Triển lãm “Gặp gỡ mùa thu” của các họa sĩ Ngô Đăng Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên, Trần Trọng Đạt được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 20 - 26.9. Một phần doanh thu từ việc bán tranh sẽ ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc khắc phục hậu quả bão lũ.
Văn hóa

Tình thầy trò trong ‘Gặp gỡ mùa thu’

Tiểu Vũ 16/09/2024 16:40

Triển lãm “Gặp gỡ mùa thu” của các họa sĩ Ngô Đăng Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên, Trần Trọng Đạt được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 20 - 26.9. Một phần doanh thu từ việc bán tranh sẽ ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc khắc phục hậu quả bão lũ.

Cuộc triển lãm mang tên Gặp gỡ mùa thu của 4 họa sĩ tuổi ngoài 40 và người thầy của họ là HS Ngô Đăng Hiệp - ngoài 60, như là một sự tình cờ thú vị với những điều khá khác biệt, không chỉ về sắc màu, thời gian mà còn cả không gian và cảm xúc.

cac-hoa-si.jpg
Từ trái qua: HS Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Ngô Đăng Hiệp, Trần Trọng Đạt, Nguyễn Thị Ngọc Ánh

Thật ra, chẳng có gì là lạ khi sự hội tụ này xuất phát từ những hồi ức, kỷ niệm trong những năm tháng đã qua của họ từ ngôi trường sư phạm danh tiếng ở một thành phố biển miền Trung. Khi ấy họa sĩ Ngô Đăng Hiệp là giảng viên, còn 4 người trong nhóm là sinh viên của một khóa sư phạm mỹ thuật. Sau khi trường, 4 họa sĩ trên sống và làm việc ở nhiều vùng miền khác nhau với bao điều cần suy nghĩ, lo toan, nhưng sự đam mê với sáng tạo vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi người. Và rồi, ý tưởng gặp nhau trong triển lãm này thực sự là một sự tụ hội sắc màu của thầy và trò với nhiều cảm xúc.

Dưới đây là chia sẻ của các họa sĩ về quan niệm sáng tác của mình.

Đoàn Tuyên (SN 1976, Hải Phòng)

“Tôi nghĩ, mỗi bức tranh là sự trải nghiệm suy tư trăn trở, khát khao hay cảm nhận, rung động của người họa sĩ. Vì thế, đứng trước một tác phẩm hội họa, ta cảm nhận được những điều họa sĩ muốn gửi gắm, cảm nhận được tình cảm, sự rung động trong tâm hồn và cả trình độ, sự sáng tạo, tìm tòi của người họa sĩ qua cách thể hiện.

huyen-tich-song-xua-doan-tuyen.jpg
"Huyền tích sông xưa" - tác phẩm của họa sĩ Đoàn Tuyên

Với tôi, được vẽ tranh là điều mong muốn, khát khao, nhưng bởi hiện tại những lo toan của cuộc sống đang cuốn mình đi, chưa cho phép tôi được tắm mình trong giấc mơ với nghệ thuật. Vì thế, mỗi khi có dịp được dứt mình ra để vẽ tôi cảm thấy như được tìm về thế giới riêng của mình đầy cảm xúc. Và những lúc như thế tôi hoàn thiện bức tranh rất nhanh, đạt ý.

Tôi nghĩ, mỗi họa sĩ sẽ tìm cho mình một hướng đi tốt nhất, cảm thấy thoải mái và yêu thích nhất để thể hiện những điều mình ấp ủ, miễn là tự cảm thấy hài lòng về điều đó. Tôi sẽ vẽ đến khi mình còn thấy yêu thích, đam mê”.

Hà Văn Chúc (SN 1976, Thanh Hóa)

“Theo tôi, khi xem tranh có nhiều cách tiếp cận, vì có nhiều khuynh hướng khác nhau, cổ điển, hiện thực, lãng mạn, ấn tượng, vị lai, trừu tượng, siêu thực... Có tranh nhìn là hiểu, có tranh xem lâu mới hiểu, có tranh có nhiều chiều kích, mỗi người cảm nhận khác nhau. Hội họa muôn màu muôn vẻ, thú vị vô cùng.

Tôi vẽ không quá khó, song cũng không mấy khi hài lòng, nên hay nhìn ngắm, ngẫm ngợi, chỉnh sửa, bôi xóa. Hôm nay hài lòng có khi mai mốt lại không. Tôi vẽ để thỏa mãn sở thích của mình, tôi hay vẽ phụ nữ, vì tôi thích sự mềm mại, duyên dáng, đáng yêu của họ và vì sự hấp dẫn giới tính nữa.

da-quy-ha-van-chuc.jpg
"Dã quỳ" - tác phẩm của Hà Văn Chúc

Tôi không mấy thích thú khi ai đó gọi mình là họa sĩ, càng chẳng bao giờ xưng tôi là họa sĩ. Tôi không ưng các tuyên ngôn, tuyên bố này nọ, nó quá to tát sang trọng, xa ngái với một kẻ quê mùa như tôi. Nhưng tôi thích vẽ, vì ngoài gia đình và rất ít bạn bè, được vẽ làm tôi hạnh phúc”.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1977, Quảng Bình)

“Tôi luôn tự nói với mình, sau này, khi về già, khi có nhiều thời gian riêng cho mình hơn, mình sẽ vẽ! Nhưng, những người bạn luôn động viên, nếu bạn có niềm yêu thích, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, đừng chờ đợi.

