Mặc dù chỉ xuất hiện chưa tới một ngày thế nhưng bộ ảnh 'Gender is not uniform' ('Giới tính không quyết định việc mặc đồng phục') đã nhận được hơn 2.000 lượt 'chia sẻ' trên trang mạng xã hội Facebook. Đây là một dự án nhằm khắc họa sự tổn thương về mặt tinh thần của những người chuyển giới khi bị ép buộc mặc đồng phục học sinh trái với bản dạng giới thật của mình.
Tại nhiều nước trên thế giới, đồng phục cho học sinh/ sinh viên chuyển giới được xem là một vấn đề quan trọng đối với những nhà giáo dục và nhân quyền.
Tháng 6 năm nay, một trường đại học ở Thái Lan đã cho phép sinh viên của mình được mặc đồng phục phù hợp với giới tính mà họ lựa chọn, tạo tiền đề cho nhiều cơ sở giáo dục khác.
Người chuyển giới thường nhận ra sự khác biệt về bản dạng giới của mình từ rất sớm. Chính vì thế, việc phải mặc đồng phục trái với giới tính thật trong suốt khoảng thời gian ngồi ghế nhà trường khiến họ cảm thấy rất khó chịu và ức chế. Thậm chí, đối với nhiều cá nhân, trải nghiệm này có thể trở nên cực kỳ tồi tệ nếu như đi kèm với sự kỳ thị và trêu chọc từ bạn bè xung quanh.
Theo ước tính, tại Việt Nam có gần 300.000 người chuyển giới (chiếm khoảng 0.3% dân số). Tuy nhiên, họ đều phải mặc đồng phục trái với giới tính thật của mình. Đặc biệt, nhiều người chuyển giới từ nữ sang nam còn cho rằng áo dài chính là "cơn ác mộng" suốt thời đi học khiến họ từng nghĩ đến việc bỏ học.
Với mục đích kêu gọi sự chú ý cho vấn đề trên, Huỳnh Trí Viễn (sinh năm 1993) và Tammy Cao (sinh năm 1993) đã chung tay thực hiện một bộ ảnh mang tên Gender is not uniform ("Giới tính không quyết định việc mặc đồng phục") với sự tham gia của nhiều người chuyển giới. Chỉ trong vòng chưa tới 12 tiếng đồng hồ, bộ ảnh đã nhận được 3.000 lượt "thích" và hơn 2.000 lượt "chia sẻ" trên trang mạng xã hội Facebook.
|
Huỳnh Trí Viễn là một người chuyển giới nam. Anh là người sáng lập ra nhóm cộng đồng LGBT Quảng Ngãi và thành viên của TRANSCORE - một nhóm gồm những người chuyển giới tiên phong. |
|
Tammy Cao là một người chuyển giới nam và hiện là Giám đốc sáng tạo của một công ty truyền thông. Anh đảm nhận vai trò nhiếp ảnh gia cho dự án lần này. |
Trao đổi với báo Một Thế Giới, Huỳnh Trí Viễn cho biết anh đã ấp ủ dự án này trong 4 năm và mong muốn thông qua nó để nói lên sự bất công mà nhiều người chuyển giới đã và đang phải chịu đựng.
"Giới tính không nên là yếu tố quyết định việc mặc đồng phục của một người. Hãy để mọi người được tùy chọn đồng phục mà mình mong muốn", Trí Viễn nói. "Chỉ còn một tuần nữa là bản thảo cuối cùng của Bộ luật Dân sự có liên quan đền quyền của người chuyển giới được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa XIII. Mình mong muốn bộ ảnh này sẽ là tiếng nói tiên phong trong cộng đồng người chuyển giới, kêu gọi thêm nhiều cá nhân lên tiếng vì chính quyền lợi của mình. Nếu không, các bạn sẽ phải chờ đợi thêm rất nhiều năm nữa trong khi phải tiếp tục sống chung với sự kỳ thị".
"Tôi hy vọng Bộ Giáo dục sẽ xem xét lại về việc mặc đồng phục cho học sinh. Đồng phục là để thoải mái chứ không phải để trói buộc và gây áp lực tinh thần. Và hơn hết, tôi không muốn những người bạn của tôi phải bỏ học, phải bị trêu chọc, bị kì thị, lăng mạ chỉ vì bộ đồng phục không phù hợp với bản thân", anh nói thêm.
Chia sẻ về chính trải nghiệm của mình, Trí Viễn nói: "Việc mặc áo dài khi đi học thật sự tồi tệ. Cảm giác ấy giống như bạn không tôn trọng cơ thể của mình vậy. Khi ấy, đầu óc của tôi chẳng nghĩ được gì ngoài sự khó chịu cùng những hành vi trêu chọc từ bạn bè. Tuy nhiên, tôi không muốn bị đuổi học vì điều đó sẽ khiến bố mẹ buồn. Tôi còn nhớ mình đã phải đạp xe đi học lúc 4 giờ sáng và luôn đeo khẩu trang để không ai thấy tôi mặc áo dài".
Quá trình từ khi lên ý tưởng cho đến lúc ra mắt của bộ ảnh chỉ vỏn vẹn 7 ngày. Sau khi đưa ra lời kêu gọi, 10 người chuyển giới công khai đã đồng ý tham gia. Họ là những cá nhân hiểu rõ tầm quan trọng của việc mặc đồng phục đúng với giới tình thật của mình và có mong muốn mãnh liệt đưa nó ra ánh sáng.
Tammy Cao cho biết anh rất hồi hộp vì những người mẫu hầu hết đều không chuyên. Chính vì thế, đội ngũ đã phải cố gắng rất nhiều để có thể đưa ra những tấm ảnh phù hợp với tiêu chí đề ra. "Tôi mong muốn gia đình và nhà trường sẽ có cái nhìn khách quan hơn dành cho cộng đồng LGBT", Tammy Cao bày tỏ.
Dưới đây là những tấm ảnh kèm theo thông điệp ý nghĩa của bộ ảnh Gender is not uniform:
Mai Thảo - Ảnh NVCC