Với một nền tảng học thuật vững chắc và kiến thức sâu rộng về lý luận chính trị, văn hóa và lịch sử, Tổng Bí thư đã áp dụng những hiểu biết đó vào công tác lãnh đạo.
Qua thực tiễn lãnh đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ tầm vóc của một nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Tổng Bí thư đã khẳng định rằng “ngọn cờ lý luận” của Đảng sẽ giúp xác định được tầm nhìn chiến lược của Đảng và của dân tộc.
Ngọn cờ lý luận dẫn lối
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vừa kiên định, vừa sáng tạo, rất xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Tổng Bí thư thường nhắc các cộng sự của mình ghi nhớ lời dạy của lãnh tụ V.I. Lenin: "Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Chỉ đảng nào có được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì đảng đó mới làm tròn được vai trò là người chiến sỹ tiên phong".
Với một nền tảng học thuật vững chắc và kiến thức sâu rộng về lý luận chính trị, văn hóa và lịch sử đất nước, Tổng Bí thư đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và đã áp dụng những hiểu biết đó vào công tác lãnh đạo.
Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng phải chủ động nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; với xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tất cả đi theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế phát triển đất nước dựa chủ yếu vào nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy cao độ nhân tố con người.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cũng cho rằng chính cơ sở lý luận vững chắc đã khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt được những thành tựu lớn trong thời gian lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, điển hình là thành tựu trong chiến dịch chống tham nhũng.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định với chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể và được ghi nhận trong việc bài trừ tham nhũng, tạo sự liêm chính trong Đảng.
Song, Giáo sư Carl Thayer cho rằng chống tham nhũng chỉ là một phần trong sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đưa những người có đức, có tài đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng, kiên quyết loại bỏ những người không còn xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Chính nhờ những nỗ lực đó mà uy tín của Việt Nam được tăng lên trên trường quốc tế.
Đặc biệt, với chính sách “ngoại giao cây tre”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi… và điều đáng nói là trong các tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc gặp, các nước đều bày tỏ sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị của Việt Nam.
Khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư năm 2011, Việt Nam chỉ có một đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Việt Nam đã bổ sung thêm sáu đối tác mới vào danh sách: Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9.2023), Nhật Bản (11.2023) và Australia (2024).
Theo Giáo sư Carl Thayer phân tích, kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là 6,17% trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng Bí thư (2011-2015) và 6,27% trong nhiệm kỳ thứ hai (2016-2020).
Là một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng Đảng, ông Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng cơ sở lý luận mà Tổng Bí thư xây dựng không chỉ dừng lại ở phương diện nhận thức mà đã trở thành cương lĩnh hành động.
Kể từ năm 1984, Tổng Bí thư cho ra mắt gần 40 cuốn sách, bàn về rất nhiều vấn đề từ xây dựng nền văn hóa Việt Nam cho tới Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước, chủ nghĩa xã hội, chính sách đối ngoại.
Ông Nhị Lê đánh giá đây là một hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam một cách toàn diện, từ tầm nhìn vĩ mô cho đến các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, từ an ninh quốc phòng cho đến đối ngoại, ngoại giao. Tất cả đã hợp thành một hệ thống lý luận kết tinh trí tuệ, tầm nhìn của toàn Đảng mà Tổng Bí thư là người đứng đầu.
“Hệ thống lý luận của Tổng Bí thư lấp lánh tư tưởng xây dựng Đảng về mặt văn hóa. Đó là một bước tiến xuất phát từ yêu cầu phát triển và sự trưởng thành của Đảng ta. Tổng Bí thư luôn trăn trở việc tạo dựng niềm tin của nhân dân, từ đó hình thành quan điểm 'lấy dân làm gốc', xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng”, ông Nhị Lê nói.
'Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội'
Với một nền tảng học thuật vững chắc và kiến thức sâu rộng về lý luận chính trị, văn hóa và lịch sử đất nước, Tổng Bí thư đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và đã áp dụng những hiểu biết đó vào công tác lãnh đạo.
Theo nhận định từ các chuyên gia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn tiêu biểu cho tinh thần đổi mới, luôn cổ vũ cho những cải cách, đổi mới cần thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, giúp đất nước hội nhập quốc tế.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng hệ thống cơ sở lý luận của Tổng Bí thư qua các tác phẩm sách, báo không chỉ thể hiện kiến thức uyên thâm mà còn cho thấy sự trăn trở về con đường phát triển đất nước, làm sao để vừa giữ gìn được truyền thống dân tộc, vừa hội nhập, phát triển hiện đại.
Theo ông Sơn, những hiện tượng văn hóa tiêu cực gây xói mòn những giá trị văn hóa dân tộc, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển đạo đức cộng đồng, cá nhân, đòi hỏi một định hướng đúng đắn, rõ ràng để làm hệ điều tiết, dẫn dắt sự phát triển văn hóa cũng như sự phát triển chung của đất nước.
Trong bối cảnh đó, những bài báo, tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và văn hóa dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
“Tổng Bí thư luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị. Tình yêu dành cho văn hóa thấm đẫm trong từng chỉ đạo, bài viết, câu nói của Tổng Bí thư. Tinh thần ‘văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi’, hay ‘văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn’ đã thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của Tổng Bí thư về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tầm vóc và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Tổng Bí thư thực sự là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam, người đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của đất nước, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội.
Cùng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng tư tưởng, lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội luôn khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; con người giữ vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển.
Ông Kỷ tâm đắc với phát biểu của Tổng Bí thư: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”.