UBND tỉnh Tiền Giang đang vận động chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hộ mới thoát nghèo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, hiện nay các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức tôn giáo... trong tỉnh Tiền Giang đã tập trung vận động, đóng góp cho quỹ “Vì người nghèo” và chương trình Tết vì người nghèo để giúp các hộ khó khăn thêm niềm vui xuân đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Dù đời sống kinh tế - xã hội có những bước phát triển khá nhưng toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay vẫn còn trên 4.900 hộ nghèo, 8.600 hộ cận nghèo và hơn 20.000 trường hợp khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, già yếu, neo đơn và nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ... không có điều kiện đón xuân mới, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.
UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản về việc vận động chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hộ mới thoát nghèo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, từ nay đến hết ngày 4.2, tổ chức phát động và vận động rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động của các cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp; các cơ sở tôn giáo; các nhà hảo tâm; đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể và nhân dân tùy theo khả năng, đóng góp cho quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến mỗi trường hợp khó khăn sẽ được nhận một phần quà trị giá 400.000 đồng.
Chùa Liên Hoa tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo là đơn vị rất tích cực với hoạt động thiện nguyện này trong nhiều năm qua. Trong dịp Tết cổ truyền 2024, chùa sẽ vận động 2.000 phần quà thông qua chương trình “Niềm vui Di Lặc” để tặng cho các hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Đại đức Thích Minh Phước, trụ trì chùa Liên Hoa chia sẻ: “Dịp Tết cổ truyền năm nay, chùa Liên Hoa cũng như bản thân tôi sẽ cố gắng vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước trao tặng khoảng 2.000 phần quà cho các hộ khó khăn, các em học sinh nghèo. Chương trình này có tên “Niềm vui Di Lặc” và đã được duy trì trong suốt 11 năm qua”.