Trước khi vẽ, tôi luôn băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu, hoặc chưa biết nên vẽ về chủ đề gì. Khi bắt tay vào vẽ, tôi cứ để cảm xúc dẫn đường. Từ khi bắt đầu có phác thảo đến khi kết thúc mỗi tác phẩm tôi thường vẽ khá nhanh, không quá trau chuốt về hình và màu, tôi tập trung vào cảm xúc của mình và lấy nó làm yếu tố chính để thể hiện.

nhung-dua-con-cua-me-cua-hs-ngoc-anh.jpg
"Những đứa con của mẹ" - tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Ánh

Để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thật sự không dễ dàng bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng đến con đường của họa sĩ như lòng yêu nghề, sự đón nhận của người xem tranh, và cả vấn đề kinh tế. Nếu một họa sĩ có đủ các yếu tố đó, họ thật sự hạnh phúc, bởi sống được với niềm đam mê của mình và mang lại niềm yêu thích cho người khác thông qua tác phẩm của mình”.

Ngô Đăng Hiệp (SN 1962, Đà Nẵng):

“Tranh chính là người. Khi xem tranh cần chú ý đến tinh thần của tác phẩm. Đó là tâm hồn của tác giả bàng bạc trong từng nét bút, chấm màu. Tôi vẽ tranh rất chậm, từ một đến vài tháng mới xong một bức. Nhưng cũng có khi vài năm sau, tôi vẫn tiếp tục sửa nếu phát hiện ra yếu tố nào đó chưa vừa lòng.

len-nuong-ngo-d-hiep.jpg
"Lên nương" - tác phẩm của Ngô Đăng Hiệp

Với tôi, con đường của họa sĩ là con đường hạnh phúc. HS như người hướng đạo, đưa mọi người đi đến những bến bờ an, vui”.

Trần Trọng Đạt (SN 1976, Hà Nội)

“Với tôi, điều đầu tiên khi nhìn vào một tác phẩm, màu sắc phải hấp dẫn - ấn tượng. Tiếp đến sẽ là hình mảng, ý tứ tác phẩm, kỹ thuật chuyển tải thông tin điêu luyện hoặc không? Cuối cùng bức tranh đó phải hài hòa từ màu sắc, bố cục, mảng miếng, đường nét... phù hợp với nội dung đề tài đặt ra. Tôi luôn đặt cảm xúc lên cao nhất, chính vì vậy tôi vẽ nhanh, khi vẽ giống như ta đang chơi với ngôn ngữ tạo hình, hội họa… và được vẽ tôi thấy rất vui, vì được chơi, rất thoải mái.

festival-ha-long-tran-t-dat.jpg
"Festival Hạ Long" - tác phẩm của Trần Trọng Đạt

Không có con đường khai hoang nào là bằng phẳng. Tôi rất thích một câu nói mới đọc trên mạng: "Nếu bạn làm một việc bạn thích, không cần người khác thúc ép, mà vẫn làm bằng lòng đam mê. Nhưng tầm nhìn sẽ đưa bạn đi đến cuối con đường đã chọn"... Cuối cùng, nếu bán được tranh, tôi sẽ dễ dàng thực hiện đam mê và ước mơ của riêng mình”.

Là triển lãm của nhóm 5 họa sĩ thuộc hai thế hệ, nhưng họ không làm cho công chúng quá chú ý về khoảng cách tuổi nghề, bởi họ gắn kết từ những điểm chung của sự say nghề với những cảm xúc dạt dào không giấu kín.

Tranh của họ rất khác nhau ở sắc màu với những nét mỹ cảm riêng lắng đọng và không khó để nhận diện mỗi người trong đó. Hơn nữa, mỗi người là một hướng đi, mỗi âm sắc, bút pháp và sự khác biệt, điều đó cho thấy những tìm kiếm sáng tạo là trăn trở, khắc khoải của cả cuộc đời để không dẫm theo lối mòn sẵn có nào đó.

Tranh của Ngô Đăng Hiệp sau bao năm tháng đã định hình theo phong cách của anh, với sự trong trẻo, nền nã, tận tâm trong sáng tạo. Tranh của Đoàn Tuyên, Trọng Đạt, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh vừa có những sự gần nhau ở tư duy khám phá, sự mạnh bạo có phần quyết liệt, vừa có cả sự rụt rè, ẩn mình trong mỗi nét mảng hình sắc đang trên đường tìm kiếm và khẳng định. Chính điều đó làm cho phòng tranh trở nên rất gần gũi, chân tình và có cả sự khiêm nhường của những người luôn tự tin vươn về phía trước”.

Trên con đường học hỏi về cái đẹp, định mệnh đưa đẩy họ đã gặp nhau, sau một quãng thời gian dành cho cuộc sống mưu sinh, năm nay thầy và trò quyết định tổ chức một cuộc triển lãm nói lên nhân duyên của họ và lấy tên Gặp gỡ mùa thu

PGS-TS Phan Thanh Bình (Trường Đại học Nghệ thuật Huế)

Bài liên quan
Họa sĩ Việt thành công với những sáng tạo từ tranh vải
Trong suốt 40 năm, họa sĩ Trần Thanh Thục đã sử dụng những tấm vải để tái hiện phong cảnh Việt Nam và những nơi bà từng đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đổi mới cơ chế quản lý
2 giờ trước Sự kiện
Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, chiều ngày 8.10, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tham dự và làm diễn giả chính tại Phiên thảo luận về “Tái cơ cấu hệ thống kinh tế vì tương lai bền vững”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình thầy trò trong ‘Gặp gỡ mùa thu’