Để thu hút du khách sau giai đoạn dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đã phát triển nhiều mô hình tham quan mới lạ, độc đáo.

Tiền Giang: Nhiều mô hình du lịch 'độc lạ' thu hút khách tham quan

Mỹ Tho | 15/08/2022, 22:40

Để thu hút du khách sau giai đoạn dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đã phát triển nhiều mô hình tham quan mới lạ, độc đáo.

Trại rắn Đồng Tâm (Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến Dược liệu Cục hậu cần, Quân khu 9) tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, là địa điểm độc đáo thu hút đông đảo du khách. Ngoài việc phục vụ khách du lịch và nghiên cứu các loại rắn độc, chim, thú nuôi, gần đây đơn vị này còn đưa nội dung biểu diễn rắn vào chương trình tham quan như: cho rắn ăn, lột da rắn, lấy nọc rắn…

Tham quan trại rắn Đồng Tâm là một tour du lịch chính không thể thiếu khi đến Tiền Giang. Ngoài ra, để thu hút du khách sau giai đoạn dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đã phát triển nhiều mô hình tham quan mới lạ.

ong-khanh.jpg
Ông Đoàn Văn Khanh với điểm du lịch “Ve chai thần kỳ” - Ảnh: Mỹ Tho

Gia đình ông Đoàn Văn Khanh (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vừa đưa vào hoạt động khu du lịch “Ve chai thần kỳ”. Đây được xem là điểm du lịch có một không hai tại khu vực ĐBSCL. Trên khu vườn dừa rộng hơn 4.000m2, ông Khanh cho xây dựng điểm du lịch “Đi trên ngọn dừa”. Các hoạt động tham quan, nghỉ mát của du khách đều ở trên cao cách mặt đất khoảng 3 mét.

Theo đó, ông Khanh lắp ghép các khung, trụ sắt chắc chắn ở tầm cao gần với các ngọn cây dừa, sau đó trải thảm bằng các tấm thép để làm nơi cho du khách đi tham quan. Trên khoảng không này, ông xây dựng các hàng rào, cầu thang bằng vật liệu thép, xen kẽ là những căn nhà mini lắp ghép bằng vỏ chai nhựa rất độc đáo.

mo-hinh-du-lich-la.jpg
Những nơi dành cho du khách nghỉ chân được lắp ghép bằng vỏ chai nhựa rất độc đáo - Ảnh: Mỹ Tho

Khi tham quan khu du lịch “Ve chai thần kỳ”, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vườn dừa sáp sai trái, được hái dừa, uống nước dừa và tận hưởng bầu không khí mát mẽ, gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, khách tham quan còn được thực hành bắn giàn ná thun - một loại vũ khí thô sơ do cán bộ, chiến sĩ vùng "Vành đai Bình Đức" tự chế để tiêu diệt địch rất hiệu quả.

Ẩm thực của khu du lịch này cũng rất độc đáo, mang tính “cây nhà, lá vườn” với hương vị đồng quê. Đó là những bữa ăn để lại ấn tượng cho du khách như: bánh xèo nước cốt dừa sáp, mắm kho cá tra bưởi, khoai lang, khoai mì nướng, khoai môn chiên, bánh khọt, bánh canh bột xắt… Du khách cũng có thể mua sắm 42 sản phẩm dược phẩm, dược liệu từ trái bưởi, trái dừa sáp, các thảo dược do lương y Đoàn Văn Khanh bào chế.

khach-len-ngon-dua.jpg
Du khách có thể lên tận ngọn dừa an toàn - Ảnh: Mỹ Tho

Tuy mới đưa vào hoạt động nhưng khu du lịch “Ve chai thần kỳ” đã hấp dẫn nhiều khách tham quan bởi tính độc, lạ của nó. Các cựu chiến binh xa gần rất thích bắn giàn ná thun và chiêm ngưỡng các mô hình làm bằng các vật che chai, túi nhựa mà các nơi bỏ phế.

Ông Đoàn Văn Khanh nói điểm du lịch “Ve chai thần kỳ” không chú trọng doanh thu, miễn phí vé cho khách tham quan. Ông và gia đình muốn tạo nét mới cho ngành du lịch, đồng thời kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường: “Tôi tính đến vấn đề môi trường vì hiện nay chai nhựa rất nhiều. Mình kết hợp nó với các vật dụng từ nhựa để góp phần bảo vệ môi trường”.

bai-ban.jpg
Điểm tập bắn bằng giàn ná thun - Ảnh: Mỹ Tho

Tại bờ sông Tiền thuộc thành phố Mỹ Tho còn có Cảng du thuyền của Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho, cũng là điểm nhấn của ngành du lịch địa phương. Sau khi trải qua dịch COVID-19, gần đây Cảng du thuyền Mỹ Tho đã tiếp đón đoàn khách quốc tế trải nghiệm hành trình từ TP.HCM đi Campuchia trên du thuyền 5 sao. Đoàn khách có hơn 40 người đến từ nhiều nước trên thế giới.

z3645438360419_089ea249253c60ce7169db4f56d1af1b.jpg
Khu du lịch Ngũ Hiệp - Ảnh:  Mỹ Tho

Nhằm phát huy ngành kinh tế quan trọng, hiện nay nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trong tỉnh Tiền Giang đã và đang đầu tư các khu, điểm kinh doanh du lịch theo từng kiểu riêng, rất độc đáo.

Tại cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, ông Trình Văn Sỹ, chủ của 2 ha sầu riêng đang “biến” vườn cây đặc sản này thành điểm du lịch “cây nhà, lá vườn” ven sông Tiền. Du khách đến đây sẽ tận hưởng không khí mát lành của vườn sầu riêng trĩu quả, được ăn sầu riêng và các đặc sản của vùng cù lao này, được ngắm cảnh sông Tiền thơ mộng hay tắm bùn ngay trên bãi sông.

Ông Trình Văn Sỹ cho biết: “Vườn cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng, kết hợp với du lịch là hướng tôi mở ra để động viên bà con trồng thêm các cây khác để phù hợp cho khách tham quan. Tôi làm du lịch miệt vườn nên vận động bà con ở đây sản xuất những sản phẩm truyền thống của Ngũ Hiệp như đan lục bình theo kiểu cây nhà lá vườn. Tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để tôi phát triển doanh nghiệp du lịch đột phá đầu tiên để bà con có công ăn việc làm, mở bến bãi du lịch”.

Có thể nói, với đa dạng các hoạt động du lịch, hướng về thiên nhiên, gần gũi với môi trường, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đang có bước chuyển rất rõ nét từ khi dịch bệnh lắng dịu. 

Ông Nguyễn Vũ Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiện nay trung bình mỗi ngày Bến tàu thủy Du lịch Mỹ Tho đón khoảng 400 - 500 lượt khách đi tham quan sông nước và các điểm du lịch trên cù lao Thới Sơn (TP.Mỹ Tho). Những ngày cuối tuần, bến tàu đón khoảng 1.000 - 1.400 lượt khách. Mới đây, bến tàu còn đón đoàn khách 400 người của Công ty Volvo-Eicher (Ấn Độ) đến tham quan, du lịch tại cù lao Thới Sơn”.

Hiện nay, nguồn khách quốc tế đến Tiền Giang đã phục hồi khoảng 40% so với trước dịch. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang đón khoảng 350.000 lượt khách, trong đó có 9.200 khách quốc tế. Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, số du khách mỗi tháng đến địa phương càng tăng; hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp, người dân cũng đang được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Nhiều mô hình du lịch 'độc lạ' thu hút khách tham quan