Hãng AFP dẫn lời Văn phòng Tổng thống Bangladesh ngày 7.8 thông báo tiến sĩ kinh tế Muhammad Yunus sẽ đứng đầu chính phủ lâm thời của nước này.
Thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng thống Mohammed Shahabuddin với giới chỉ huy quân đội và đại diện sinh viên. Theo Văn phòng Tổng thống Bangladesh: “Tất cả quyết định thành lập chính phủ lâm thời do Giáo sư-tiến sĩ Muhammad Yunus đứng đầu. Ngài Tổng thống kêu gọi người dân giúp đỡ vượt qua khủng hoảng. Việc nhanh chóng thành lập chính phủ lâm thời vô cùng cần thiết để vượt qua khủng hoảng”.
Trước đó, nhóm tổ chức biểu tình thời gian qua là Phong trào Sinh viên chống phân biệt đối xử đã đề xuất để tiến sĩ Yunus làm cố vấn cấp cao. Ông nhận giải Nobel vào năm 2006 nhờ sáng kiến ngân hàng Grameen cho người nghèo vay vốn nhỏ không cần điều kiện bảo đảm. Do chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Thủ tướng Sheikh Hasina, tháng 1 năm nay ông bị buộc tội vi phạm luật lao động nhưng được tại ngoại.
Tiến sĩ Yunus hiện chưa về nước. Một ngày trước đó, ông nói với AFP: “Nếu cần hành động vì đất nước thì tôi sẽ hành động”.
Giáo sư kinh tế - chính trị học Lutfey Siddiqi (Đại học Quốc gia Singapore) nhận định không ai thích hợp hơn tiến sĩ Yunus: “Ông ấy có sức mạnh mềm lẫn vị thế quốc tế. Hiện tại Bangladesh cần tập hợp sự ủng hộ của quốc tế”.
Học giả nghiên cứu Nam Á Amit Ranjan (Đại học Quốc gia Singapore) chỉ ra: “Hòa bình, luật pháp và trật tự không được thiết lập thì bất kỳ chính phủ nào cũng khó lòng điều hành đất nước. Ưu tiên số 1 của ông ấy nên là khôi phục hòa bình, xoa dịu người biểu tình”.
Ngoài quyết định người lãnh đạo, Văn phòng Tổng thống Bangladesh không công bố thông tin nào khác về chính phủ lâm thời, kể cả vai trò của giới lãnh đạo quân đội.
Giữa tháng 7 biểu tình bùng lên trên khắp Bangladesh do sinh viên bất mãn với hạn ngạch viên chức mới. Theo các sinh viên, cơ chế hạn ngạch (phân bổ 1/3 chỉ tiêu cho gia đình cựu chiến binh từng tham gia giành độc lập cho Bangladesh năm 1971) chỉ đem lại lợi ích cho người ủng hộ đảng Liên đoàn Awami của Thủ tướng Hasina.
Thủ tướng Hasina lập tức ban bố lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội. Hệ quả là số người thiệt mạng - tính cả người dân lẫn thành viên lực lượng an ninh - không ngừng tăng.
Lực lượng an ninh đứng về phía Thủ tướng Hasina khi biểu tình mới nổ ra, nhưng đến ngày 3.8, Tổng tư lệnh quân đội Waker-Uz-Zaman bất ngờ tuyên bố quân đội luôn đứng về phía nhân dân. Một ngày sau Thủ tướng Hasina từ chức và lên trực thăng rời khỏi đất nước.