn như kim, lưỡi lam, tăm xỉa răng, xương gà, xương thỏ và xương cá có thể xuyên qua thành ruột và gây viêm phúc mạc. Các yếu tố nguy cơ của dị vật đường tiêu hóa gồm răng giả, nghiện rượu hoặc bệnh tâm thần.
Hình ảnh dị vật được phát hiện khi chụp CT- Ảnh: Phong Phạm
Xương cá chiếm 46% trong số những nguyên nhân gây thủng ruột non. Thủng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa nhưng thường xảy ra ở những chỗ gập góc hoặc đoạn có đường kính hẹp. Xương cá gây thủng thành của ống tiêu hóa, dẫn đến nhiễm trùng khoang ngoài ống tiêu hóa, dẫn đến áp-xe cổ, áp-xe trung thất hay viêm phúc mạc toàn diện.
Thủng ruột do xương cá gặp nhiều ở những nước có thói quen ăn cá. Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng (95%), sốt (81%). Những triệu chứng khác như buồn nôn, ói, ói ra máu hoặc tiêu ra máu. Dị vật ở trực tràng tuy ít gặp nhưng có thể gây thủng trực tràng. Xương gà hoặc xương cá kẹt ở ống hậu môn làm cho bệnh nhân đau dữ dội giống như nứt hậu môn, tuy nhiên, các triệu chứng của nhiễm trùng ngày càng nặng hơn.
Chẩn đoán bụng ngoại khoa thường dễ. Tuy nhiên chẩn đoán nguyên nhân thủng đường tiêu hóa do xương cá trước mổ thường khó khăn. Gần 90% các trường hợp nguyên nhân được chẩn đoán trong lúc mổ. Hầu hết các trường hợp chẩn đoán trước mổ là viêm ruột thừa hoặc thủng đại tràng do viêm túi thừa.
Thủng ruột do xương cá đòi hỏi phải mổ cấp cứu lấy dị vật, khâu lỗ thủng đơn thuần cắt đoạn ruột non. Phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy xương cá là lựa chọn tốt vì ít xâm lấn so với mổ mở.
Theo BSCK2 Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Huyết học lâm sàng: “Khi ăn những thực phẩm có nhiều xương như cá, gà, vịt… phải thật cẩn thận. Vì các loại xương này là dị vật có thể mắc ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa (từ thực quản đến hậu môn) gây ra những biến chứng rất nguy hiểm.
Nếu bệnh nhân vô tình nuốt phải xương cá thì nên đưa thẳng vào bệnh viện để được can thiệp. Bệnh nhân không nên sử dụng những phương pháp dân gian như: nuốt một miếng cơm có kích thước lớn, uống nhiều nước, vuốt xuôi chiều họng, không tự ý móc bỏ xương mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí sớm, tránh trường hợp dị vật đâm thủng thành ống tiêu hóa gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”.
Phong Phạm