Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 và làm việc tại New York (Mỹ) vào sáng 23.9 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia.
Theo dòng thời sự

Toàn văn phát biểu chính sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại học Columbia

Theo TTXVN 24/09/2024 13:46

Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 và làm việc tại New York (Mỹ) vào sáng 23.9 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia.

Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu và được TTXVN trân trọng đăng tải toàn văn.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chính sách tại Đại học Columbia - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

"Kính thưa bà Angela Olinto, Hiệu trưởng Đại học Columbia,

Thưa bà Anne Neuberger, Phó Trợ lý Tổng thống, Phó Cố vấn An ninh quốc gia về mạng và công nghệ mới nổi,

Thưa các Giáo sư, giảng viên, các vị khách quý và các bạn sinh viên thân mến,

Trước hết, tôi xin cảm ơn Lãnh đạo trường Đại học Columbia đã mời tôi phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới nhân dịp tôi và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Thượng đỉnh Tương lai và Khóa 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, kết hợp làm việc tại Hoa Kỳ. Hẳn các bạn rất tự hào về Đại học Columbia, ngôi trường với bề dày lịch sử 270 năm, và một trong những cái nôi giáo dục hàng đầu của Hoa Kỳ đã đào tạo nên những người đã góp phần làm thay đổi tương lai. Trong đó, có tới 4 Tổng thống Hoa Kỳ, 2 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, 103 người đoạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học lỗi lạc. Tôi được biết nhiều cựu sinh viên Đại học Columbia hiện giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý cấp cao tại Việt Nam. Tôi đánh giá cao đóng góp của Đại học Columbia vào việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Đây là thời điểm không thể phù hợp hơn để chia sẻ với các bạn về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới. Với Việt Nam, đây là giai đoạn khởi điểm hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ. Với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, chúng ta đang hướng tới mốc kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ và 50 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam vào năm sau. Trong khi đó, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, được định hình bởi những thay đổi lớn lao, vừa mang tính chu kỳ, cấu trúc, vừa có những đột phá chưa từng có dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.

Thưa quý vị và các bạn!

I. Về con đường của Việt Nam: Tiếp tục đổi mới, hội nhập trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để Dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai ở phía trước.

Những thành tựu to lớn mà chúng tôi đạt được bắt nguồn từ con đường đúng đắn mà Việt Nam đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nỗ lực và quyết tâm của toàn Dân tộc. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, từ một đất nước từ thân phận nô lệ, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã giành lại độc lập và ngày nay đã khẳng định vị trí của một nền kinh tế phát triển năng động.
Quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở Top 40 và 20 trên thế giới.

Nền kinh tế năm 2023 đã tăng 96 lần so với năm 1986 và là một điểm sáng được Liên hợp quốc ghi nhận trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam ngày nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là thành viên tích cực của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ với 224 thị trường tại các châu lục.

Với tinh thần độc lập và tâm thế tự lực, tự cường, tự tin và tự hào dân tộc, toàn thể 100 triệu người Việt Nam và hơn 6 triệu đồng bào ở nước ngoài quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi là là xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai các cường quốc năm châu”. Trong kỷ nguyên mới, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là thực hiện thành công hai mục tiêu 100 năm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, để xây dựng một Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Truyền thống của người Việt Nam là “giàu vì bạn”. Chúng tôi không thể thực hiện các mục tiêu cao cả nói trên nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Thành công của chúng tôi là thành công của các bạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài. Con đường để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình là đổi mới sáng tạo, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Nhưng với Việt Nam, có một điều không thay đổi: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi cho rằng không thể có phát triển nếu không có hòa bình. Vì vậy, kế thừa truyền thống hòa bình, hòa hiếu, “lấy chí nhân thay cường bạo” của dân tộc, Việt Nam sẽ kiên trì chính sách quốc phòng “4 không”, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, phản đối các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp tích cực, chủ động. Việt Nam được Liên Hợp Quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050. Trong 10 năm qua, sự có mặt của các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại các Phái bộ của Liên hợp quốc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp ở một số nước châu Phi, không chỉ góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế mà còn hỗ trợ người dân sở tại trong đời sống hàng ngày. Nhân đây, tôi cảm ơn và đánh giá cao các đối tác Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả trong việc thực hiện các cam kết quốc tế quan trọng của mình.

