Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập.

Tìm cơ chế nguồn vốn và giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3 TP.HCM

Tình Xuân | 03/12/2022, 07:00

Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập.

Ngày 2.12 tại TP.HCM, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Thúc đẩy dự án Vành đai 3 – Động lực cho vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”.

1-vanh-dai.jpg
Sơ đồ tuyến đường vành đai 3 qua địa phận TP.HCM - Ảnh: Trịnh Xuân

Tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự án vành đai 3 có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Dự án có vai trò, sứ mệnh rất lớn trong việc giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng trong kết nối vùng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Cường nói.

Còn theo ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, dự án vành đai 3 kết nối TP.HCM có tính chất liên kết vùng, là điểm đầu của các tuyến cao tốc, kết nối với các tuyến quốc lộ hướng tâm.

“Việc hoàn thành dự án chắc chắn sẽ mang đến sự thay đổi đột phá về cục diện giao thông, góp phần tháo gỡ 3 điểm nghẽn đã tồn tại hàng chục năm qua trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm điểm nghẽn về giao thông, điểm nghẽn về không gian phát triển và điểm nghẽn về động lực, nguồn lực phát triển.

Do đó đường vành đai 3 cần được đầu tư sớm và là nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An trong thời gian tới”, ông Bằng nêu quan điểm.

Cũng theo ông Bằng, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, UBND TP.HCM đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi; tổ chức hội nghị triển khai, ký kết kế hoạch triển khai với UBND các tỉnh; thành lập Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy, Hội đồng cố vấn cho dự án; ban hành kế hoạch triển khai chi tiết các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM.

Dự án cũng đã được phê duyệt hồ sơ, cắm cọc ranh giải phóng mặt bằng, bàn giao cho UBND thành phố Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh (TP.HCM) để thực hiện các công việc tiếp theo phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hiện tại các địa phương của TP.HCM đang tập trung triển khai các công việc tiếp theo phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, điều tra xã hội học, tìm hiểu nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức.

Cùng với đó, các cơ quan tham mưu, chủ đầu tư, tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hoàn thành mục tiêu gần nhất là phê duyệt dự án đầu tư vào đầu tháng 12.2022. Sau khi được phê duyệt, dự án sẽ triển khai ba nhóm công việc chính.

Cụ thể, chuẩn bị thiết kế, dự toán, bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu và khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 6.2023. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự kiến tháng 6.2023 sẽ bồi thường xong 70% đất trong dự án và hoàn thành bàn giao mặt bằng vào tháng 12.2023.

TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An triển khai đồng bộ thiết kế kỹ thuật cũng như đáp ứng tổng tiến độ chung mà Thủ tướng đã giao.

“Dự án vành đai 3 TP.HCM là dự án trọng điểm, đi qua nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, công tác xây dựng với khối lượng rất lớn, để đảm bảo tiến độ đề ra cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các tỉnh và TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ”, ông Bằng chia sẻ.

2-vanh-dai.jpg
Các đại biểu dự hội thảo tham quan triển lãm quy hoạch tuyến đường vành đai 3 - Ảnh: Trịnh Xuân

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, để dự án triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật, một cơ chế thông thoáng là không thể thiếu.

Trước hết và quan trọng nhất là cơ chế để giải phóng mặt bằng. Mặc dù, Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội đã cho phép.

“Người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu… các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

Tuy nhiên, chỉ định thầu cho bất kỳ ai, thì mức giá đền bù phải như thế nào, hỗ trợ tái định cư cần ra sao vẫn là những vấn đề còn phải mất vô cùng nhiều công sức mới có thể giải quyết được, Tiến sĩ Dũng đặt câu hỏi.

Kinh nghiệm của việc thực hiện dự án vành đai 2 TP.HCM cho thấy, đây là những vấn đề có khi phải mất đến hàng chục năm trời chưa chắc đã giải quyết xong. Dự án vành đai 3 lên kế hoạch đến tháng 6 năm 2023 giải phóng 70% mặt bằng là một kỷ lục về tiến độ thời gian.

“Xác định giá đất chỉ căn cứ vào loại đất mà không căn cứ vào vị trí của đất đai là không hoàn toàn hợp lý. Vì thế, nên chăng lần này, bên cạnh loại đất, thì vị trí đất cũng cần được xem xét để xác định giá đền bù cho dân. Nếu cơ chế này được giải quyết, sự đồng tình của người dân với chủ trương thu hồi đất chắc chắn sẽ cao hơn”, Tiến sĩ Dũng nói.

Bàn về thủ tục triển khai dự án, Tiến sĩ Dũng cho rằng, dự án vành đai 3 chia thành 8 dự án thành phần. Mỗi dự án thành phần đều phải trải qua trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định đầu tư như đối với dự án đầu tư công nhóm A.

Cách làm này quả thật không biết có hợp lý hay không? Khi Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3, thì nên chăng cần tiến hành các thủ tục tiếp theo cho cả dự án này.

“Có thể nghiên cứu phương án giao TP.HCM làm chủ đầu tư, sau đó TP.HCM sẽ ký hợp đồng với các địa phương khác để triển khai các phần việc cấu thành.

Làm theo cách này sẽ không chỉ tiết kiệm được thời gian, mà còn bảo đảm được sự nhất quán của các chuẩn mực và quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, phần đường vành đai đi quan địa phương nào vẫn do địa phương đó đảm nhận”, Tiến sĩ Dũng đề xuất.

Trước đó, ngày 16.6, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 57/2022/QH15 quyết định chủ trương đầu dự án vành đai 3. Đến ngày 15.8 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP để triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội. Ngày 26.9, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án trên địa bàn.

Ngày 7.10, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định một trong số các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết là: “Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.HCM… Đến năm 2026 hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM…”.

Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; đường song hành 2 bên đáp ứng 2 - 3 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2022 – 2027.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm cơ chế nguồn vốn và giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3 TP.HCM