Tỉ phú George Soros nhận định chủ nghĩa dân tộc và biến đổi khí hậu là 2 thách thức song sinh đe dọa đến sự tồn tại của nền văn minh nhân loại. Do đó tại WEF mới đây, ông đã tuyên bố cam kết tài trợ 1 tỉ USD cho dự án quan trọng nhất cuộc đời mình...
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hôm thứ Năm, tỉ phú Soros cam kết 1 tỉ USD để tài trợ cho một mạng lưới trường đại học mới nhằm giải quyết chủ nghĩa dân tộc (nationalism - theo Forbes, theo Fortune là authoritarianism tức chủ nghĩa độc tài) và biến đổi khí hậu (theo Fortune).
Ông còn gọi chúng (hai vấn đề trên) là những thách thức song sinh (twin) đe dọa đến sự tồn tại của nền văn minh nhân loại, Fortune dẫn lời Soros.
Theo Forbes, tỉ phú 89 tuổi người Mỹ gốc Hungary đã tuyên bố Mạng lưới Đại học Xã hội Mở (Open Society University Network, OSUN) là một nền tảng quốc tế về giảng dạy và nghiên cứu, là mạng giáo dục đổi mới mà thế giới thực sự cần, nơi các trường đại học hiện có trên toàn thế giới có thể tham gia.
OSUN sẽ ra mắt thông qua sự hợp tác của Đại học Trung Âu (Central European University) do chính ông hỗ trợ và Cao đẳng Bard (Bard College).
Ông cho biết "mạng lưới này là dự án quan trọng nhất của cuộc đời tôi", được xây dựng dựa trên hoạt động của Quỹ xã hội Mở (Open Society Fund), một mạng lưới từ thiện trên toàn thế giới của ông, là nơi đã đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án về dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới, Forbes cho biết. Công ty Quản lý quỹ Soros (Soros Fund Management) trị giá 25 tỉ USD hiện chủ yếu quản lý tiền cho quỹ này.
"Đây là một chiến lược dài hạn, hy vọng cao nhất của chúng tôi nằm ở việc tiếp cận giáo dục chất lượng, cụ thể là giáo dục củng cố quyền tự chủ của cá nhân bằng cách nuôi dưỡng tư duy phê phán và nhấn mạnh tự do học thuật", Fortune dẫn lại lời Soros.
Trong bài phát biểu nói trên tại WEF, theo Fortune, tỉ phú Soros đã đề cập đến một loạt vấn đề từ nền kinh tế Mỹ đang quá nóng, đến sự thống trị của Facebook và sự cai trị độc đoán (autocratic rule - Fortune) của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn của thế giới. Nói cách khác, tỉ phú này đã có những lời phát biểu gay gắt dành cho họ.
Ông cũng nói đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu và tình trạng bất ổn trên toàn thế giới và cho rằng năm 2020 và vài năm tới sẽ quyết định không chỉ số phận của Mỹ - Trung mà còn cả số phận của thế giới.
Và Soros một lần nữa chỉ trích Facebook vì đã không kiểm soát được mạng xã hội của mình.
"Không có gì ngăn cản họ được và tôi nghĩ có một kiểu hoạt động hỗ trợ lẫn nhau không chính thức hoặc là thỏa thuận phát triển giữa ông Trump và Facebook", Soros nói. "Facebook sẽ hợp tác để bầu lại ông Trump và ông Trump sẽ làm việc để bảo vệ Facebook".
Thực tế, tỉ phú Soros đã nhấn mạnh vào những chủ đề này trong các bài phát biểu trước đây ở WEF.
Theo đó, ông đả kích các đại gia truyền thông xã hội bao gồm Facebook và Google, nói rằng hoạt động của họ cần phải đưa vào quy định. Ông đã so sánh họ với các công ty đánh bạc khi luôn thúc đẩy sự nghiện ngập của người dùng, khai thác dữ liệu của người dùng nhưng lại mất kiểm soát chúng.
Đánh thuế tài sản phải bao gồm đạo đức và trách nhiệm
Theo dữ liệu của Forbes thì George Soros là ông trùm quỹ đầu cơ nổi tiếng người Mỹ gốc Hungary, từng làm cả công việc bốc vác và bồi bàn.
Năm 1992, ông nổi danh toàn cầu khi kiếm được 1 tỉ USD lợi nhuận trong bối cảnh ngày Thứ tư Đen tối ở Anh. Soros sau đó đã chuyển 18 tỉ USD từ công ty gia đình của mình sang Open Society Fund vào năm 2018. Hiện khối tài sản của ông là 8,4 tỉ USD.
Tháng 6.2019, Soros và một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp giàu có nhất thế giới đã ký một bức thư kêu gọi chính quyền Mỹ phải đánh thuế tài sản (lên người giàu) một cách có trách nhiệm và đạo đức.
"Nước Mỹ có trách nhiệm về đạo đức và kinh tế để đánh thuế sự giàu có của chúng ta nhiều hơn. Bởi thuế tài sản có thể giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu, cải thiện nền kinh tế, cải thiện kết quả y tế, tạo cơ hội cho công bằng và tăng cường các quyền tự do dân chủ. Thuế tài sản được tạo ra là vì lợi ích nước Mỹ của chúng ta", Soros nói.
Thi Anh lượcdịch từ Forbes, Fortune