Với thế và lực mới của đất nước, Việt Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới, sẵn sàng đóng góp trách nhiệm một cách chủ động, tích cực hơn vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ cùng các bạn bè, đối tác chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh nguồn nước… và thúc đẩy xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng, dựa trên các các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

II. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Từ cựu thù đến đối tác chiến lược toàn diện

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chính sách tại Đại học Columbia - Ảnh: Lâm Khánh/ TTXVN

Các Giáo sư và các bạn sinh viên thân mến,

Trong một thế giới đầy bất ổn với nhiều xung đột cục bộ, chúng ta lại càng thấy rõ ý nghĩa của thiện chí hợp tác - nền tảng để đưa Việt Nam và Hoa Kỳ từ cựu thù thành Đối tác chiến lược toàn diện như ngày hôm nay.

Gần 80 năm trước, trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích những lời bất hủ từ Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ về sự bình đẳng và các quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc. Ngay từ những ngày đầu lập quốc, chỉ trong 2 năm từ 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 8 bức thư và điện cho Tổng thống Harry Truman khẳng định Việt Nam mong muốn “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ.

Do những khúc quanh của lịch sử, phải mất 50 năm sau đó Việt Nam và Hoa Kỳ mới bình thường hóa quan hệ. Nhưng ít ai có thể hình dung được những bước tiến kỳ diệu của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong gần 30 năm qua. Từ cựu thù, hai nước đã trở thành đối tác, Đối tác toàn diện và nay là Đối tác chiến lược toàn diện. Từ khi bình thường hóa quan hệ, nhiều Lãnh đạo Việt Nam đã thăm Hoa Kỳ, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7.2015; đồng thời, tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ từ sau khi bình thường hóa quan hệ đều đã thăm Việt Nam, gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tháng 9.2023. Hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao đến kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… đều đạt những bước tiến quan trọng và thực chất. Đặc biệt, giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục đào tạo ngày càng sôi động. Hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, trong đó có các bạn sinh viên tại Đại học Columbia có mặt tại đây hôm nay.

Để quan hệ hai nước bước sang trang mới và phát triển tốt đẹp như ngày hôm nay, yếu tố quan trọng nhất là truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam, là sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với tầm nhìn trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh để đưa đất nước Việt Nam hội nhập vào dòng chảy quốc tế. Bên cạnh đó phải kể đến nhiều bạn bè, đối tác Hoa Kỳ như Tổng thống Bill Clinton và các Tổng thống kế nhiệm, các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Patrick Leahy… cùng nhiều người khác. Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự ủng hộ lưỡng đảng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta ngày càng đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, thực chất hơn thời gian tới.

III. Tầm nhìn cho kỷ nguyên mới: Vì nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại

Chú thích ảnh
Các đại biểu Việt Nam và Hoa Kỳ theo dõi bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các Giáo sư và các bạn sinh viên thân mến,

Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững có nghĩa rằng mối quan hệ đó không chỉ phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước chúng ta mà còn đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Từ con đường đi tới của dân tộc Việt Nam và câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, tôi xin chia sẻ đôi điều về tầm nhìn để xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại:

Một là, khẳng định và đề cao vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau: Quan hệ hai nước có được ngày hôm nay là bởi Việt Nam và Hoa Kỳ đã không ngừng thúc đẩy quá trình hàn gắn, hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau. Trong đó, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau là quan trọng nhất. Với truyền thống nhân văn, hòa hiếu, khoan dung của dân tộc Việt Nam, chúng tôi đã rất chủ động trong các bước đi hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ngay cả khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ, Việt Nam vẫn đơn phương tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh (MIA) suốt 15 năm trước khi Hoa Kỳ bắt đầu phối hợp với Việt Nam. Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã trở thành nền tảng để hai bên hàn gắn, tiến tới bình thường hóa, xây dựng lòng tin và làm sâu sắc quan hệ. Đây sẽ vẫn là những lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng giữa hai nước trong nhiều năm tới, bởi hậu quả chiến tranh vẫn còn rất nặng nề, đặc biệt là đối với Việt Nam.

Từ bài học trên, tôi cho rằng để một mối quan hệ phát triển, các bên cần đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của nhau. Do đó, tôi đánh giá cao Chương trình Việt Nam học của Đại học Columbia và việc ký thỏa thuận hợp tác giữa trường và Đại học Vin. Nhìn rộng ra, tôi cho rằng nếu các quốc gia hiểu, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin thì thế giới sẽ thêm hòa bình, bớt xung đột. Trong thời đại khoa học công nghệ, chúng ta có thể tranh thủ những phương thức mới như nền tảng và công cụ số để thúc đẩy sự kết nối rộng rãi và hiểu biết sâu sắc hơn giữa các dân tộc.

Hai là, coi trọng và thúc đẩy văn hóa đối thoại: Nhìn nhận một cách thẳng thắn, dẫu chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn một số khác biệt quan điểm nhất định về vấn đề quyền con người trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo… Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã chọn đối thoại thay cho đối đầu. Không những vậy chúng ta còn đối thoại trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng.

Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nếu các quốc gia đang có xung đột, tranh chấp thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế thì mọi vấn đề dù phức tạp đến mấy cũng sẽ có hướng giải quyết. Đối thoại cần trở thành cách hành xử phổ biến, là công cụ hữu ích và quan trọng hàng đầu cho nền văn minh của chúng ta.

Ba là, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với cộng đồng quốc tế: Vượt lên trên khuôn khổ song phương, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã dần mang tầm khu vực và toàn cầu, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…, qua đó đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, tôi cho rằng trước hết các nước cần có trách nhiệm trong quan hệ với nhau cũng như với hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Cạnh tranh địa-chiến lược là thực tế, nhưng xung đột không phải là tất yếu. Cũng như các thành viên ASEAN và các nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam mong các nước cùng nêu cao trách nhiệm đối với tương lai và nền văn minh nhân loại, đóng góp nhiều hơn vào duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác, thượng tôn pháp luật và chủ nghĩa đa phương.

Bốn là, luôn đặt Nhân dân ở vị trí trung tâm: quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có được thành tựu hôm nay là bởi hai bên đều hành động theo lợi ích của người dân, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.

Trong xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam tiếp tục nêu cao lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo lập quốc của Hoa Kỳ cùng chia sẻ là xây dựng Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đạt được sau gần 100 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có gần 40 năm Đổi mới cũng bởi Đảng luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm kim chỉ nam và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành vô hạn với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử. Đó là tư tưởng văn minh, là giá trị phổ quát chung của cộng đồng quốc tế. Chúng ta thấy ASEAN và Liên hợp quốc đều có tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm.

Năm là, đoàn kết và hướng về tương lai: Trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, nhân loại cần có tầm nhìn xa và sự đoàn kết hơn bao giờ hết. Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù mạnh đến đâu, có thể một mình xử lý những vấn đề chung của thời đại. Đó là cách tiếp cận và định hướng mà Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc đã nêu rõ.

Phương châm của Việt Nam là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chúng tôi không quên quá khứ, nhưng không để quá khứ trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của hiện tại và tương lai. Điều này vừa kết tinh từ truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, vừa phản ánh lối ứng xử đã trở thành bản sắc trong đường lối đối ngoại của chúng tôi. Tôi tin tưởng rằng với cách tiếp cận đề cao đoàn kết quốc tế, hướng về tương lai, cũng như câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, thế giới sẽ biến những điều không thể thành có thể, tiếp tục dựng xây một nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại.

Các Giáo sư và các bạn sinh viên thân mến,

Sau gần 30 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến mạnh mẽ vượt ngoài khả năng tưởng tượng của cả những người lạc quan nhất. Trong 30 năm tới, với tinh thần “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, tôi tin tưởng sâu sắc rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững sẽ còn vươn tới những tầm cao mới.

Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023 đã xác định rõ 10 trụ cột hợp tác toàn diện và quan trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là quyết tâm hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác đó, nhất là các lĩnh vực đóng vai trò nền tảng cốt lõi như hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo và đột phá mới của quan hệ như hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều biến động phức tạp, khó lường, cơ hội và thách thức tiếp tục đan xen. Điều đáng mừng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng chung của các dân tộc. Nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là phù hợp với xu thế đó.

Các Giáo sư và các bạn sinh viên thân mến,

Nhìn lại chặng đường mà Dân tộc Việt Nam đã đi qua, hơn bao giờ hết, chúng tôi vững tâm, vững tin và vững bước tiến về phía trước. Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để hiện thực hóa khát vọng đó của dân tộc. Trong hành trình hướng tới tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với bạn bè, đối tác quốc tế, cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, phối hợp hành động, vì những mục tiêu tốt đẹp nhất cho toàn nhân loại.

Nhìn vào gương mặt các bạn trẻ ở đây hôm nay, tôi thấy rất lạc quan và hy vọng. Chắc các bạn đã biết, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, một cựu sinh viên của Đại học Columbia, đã từng nói: “Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể xây dựng được tương lai cho thế hệ trẻ, nhưng chúng ta luôn có thể xây dựng thế hệ trẻ cho tương lai”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, cũng luôn nhấn mạnh tầm nhìn “vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Tôi mong bạn bè, đối tác, các giới ở Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, viết tiếp câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai. Thành công của chúng ta sẽ không chỉ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân hai nước, mà còn đóng góp ngày càng thiết thực và hiệu quả cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và sự phát triển phồn vinh của các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn.

Sau đây, tôi xin lắng nghe và trao đổi một số nội dung mà các bạn quan tâm".

Bài liên quan
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6
Ngày 15.1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
10 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toàn văn phát biểu chính sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại học Columbia