Nhiều người lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tháo rời súng thành các bộ phận để mua bán, vận chuyển trái phép. Hành vi này đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Theo dòng thời sự

Tình trạng lách luật, tháo rời súng để mua bán trái phép diễn biến phức tạp

Lam Thanh 03/06/2024 11:50

Nhiều người lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tháo rời súng thành các bộ phận để mua bán, vận chuyển trái phép. Hành vi này đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Sáng 3.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Nhiều loại súng tự chế chưa được quy định trong luật

Thảo luận về dự thảo luật sáng 3.6, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) nhất trí cao với việc bổ sung, đưa linh kiện vũ khí vào nhóm vũ khí quân dụng, bởi qua tổng kết 5 năm thi hành luật các lực lượng chức năng đã phát hiện 743 vụ, bắt giữ 745 người, thu 601.468 linh kiện vũ khí nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Hơn nữa, thực tế hiện nay có những người đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật đã tháo rời súng thành các bộ phận để mua bán, vận chuyển trái phép, hành vi này đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Qua nghiên cứu, tham khảo luật của một số nước trên thế giới (Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Belarus, Úc…) đều quy định linh kiện lắp ráp vũ khí là vũ khí. Vì vậy, việc bổ sung quy định linh kiện vũ khí trong dự thảo luật là phù hợp.

kdawm.jpeg
Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk)

Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm cũng đồng tình với quy định bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng.

Theo đại biểu Phúc Bình, tổng kết 5 thi hành luật hiện hành cho thấy: trong tổng số 2.113 vụ, 3.135 đối tượng sử dụng trái phép các loại súng gây án, có 1.783 vụ, 2.589 đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng.

Tuy nhiên, theo quy định của luật hiện hành, loại vũ khí này một số được xác định là súng săn (súng kíp, súng hơi), một số là vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay); còn nhiều loại súng tự chế chưa được quy định trong luật.

Theo đại biểu tỉnh Đắk Lắk, đối tượng chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại súng này chỉ bị xử lý hình sự theo điều 306 Bộ luật Hình sự, khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích. Mặt khác, nhiều loại súng như súng nén khí, súng bắn đạn bi... chưa có chế tài xử lý.

“Như vậy, việc quy định như luật hiện hành đã không bao quát đầy đủ các loại súng, do đó, tội phạm đã lợi dụng chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại súng này”, đại biểu nêu.

Với những lý do nêu trên, đại biểu cho rằng dự thảo luật đã bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng là cần thiết. Khi sử dụng các loại súng này vào mục đích săn bắn là súng săn, khi sử dụng vào mục đích luyện tập, thi đấu thể thao là vũ khí thể thao là phù hợp.

Dùng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sinh hoạt thì không phải khai báo

Một trong những vấn đề đại biểu còn băn khoăn là quy định về dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.

kdamw-2.jpeg
Quốc hội thảo luận tại hội trường

Cụ thể, dự thảo luật quy định vũ khí thô sơ bao gồm dao có tính sát thương cao, là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm, nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, nhiều ý kiến nhất trí quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao để gây án; tuy nhiên đề nghị không nên quy định về chiều dài lưỡi dao, độ sắc, nhọn của dao vì không phù hợp, không khả thi…

Báo cáo về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu quốc hội, Bộ Công an cho biết tại điểm b khoản 4 điều 3 dự thảo luật quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.

Do đó, việc sản xuất dao có tính sát thương cao vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, nên các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sau khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành phải khai báo thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an xã, phường, thị trấn nơi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc cư trú.

"Đối với trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải khai báo", Bộ Công an khẳng định.

Về đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, căn cứ quy định dao có tính sát thương cao có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên, Bộ Công an cho biết việc quy định dao có tính sát thương cao có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên là dựa trên cơ sở các loại dao găm được trang bị cho lực lượng vũ trang để thi hành công vụ đều có kích thước từ 20cm trở lên; tham khảo luật của một số nước trên thế giới như: Nga, Belarus, Úc... đều quy định kích thước lưỡi dao để quản lý bảo đảm chặt chẽ.

Ngoài ra, qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm sử dụng các loại dao gây án thì đa số các loại dao thu giữ được đều có kích thước lưỡi dao từ 20cm trở lên.

Bài liên quan
Bắt 2 anh em ruột bị truy nã đặc biệt nguy hiểm, thu nhiều súng
Chiều 15.6, Công an TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang đã phối hợp Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh bắt giữ 2 anh em ruột trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm, gồm: Trần Hồng Sang (SN 1994) và Lê Hồng Oai (SN 1992, cùng ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điện mặt trời mái nhà: Phải có hiệu quả kinh tế thì dân mới làm
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải có hiệu quả kinh tế thì người dân mới làm, còn nhà nước có thêm nguồn điện huy động để bảo đảm an ninh năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình trạng lách luật, tháo rời súng để mua bán trái phép diễn biến phức tạp