Ngày 20.8, tỉnh Tiền Giang tổ chức kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20.8.1864 - 20.8.2024) và đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt các địa điểm khởi nghĩa Trương Định.
Tham dự lễ kỉ niệm và dâng hương có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các lãnh đạo cơ quan Trung ương; các cấp tướng của Quân khu 9, Quân khu 7; lãnh đạo các địa phương... cùng đông đảo cán bộ, nhân dân tỉnh Tiền Giang.
Anh hùng dân tộc Trương Định quê ở xã Tịnh Khê, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Huế, ông đem hết tài sản đi chiêu mộ dân nghèo vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi vào khai hoang lập đồn điền ở Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) và được bổ chức Phó quản cơ của đồn điền. Khi thực dân Pháp mở rộng xâm lược miền Nam, Trương Định mộ quân, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng quan trọng, khiến quân thù khiếp sợ, ông được suy tôn là “Bình Tây Đại nguyên soái”.
Đêm 19.8.1864, dò biết nơi ở của Trương Định, tên phản bội Huỳnh Công Tấn cho quân bao vây. Trong cuộc bao vây này, ông và nghĩa quân chiến đấu chống trả quyết liệt, diệt được một số quân địch, nhưng Trương Định bị thương nặng. Biết mình không sống được và quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng. Năm ấy, ông tròn 44 tuổi. Thi hài ông được gia đình và nhân dân đưa về an táng trọng thể tại TP.Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Tại TP.Gò Công và huyện Gò Công Đông đã xây dựng tượng đài, đền thờ người anh hùng Trương Định ở vị trí trang trọng.
Dịp này, tỉnh Tiền Giang có 3 di tích lịch sử các địa điểm khởi nghĩa Trương Định bao gồm: Di tích “Đám lá tối trời” – bản doanh của nghĩa quân; di tích Ao Dinh – nơi Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định hy sinh; di tích Lăng mộ và đền thờ Trương Định cũng vừa được Chính phủ cấp bằng công nhận xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.