Cuối tháng 9 này sẽ diễn ra Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023. Đây là một sự kiện văn hóa đáng chú ý ở ĐBSCL.

Thương lắm áo bà ba

Văn Kim Khanh | 22/09/2023, 08:44

Cuối tháng 9 này sẽ diễn ra Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023. Đây là một sự kiện văn hóa đáng chú ý ở ĐBSCL.

Về nguồn gốc và lịch sử chiếc áo bà ba còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên có một điều chắc chắn, dù nguồn gốc thế nào thì nó đã được Việt hóa từ rất xa xưa. Chiếc áo bà ba đã trở thành trang phục rất gần gũi thân thương với người dân Nam Bộ hàng trăm năm nay.

ao-ba-ba-new.jpg
Hậu Giang chuẩn bị cho Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 - Ảnh: HG

Theo sách xưa ghi lại, chiếc áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt. Tuy nhiên trong Từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký, tác giả không hề nhắc đến “áo bà ba”.

Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam có ghi: “Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19, Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Ngày nay, áo bà ba vẫn có thể gợi sự nghiêm túc nếu đừng lòe loẹt, cần nhất là thái độ của người mặc”.

ao-ba-ba-1.jpg
Nữ tướng Nguyễn Thị Định  đep mạnh mẽ trong trang phục áo bà ba - Ảnh: Tư liệu

Theo Vikipedia.org, thực tế không có sắc tộc nào được gọi là người Bà Ba với nghĩa “người Mã Lai lai Trung Hoa”. Trên thực tế, chỉ có người Peranakan. Trong tiếng Malaysia và Indonesia, chữ Peranakan đều có nghĩa đen là “hậu duệ”. Khái niệm người Peranakan có nghĩa là “hậu duệ của những người Trung Quốc đến định cư ở những vùng thuộc địa của Anh quốc ở Đông Nam Á”, thường được gọi là Peranakan Chinese hay Baba-Nyonya, là hậu duệ của những người Trung Quốc nhập cư vào Malaysia từ thế kỷ 15 đến 17.

Trong những thế kỷ trước, có thể áo bà ba đã xuất hiện tại Việt Nam. Đây là sự giao lưu văn hóa thông qua việc buôn bán. Người Việt Nam có thể đã giao lưu văn hóa với người Peranakan, cách tân kiểu áo của họ để có được "áo bà ba" như ngày nay.

ao-ba-ba-3.jpg
Tại khu du lịch Ông Đề, khách thích thú với trang phục áo bà ba - Ảnh: Văn Kim Khanh

Từ ghép “Baba-Nyonya” cũng không phải dùng để chỉ người Bà Ba. Đây là từ dùng để gọi chung cho người Peranakan trong tiếng Malaysia (và cả tiếng Indonesia). “Baba” dùng để chỉ “đàn ông” còn Nyonya dùng để gọi “đàn bà” ở đảo Penang thời Malaysia còn là thuộc địa của Anh.

Trải qua thời gian, chiếc áo bà ba đã nhiều lần được cách tân, Việt hóa cho phù hợp với sự vận động của cơ thể người mặc cũng như sự thay đổi về tư duy thời trang. Chiếc áo bà ba truyền thống hiện nay đã được các nhà thời trang cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn. Đến thế kỷ 19 đã có sự cải tiến quan trọng cho bộ y phục du nhập thành bộ y phục thông dụng mà chúng ta thấy ngày nay, đó là bộ quần áo có tên bà ba.

Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường mặc bộ bà ba đen đi làm đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt. Chính nhờ tính tiện dụng và thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ và phong phú với chất liệu vải đắt tiền hơn như: lụa, vải KT... Vải may còn là loại vải ú, vải sơn đầm, vải nilong dù… rất mau khô.

Chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng cần thiết. Vào những năm 1970, áo bà ba không thẳng và rộng như xưa mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Với áo may kiểu này, người phụ nữ trông vừa kín đáo vừa hấp dẫn.

ao-ba-ba-2.jpg
Khách tây với trang phục áo bà ba - Ảnh: Tư liệu

Áo bà ba được những người phụ nữ tham gia đánh giặc thời chống Mỹ mặc  rất phổ biến. Nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng đội quân tóc dài trong phong trào Đồng khởi hầu hết đều mặc áo bà ba. Ngày nay ta có thể thấy áo bà ba ngoài đồng ruộng, mềm mại trên những chuyến đò ngang, thấp thoáng bên những rặng dừa, tung bay theo gió trên những chiếc cầu tre lắt lẻo, áo bay bổng trong điệu hò điệu lý. Tất cả rất đời thực và rất nên thơ.

Kỳ Festival áo bà ba lần này Hậu Giang sẽ làm sống lại lịch sử phát triển của áo bà ba, những nét đẹp của phụ nữ Nam Bộ trong chiếc áo bà ba. Chắc chắc sẽ có nhiều nét mới của các nhà thiết kế thời trang, cách tân áo bà ba theo hướng vừa hiện đại vừa kế thừa truyền thống để áo bà ba luôn sống trong tình cảm của người dân Nam Bộ trong thời 4.0.

ao-bb-3.jpg
Cô gái miền Tây duyên dáng với áo bà ba - Ảnh: Tư liệu

Và lần này câu hát "Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm. Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ đến mong manh. Nón lá đội nghiêng coi thường con sóng dữ. Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời"... của tác giả Trần Thiện Thanh sẽ vang lên từ Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng Cửu Long.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 19.9, Đảng ủy Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp hội) tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 14.6.2024 của Bộ Chính trị; kế hoạch, hướng dẫn của Đảng ủy khối về Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương lắm áo bà ba