Đài CNN cho biết các nhà khoa học ở Nam Phi đã tiêm chất phóng xạ vào sừng của 20 cá thể tê giác như một phần của dự án nhằm làm giảm tình trạng săn trộm.
Bảo vệ môi trường

Tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác để ngăn nạn săn trộm

Cẩm Bình 14:39 29/06/2024

Đài CNN cho biết các nhà khoa học ở Nam Phi đã tiêm chất phóng xạ vào sừng của 20 cá thể tê giác như một phần của dự án nhằm làm giảm tình trạng săn trộm.

Máy dò bức xạ đặt ở biên giới sẽ phát hiện sừng tê giác, giúp chính quyền bắt giữ đối tượng săn trộm lẫn đối tượng buôn lậu.

Dự án quy tụ nhiều bác sĩ thú y và chuyên gia hạt nhân thuộc Đơn vị Vật lý y tế và phóng xạ (Đại học Witwatersrand). Trước tiên họ gây mê con vật, sau đó khoan một lỗ trên sừng rồi cẩn thận đưa chất phóng xạ vào. Tuần qua có 20 cá thể tê giác được tiêm, các nhà khoa học hy vọng có thể mở rộng dự án sang các loài thường bị săn trộm khác như voi hay tê tê.

“Cách này giúp ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê giác xuyên biên giới rất hiệu quả, vì toàn cầu có mạng lưới giám sát hạt nhân phục vụ công tác chống khủng bố. Chúng tôi dựa vào mạng lưới”, giáo sư James Larkin (người đứng đầu dự án) giải thích.

tiem.jpg

Theo số liệu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, số lượng tê giác toàn cầu vào đầu thế kỷ 20 là khoảng 500.000 cá thể. Hiện nay con số này giảm còn khoảng 27.000 do nhu cầu sừng tê giác trên thị trường chợ đen tiếp tục tăng.

Nam Phi có số tê giác nhiều nhất thế giới (16.000 cá thể) nên trở thành điểm nóng của tình trạng săn trộm. Ước tính mỗi năm có đến hơn 500 cá thể bị giết hại.

Số vụ săn trộm sụt giảm đáng kể khi đại dịch COVID-19 hoành hành, nhưng sau khi hạn chế đi lại được dỡ bỏ thì lại gia tăng. Vì vậy ông Larkin cùng đồng nghiệp quyết tâm tìm ra cách thức ngăn chặn hữu hiệu hơn.

Dự án tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác nhận được sự ủng hộ từ một số người trong ngành. Giáo sư Nithaya Chetty (Đại học Witwatersrand) cho biết họ dùng chất phóng xạ liều lượng thấp đã được chứng minh an toàn với động vật.

Tuy vậy vẫn có ý kiến chỉ trích. Chủ tịch Hiệp hội Chủ sở hữu tê giác tư nhân Pelham Jones nói rằng các đối tượng săn trộm và buôn lậu giờ đây đã tìm ra nhiều cách đưa sừng ra nước ngoài mà chẳng cần qua cửa khẩu, do chúng cũng biết nếu qua cửa khẩu thì nguy cơ bị phát hiện rất cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.2024
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 diễn ra vào sáng 29.6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kỳ họp thứ 7 với 460/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác để ngăn nạn săn trộm