Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay hoạt động thông tin và tư liệu ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực thông tin và tư liệu. Từ đó trong xã hội xuất hiện một nghề mới, nghề thông tin tư liệu, mà ta thường gọi tắt là nghề thông tin.
Nghề thông tin là gì?
Nghề thông tin được xác định bởi nhiệm vụ cơ bản mà nó phải hoàn thành, đó là: tìm, xử lý, sản xuất và phân phối thông tin, bao gồm cả việc tăng thêm giá trị cho các thông tin ấy, nhằm thoả mãn nhu cầu thông tin dù được thể hiện ra hay không của các nhóm người dùng tin và cung cấp cho họ những nguồn thông tin hữu ích, những thông tin này nói chung được tạo thành bởi các các tài liệu dưới dạng văn bản, âm thanh hoặc hình ảnh.
Nghề thông tin bao gồm nhiều nghề, chúng ngày càng nhiều và khác nhau tuỳ theo yêu cầu thay đổi của xã hội và những công nghệ được áp dụng. Những nghề này có tên gọi khác nhau. Bên cạnh những người làm tư liệu truyền thống như những thủ thư, những người làm lưu trữ, ngày nay ta thấy có những người chuyên phân tích tổng hợp tin, nhữngngười chuyên trách việc tìm tin, những người quản lý cơ sở dữ liệu, những nhà dự báo chiến lược...
Mỗi nghề trong những nghề này được đặc trưng bởi những hoạt động mà nó phải thực hiện, trong đó ngoài tri thức và kỹ thuật chuyên môn nó đòi hỏi người làm nghề phải có năng lực nhất định.
Việc xác định chính xác các năng lực này là rất cần thiết cho công tác tuyển dụng, đào tạo và nhất là để cho những người làm nghề thông tin chuyên nghiệp biết họ phải chuẩn bị những gì.
Nghề thông tin trước yêu cầu mới
Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại trong công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, xu hướng toàn cầu hoá, sự ra đời nền kinh tế điện tử, sự có mặt của Internet ở khắp mọi nơi,... đang làm thay đổi mọi lĩnh vực hoạt động của con người trong đó có nghề thông tin. Nghề thông tin đang đứng trước những thách thức sau:
Lượng kiến thức ghi lại dưới hình thức in ấn truyền thống và và bằng các phương tiện khác ngày càng gia tăng. Xuất hiện nhiều loại hình tài liệu mới: các CD-ROM, các cơ sở dữ liệu online, các nguồn thông tin trên mạng, các sách báo điện tử (e-book, e-journal), các thông tin đa phương tiện,... Khối lượng thông tin tư liệu đó tăng nhanh đến mức nếu như không có các phương tiện kỹ thuật và phương pháp xử lý thông tin hiện đại thì không thể nào kiểm soát và sử dụng nổi dòng thông tin và tư liệu khổng lồ hiện có.
Nhờ công nghệ thông tin và truyền thông, tốc độ xử lý thông tin ngày càng nhanh, khả năng truy nhập tới các nguồn thông tin ngày càng mở rộng và nhu cầu hợp tác trong môi trường thông tin ngày càng phát triển. Công nghệ thông tin đang thực sự mở rộng bốn bức tường của các thư viện truyền thống. Ngày nay khả năng ứng dụng công nghệ thông tin mới trong việc xây dựng các hệ thống thông tin tự động hoá, các thư viện điện tử, thư viện số nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ và phổ biến thông tin, phát huy tiềm lực của từng đơn vị thông tin, thư viện đồng thời vươn tới sử dụng các nguồn lực của các trung tâm thông tin, các thư viện khác ở trong và ngoài nước.
Ngày nay máy tính cá nhân đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều người và Internet đã thực sự trở thành một môi trường mới cho nhiều hoạt động kinh tế, văn hoá và xã hội. Các ứng dụng của máy vi tính và Internet ngày càng phát triển và trở nên phổ cập đang mở rộng khả năng tiếp thu tri thức và hưởng thụ văn hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội đối với mọi người, làm thay đổi mạnh mẽ phương thức giao tiếp, lề lối làm việc của con người.
Tất cả các yếu tố trên đòi hỏi người làm thông tin ngày nay phải có kiến thức về các nguồn tin và cách tổ chức thông tin, hiểu biết về công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông tin có hiệu quả, hiểu biết hơn về nhu cầu của người dùng tin, các hình thức sử dụng thông tin, sao cho có thể tổ chức, truy cập và đáp ứng tối đa yêu cầu thông tin của người sử dụng.
Yêu cầu về năng lực đối với nghề thông tin hiện nay
Năng lực có thể coi là tập hợp các khả năng cần thiết để thực hiện một hoạt động nghề nghiệp và làm chủ những cách hành xử cần thiết. Chúng bao gồm kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và cả năng khiếu nữa. Chúng có thể phân chia thành ba nhóm.
Nhóm thứ nhất bao gồm những năng lực liên quan đến các hoạt động đặc thù của công tác thông tin tư liệu. Nó bao gồm những kiến thức và kỹ năng mang tính chuyên môn và nghiệp vụ mà tất cả các nhà hoạt động thông tin tư liệu chuyên nghiệp phải nắm vững, tất nhiên với trình độ khác nhau tuỳ theo công việc và vị trí trách nhiệm mà họ phải đảm nhận.
Nhóm thứ hai bao gồm những năng lực liên quan đến các lĩnh vực của công nghệ thông tin và truyền thông. Đó là những kiến thức và kỹ năng liên quan đến khả năng kỳ diệu của công nghệ thông tin và truyền thông đang được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các công đoạn của dây chuyền thông tin tư liệu.
Nhóm thứ ba liên quan đến năng lực quản lý và điều hành. Đây không chỉ là đòi hỏi đối nghề thông tin mà còn là đòi hỏi đối với nhiều nghề khác trong xã hội hiện đại.